SGGP).- Ngay sau công bố kết quả loại bỏ các dự án thủy điện không tuân thủ đúng cam kết và có vi phạm, đặc biệt là các dự án thủy điện quy mô nhỏ, ngày 14-11, Bộ Công thương cho biết đã có văn bản chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình vận hành đã được các cấp phê duyệt; rà soát các phương án phòng chống lụt cho vùng hạ du, đảm bảo an toàn đập phù hợp với thực tế; phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia; phối hợp với địa phương điều chỉnh quy chế phối hợp trong việc vận hành hồ chứa, phòng chống lụt bão.
Thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa các nhà máy thủy điện sẽ giúp cắt lũ cho hạ du
Đến nay, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được Bộ Công thương ban hành để các thủy điện vận hành. Qua báo cáo của UBND các tỉnh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như kết quả kiểm tra thực địa tại các địa phương và các nhà máy, Bộ Công thương khẳng định, hầu hết các chủ đầu tư hồ thủy điện đã nghiêm túc vận hành theo quy trình được phê duyệt, đảm bảo an toàn hồ đập, góp phần giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho sản suất nông nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng trong hiệu quả phát điện. Tuy nhiên còn một số công trình thủy điện như Hố Hô (Hà Tĩnh) và An Khê (Gia Lai) chưa tuân thủ đầy đủ về chế độ thông tin báo cáo việc vận hành hồ chứa.
Đến nay, Bộ Công thương đã yêu cầu bổ sung, điều chỉnh quy trình vận hành của 38 hồ chứa thủy điện và quyết định loại bỏ 8 dự án thủy điện bậc thang để đảm bảo an toàn cho quy trình liên hồ chứa.
° Liên quan đến các dự án nhà máy nhiệt điện có nguy cơ đe dọa môi trường, Bộ Công thương khẳng định, hiện cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy là 13.110MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra là hơn 15,7 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án tương tự được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt là 24.370MW.
Theo kiểm tra của Bộ Công thương, đến tháng 11-2016, các nhà máy đã thực hiện đầy đủ việc lập và trình Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Một số nhà máy đã đi vào vận hành nhưng chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường mà báo chí phản ánh như: Vũng Áng, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Formosa Hà Tĩnh. Hiện tại, nước thải công nghiệp, sinh hoạt của các nhà máy được xử lý đạt quy chuẩn về môi trường và hầu hết được tuần hoàn tái sử dụng cho các mục đích khác nhau trong nhà máy.
Tuy nhiên khói bụi hiện vẫn còn là vấn đề nan giải, Bộ Công thương đang chỉ đạo các nhà máy nhanh chóng có giải pháp khắc phục hiện tượng này.
Về quản lý chất thải nguy hại, mặc dù đang được kiểm soát chặt chẽ theo quy định, nhưng một số nhà máy vẫn để xảy ra tình trạng thu gom và phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, xây kho lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định, quản lý chứng từ chất thải nguy hại chưa chặt chẽ… Bộ Công thương đã chỉ đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp nhanh chóng xử lý và đã khắc phục.
Bộ Công thương sẽ rà soát các dự án có nguy cơ ô nhiễm để kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường, sẽ thẩm định chặt chẽ các hạng mục bảo vệ môi trường ngay từ giai đoạn thiết kế cơ sở; đánh giá các nguy cơ, rủi ro về môi trường đối với các dự án đầu tư, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các dự án đầu tư trong giai đoạn xây dựng.
Kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường. Lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương theo quy định.
PHÚC HẬU