Phim hoạt hình lịch sử Việt Nam

Đã có lối ra?

Đã có lối ra?

Cuối tháng qua, cuộc tọa đàm xoay quanh chủ đề “Thể hiện đề tài lịch sử VN trong phim hoạt hình nhiều tập trên sóng truyền hình” do Trung tâm Sản xuất phim TH- Đài THVN (VFC) tổ chức đã thu hút sự quan tâm của các nhà sử học, các nhà làm phim, các nhà giáo dục… Không ít ý kiến xác đáng đưa ra đã phần nào khỏa bớt nỗi lo thường trực bấy lâu của những người làm phim truyền hình VN.

Phát huy lợi thế của hoạt hình dài tập

Không lo sao được khi ngày qua ngày, các đài truyền hình trong cả nước phát sóng rầm rộ phim truyện lịch sử dài tập của Trung Quốc. Ngay cả phim hoạt hình Trung Quốc với những câu chuyện về danh nhân cũng đang thu hút khán giả “nhí” nước ta… Tại cuộc hội thảo, VFC phải đối mặt với nhiều câu hỏi “nhức nhối”, như chính thổ lộ của Giám đốc Khải Hưng.

Đã có lối ra? ảnh 1

Không riêng ông Hưng, giới trong nghề ai cũng biết mười mươi chuyện làm phim lịch sử, cả truyền hình và phim nhựa, dường như vượt quá tầm tay của chúng ta ở thời điểm hiện nay. “Thiếu thốn về tiền bạc, về con người không khó bằng việc chưa thống nhất về các sự kiện và sự trái ngược về quan niệm lịch sử…”, ông Hưng giãi bày.

Làm phim hoạt hình sẽ giải tỏa được phần nào những trở ngại và thiếu thốn nêu trên, nhất là về bối cảnh, trang phục, đạo cụ… Chia sẻ vấn đề này, NSND - đạo diễn Hải Ninh cho rằng, phim hoạt hình nhiều tập về lịch sử dân tộc trên truyền hình là tín hiệu mừng, nhất là trong cơ chế làm phim còn nhiều trì trệ hiện nay, dù phải thừa nhận: phim truyện nhựa mới là mảnh đất để thể hiện mạnh mẽ đề tài lịch sử.

Thống nhất với quan niệm này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Dự án 120 tập phim hoạt hình là một giải pháp mang tính khả thi và hiệu quả cao khi phát huy được lợi thế của công nghệ phim hoạt hình để thể hiện đề tài lịch sử”.

Chính vì vậy, mặc dù dự án 120 tập phim ngốn một khoản kinh phí khá lớn (mỗi tập 13 phút được đầu tư 80 triệu, tương đương một tập phim truyền hình 60 - 70 phút mà VFC đang thực hiện) nhưng lãnh đạo VTV đã duyệt dự án ngay sau 2 ngày trình.

Hướng triển khai

Nhiều người đồng ý với quan niệm của ông Dương Trung Quốc: Không nên đặt nặng mục đích chỉ là trình bày những vấn đề lịch sử dân tộc mà phải làm sao để phim đem lại cảm hứng lịch sử, kể cả có thể hư cấu và tưởng tượng trên cơ sở tôn trọng các sự kiện lịch sử.

Đã có lối ra? ảnh 2

Cảnh trong bộ phim hoạt hình của VFC

Vì vậy, theo thổ lộ của người trong cuộc, các tập phim sẽ không câu nệ đến tính biên niên sử hoặc xoáy vào một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử nào mà lựa chọn những câu chuyện lịch sử, những giai thoại, những nhân vật… vừa hấp dẫn, vừa mang tính giáo dục, có giá trị lịch sử và giá trị thẩm mỹ cao khi thể hiện bằng hình ảnh hoạt hình.

Tất nhiên, sẽ có một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các tập phim, đảm bảo tính độc lập của mỗi tập phát sóng trong tuần. Nội dung phim không những lấy từ các sự kiện, nhân vật trong chính sử mà còn khai thác kho truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích cùng kho tàng chuyện kể dân gian của các dân tộc Việt Nam.

NSƯT, họa sĩ Mai Long, người đã tham gia thể hiện hình ảnh của nhiều bộ phim hoạt hình, lưu ý: Không nên quá kỳ vọng vào việc phim hoạt hình lịch sử sẽ đảm nhận trách nhiệm giáo dục về lịch sử cho thế hệ trẻ.

Theo ông, quan trọng là khơi dậy lòng tự hào dân tộc chứ không phải để người xem nhớ thời này có vị tướng nào, giai đoạn kia có sự kiện nọ… Từ việc hiểu một cách sâu sắc hơn về truyền thống của cha ông, những giá trị lịch sử, văn hóa… sẽ càng thấm đẫm trong dòng máu của mỗi người VN.

Giáo sư Phan Huy Lê đưa ra một gợi ý đáng suy ngẫm: mảng lịch sử văn hóa rất gần gũi với ngôn ngữ điện ảnh và là một khía cạnh sâu sắc của lịch sử dân tộc nhưng chưa có dịp khai thác nhiều. Hy vọng vấn đề này sẽ được khai thác hiệu quả để xây dựng kịch bản phim hấp dẫn hơn.

Còn nhiều vấn đề được “cày xới” trong khuôn khổ cuộc tọa đàm, tuy rằng chưa “thấm tháp”. Dĩ nhiên, để khởi động dự án này, Xưởng phim Hoạt hình của VFC đã “hòm hòm” các khâu chuẩn bị.

Nhiều việc vẫn còn ngổn ngang như tổ chức đội ngũ viết kịch bản, tổ chức làm phim để nâng số lượng tập phim nhiều hơn nữa so với hiện nay (hơn 1 tập/tháng)… nhưng đạo diễn Phạm Minh Trí - Xưởng trưởng - hy vọng, dịp Tết Nguyên đán Bính Tuất 2006 sẽ ra mắt 4 tập phim đầu tiên của dự án này.

Ông Hưng cũng vui vẻ “bật mí”: “Với hơn 20 họa sĩ lành nghề đăng ký tham gia dự án và nhiều nhà làm phim có tiếng đầu quân về VFC, từ năm 2006, chúng tôi sẽ chỉ làm phim hoạt hình về đề tài lịch sử dân tộc VN”.

HOÀNG GIANG

Tin cùng chuyên mục