Hoàng gia Nhật

Đã có thêm hoàng tử kế vị ngai vàng

Đã có thêm hoàng tử kế vị ngai vàng

Hoàng gia Nhật đã thở phào khi có tin công chúa Kiko, 39 tuổi, sinh bé trai vào 8g27 sáng thứ tư ngày 6-9-2006. Cậu bé sẽ trở thành người thứ ba theo thứ tự kế vị ngai vàng, sau thái tử Naruhito và hoàng tử Akishino (chồng Kiko). Vấn đề kế vị ngai vàng đối với nước Nhật quan trọng đến mức Toshihiro Nagahama - kinh tế gia thuộc Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life - dự báo sự ra đời của bé trai gia đình Akishino có thể đem lại khoảng 150 tỷ yen (1,3 tỷ USD) cho kinh tế quốc gia.

  • Lịch sử và huyền sử
Đã có thêm hoàng tử kế vị ngai vàng ảnh 1

Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu.

Chiều 16-8-2006, đoàn xe Hoàng gia Nhật bắt đầu lăn bánh từ dinh hoàng tử Akishino và trực chỉ bệnh viện Aiiku. Chiếc xe chính chở hoàng tử Akishino và vợ – công chúa Kiko. Tại cổng bệnh viện, vô số phóng viên đã chực sẵn. Gần như tất cả người Nhật đều hóng tin về Kiko. Trong một thế hệ, Hoàng gia Nhật đã thật sự bị khủng hoảng bởi vấn đề kế vị ngai vàng. Theo luật, ngai vàng chỉ có thể truyền lại cho hoàng tử.

Trong khi đó, hai con trai của Nhật hoàng Akihito - Naruhito, 46 tuổi và Akishino, 40 tuổi - đều sinh ba công chúa. Trước viễn cảnh ngai vàng không người kế vị, Thủ tướng Junichiro Koizumi ủng hộ đề xuất trao ngai vàng cho công chúa. “Người ta cần tỉnh táo nhận ra sự thật rằng nếu thể chế này tiếp tục (chỉ nam giới mới được kế nhiệm ngai vàng), sẽ có mối nguy thật sự cho dòng dõi triều đình Nhật Bản” – phát biểu của Koichi Yokota, giáo sư luật hiến pháp Đại học Ryutsu Keizai.

Tuy nhiên, truyền thống 26 thế kỷ của Nhật không dễ thay đổi. Nhóm ủng hộ thay đổi truyền thống lập luận rằng thực tế cho thấy không còn cách nào khác là chấp nhận hình ảnh nữ hoàng trong tương lai; vả lại, trong quá khứ, nước Nhật từng có 8 nữ hoàng. Trong khi đó, nhóm bảo thủ cho rằng nếu ngai vàng được trao cho nữ – trong trường hợp cụ thể là công chúa Aiko; và giả như Aiko (con của Naruhito) lập gia đình với thường dân, rồi sinh con trai và người này đương nhiên trở thành Nhật hoàng thì giá trị “con rồng cháu tiên” của Hoàng gia Nhật Bản xem như chấm hết! Việc tranh cãi kéo dài dường như bất tận đến khi có tin Kiko mang thai...

Như nhiều chế độ phong kiến, triều đình Nhật cũng từng chứng kiến các cuộc tranh giành đoạt vị soán ngôi. Năm 1156, cựu Nhật hoàng Sutoku đã âm mưu giành ngôi với Thiên hoàng Go-Shirakawa. Sau thế kỷ 12, Hoàng gia Nhật mất dần quyền lực. Các shogun (tướng quân) thao túng triều chính và lợi dụng Nhật hoàng cho mục đích tư riêng. Nhật hoàng bắt đầu rút vào bóng tối hoàng cung, tồn tại một cách tượng trưng. Trong thực tế, sau 8 thế kỷ quân luật (theo quyển The Yamato Dynasty của hai sử gia Peggy và Sterling Seagrave – dẫn lại từ Time 4-9-2006), nhiều người Nhật vào đầu thế kỷ 19 thậm chí không biết rằng ngai vàng Nhật vẫn tồn tại. Giai đoạn cải tổ thời Minh Trị Thiên hoàng đã thay đổi tất cả.

Năm 1867, một nhóm samurai (võ sĩ đạo) lật đổ chế độ shogun. Lo ngại phương Tây xâm phạm nước Nhật, họ đưa Minh Trị (Meiji) lên ngai vàng khi mới 15 tuổi đồng thời áp đặt thể chế phong kiến triệt để. Lần đầu tiên, tất cả người Nhật phải thề “trung với vua”, đem lại một không khí chính trị thần quyền cho Nhật Bản. Shinto (Thần đạo) – một tôn giáo hiền hòa theo thuyết vật linh – trở thành mô hình gần như là quốc giáo. Giới sử gia thời Minh Trị (tất nhiên chịu ảnh hưởng từ các samurai trong bóng tối giúp đưa Minh Trị lên ngôi) đã khẳng định thêm tính hợp pháp của chính thể mới bằng cách nêu ra nhiều tài liệu cổ cho thấy có một sự nối kết liên tiếp 120 hoàng đế Nhật giữa Minh Trị và Jimmu – Nhật hoàng đầu tiên, lên ngôi ngày 11-2 năm 660 TCN.

Tuy nhiên, có một số hình ảnh truyền thống tưởng chừng xuất phát từ xa xưa, trong đó có quốc kỳ và dấu triện Hoàng gia hình hoa cúc, thật ra đều được khai sinh vào cuối thế kỷ 19. Và do vậy,  ít người biết rằng toàn bộ hệ thống chính trị-hoàng gia như biết hiện nay tại Nhật thật ra chỉ tồn tại mới 135 năm và là “một sản phẩm của chính trị” – như kết luận của Kyosuke Itagaki, tác giả quyển sách gây nhiều tranh cãi gần đây về lịch sử triều đình Nhật. Thời hiện đại, chính trị và cung đình là một “sự kết hợp nguy hiểm” – theo cách nói của tác giả Jim Frederick (Time), thể hiện ở sự bùng nổ chế độ quân phiệt Nhật vào thế kỷ 20.

Đã có thêm hoàng tử kế vị ngai vàng ảnh 2

Dân Nhật vui mừng tụ tập trước cổng Cung điện Hoàng gia Nhật để chúc mừng hoàng tử mới ra đời.

Thời Thế chiến thứ hai, Bộ Hoàng gia là một trong những cơ quan thét ra lửa ở Nhật, nơi chịu trách nhiệm quản lý nguồn bất động sản lớn nhất Nhật và các thể chế đại diện của nó còn có cổ phần trong Ngân hàng Triều Tiên và Công ty hỏa xa Nam Mãn Châu. Hoạt động độc lập và không bị chi phối bởi Quốc hội, Bộ Hoàng gia có chức năng như một nội các ngầm. Nhân vật đứng đầu Bộ Hoàng gia –  Koichi Kido (sau này bị xếp vào danh sách tội phạm chiến tranh loại A) – là người thân tín nhất của Nhật hoàng Hirohito vào thời chiến. Sau chiến tranh, một số nước đồng minh đề nghị xóa sổ Hoàng gia Nhật.

Tuy nhiên, tướng Mỹ Douglas MacArthur cùng Nội các Truman quyết định duy trì một phần thể chế Hoàng gia nhằm tránh khoét sâu thêm thù hận từ dân chúng Nhật. Và Mỹ cũng đứng phía sau trong việc soạn hiến pháp mới. Vai trò Thiên hoàng được nêu rõ trong chương một Hiến pháp 1947. Điều một quy định rằng Nhật hoàng là hình ảnh tượng trưng quốc gia. Điều 7 quy định Nhật hoàng được thực hiện một số chức trách như cố vấn chính phủ cũng như chuẩn y thành viên nội các. Theo Luật Triều đình (soạn năm 1947, cũng dưới sức ép Mỹ), số gia đình thuộc Hoàng gia Nhật từ 14 đã bị rút xuống còn 3.

  • Hoàng gia Nhật thời hiện đại

Giai đoạn hậu chiến chứng kiến sự thoái trào đáng kể của Bộ Hoàng gia. Thời chiến tranh, Bộ có hơn 6.000 nhân viên; bây giờ, Cơ quan Hoàng gia Nhật (IHA, như tên gọi hiện nay) chỉ có 1.100 người. Từng điều hành quốc chính, IHA hiện thuộc quản lý Văn phòng Thủ tướng và không có quyền hạn nào trong hoạch định chính sách. Từng là bộ giàu nhất nước Nhật, IHA hiện có ngân sách 260 triệu USD/năm. Nhân viên IHA gồm thành phần omote (người ngoài nhà – chủ yếu là tài xế, thợ làm vườn, đầu bếp hoặc viên chức hành chính) và oku (người trong nhà – thành phần chịu trách nhiệm chăm lo trực tiếp cho Hoàng gia, chẳng hạn hầu hạ hoặc quản gia mà theo truyền thống thường được truyền từ đời này sang đời kia).

Không như hoàng gia châu Âu, hoàng đế Nhật được xem là “thiên tử”, hậu duệ trực tiếp của Thái dương thần nữ Amaterasu. Triều đình Nhật là thể chế phong kiến lâu đời nhất thế giới hiện còn tồn tại. Trong Nihonshoki (một trong những sử liệu cổ nhất Nhật Bản), Hoàng gia Nhật được thành lập năm 660 TCN bởi Thiên hoàng Jimmu và hậu duệ ông tiếp tục nối ngôi từ đời này sang đời kia đến nay. Nhật hoàng Akihito là hậu duệ trực tiếp đời thứ 125 của Jimmu (Akihito kế nhiệm ngai vàng từ phụ hoàng Hirohito – từ trần năm 1989).  

Dù vậy, đừng tưởng IHA là hình ảnh bù nhìn. Đó chính là nơi kiểm soát mối liên lạc giữa Hoàng gia với thế giới bên ngoài. Thủ tướng Nhật cũng không được phép diện kiến Nhật hoàng nếu chưa thông qua IHA. IHA không bao giờ cho phép các thông tin báo chí chưa biên tập lọt vào Hoàng gia và chẳng hề giấu sự ác cảm dành cho báo chí. Năm 1990, phóng viên Toshiaki Nakayama (hãng Kyodo) tung ra tấm ảnh công chúa Kiko xoa đầu chồng. Hình ảnh trìu mến này lập tức bị IHA chỉ trích và cố ngăn không để bức ảnh phổ biến rộng hơn. Không như hoàng gia châu Âu, IHA chẳng bao giờ cho phép nói về bất cứ gì liên quan sinh hoạt Hoàng gia Nhật, thậm chí thông tin về đám chó mèo trong cung điện. Ngoài ra, IHA cũng quản lý 896 ngôi mộ khắp nước Nhật, trong đó có 112 ngôi mộ chứa hài cốt tất cả 124 vị hoàng đế Nhật (đến nay, IHA tiếp tục bác bỏ yêu cầu từ các nhà khoa học đòi khảo sát mộ cổ bởi nhiều người tin rằng 9 vị hoàng đế đầu tiên là giả mạo).

IHA cũng ít nhiều can thiệp nội bộ Hoàng gia. Họ từng chỉ trích hoặc gián tiếp chỉ trích vợ thái tử Naruhito. Xinh đẹp, học thức (tốt nghiệp Đại học Oxford và Harvard), từng là gương mặt nổi bật trong Bộ ngoại giao trước khi kết hôn với Naruhito năm 1993, Masako Owada đã bị IHA “xỉa xói” khi đến nay chỉ sinh mỗi mụn con gái. Năm 2003, Masako từng lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng. Tháng 5-2004, thái tử Naruhito không kềm được sự oán giận và trong một buổi họp báo đã tiết lộ rằng vợ mình “hoàn toàn kiệt sức” khi phải cố sống theo quy định Hoàng gia. Được báo chí diễn dịch như một thái độ phản kháng nhằm hạn chế sự can thiệp IHA, “phút nói thật” của Naruhito đã khiến nước Nhật bàng hoàng.

Các đài truyền hình phát đi phát lại buổi họp báo đó hàng tuần. Dù thế nào, Hoàng gia vẫn nằm trong tay IHA. Không như thái tử Charles của vương quốc Anh chẳng hạn, thành viên Hoàng gia Nhật không phải muốn đi đâu thì đi. Họ không có tài sản cá nhân và thậm chí thẻ thông hành. Như Akira Asada thuộc Đại học Kyoto nhận xét: “Thành viên Hoàng gia Nhật không được phép sống như người bình thường. Họ bị ép phải sống trong một tình trạng đau khổ, bị tước nhiều quyền cơ bản của con người”.

Dù thế nào, với hầu hết người Nhật, Hoàng gia là hình ảnh không thể xóa bỏ. Hơn nữa, Hoàng gia Nhật cũng bắt đầu mang tư tưởng phóng khoáng và tự do. Vài bí mật cung đình đã được tiết lộ: Nhật hoàng Hirohito từng phản đối việc đưa 14 tội phạm chiến tranh loại A vào Đền Yasukuni; con của ngài – Nhật hoàng Akihito – cũng nhiều lần làm phe bảo thủ nổi giận khi chống lại vài nếp nghĩ truyền thống cũng như từng làm nước Nhật sửng sốt khi nhắc đến tổ tiên gốc Triều Tiên; thái tử Naruhito cũng từng đề cập việc “tìm một hình ảnh thích hợp cho Hoàng gia thế kỷ 21”...

Lê Thảo Chi

Tin cùng chuyên mục