Tại hội thảo “Chương trình hành động đa dạng sinh học tại TPHCM giai đoạn 2015 và định hướng năm 2020” do Sở TN-MT TPHCM tổ chức, bà Đỗ Thị Bích Lộc, Viện Kỹ thuật biển, trưởng nhóm nghiên cứu đa dạng sinh học ở TPHCM đã cho biết, biến đối khí hậu, suy thoái môi trường đã và đang tác động mạnh đến các hệ sinh thái, động vật ở TPHCM.
Cụ thể, sự thay đổi nhiệt độ đã làm thay đổi tập tính di cư đối với các loại động vật; nhiệt độ tăng cao tác động mạnh đến những vùng đất ẩm ướt, bốc hơi nhanh sẽ làm cho các vùng đất ẩm ướt nhanh chóng cạn nước trước khi mùa mưa đến, gây hiện tượng phân cắt dòng di cư, điều này sẽ làm cho trứng, con non của các loài thuộc nhóm cá, lưỡng cư bị suy giảm. Hiện tượng này được ghi nhận nhiều ở các quận 2, 7, 9 và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ trên những khu đất ngập nước tự nhiên bị phân cắt thành mảng nhỏ do việc san lấp xây dựng các khu dân cư.
Mưa nhiều cùng với cường độ khai thác cát trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ làm gia tăng hiện tượng xói lở bờ, kết quả các mảng thực vật tự nhiên ven hành lang sông sẽ bị thu hẹp diện tích hoặc bị biến mất. Thay vào đó sẽ là các bờ kè nhân tạo, khu dân cư đô thị mà khu hệ thực vật chủ yếu là các loài thực vật ngoại lai…, không thích hợp cho các loại động vật hoang dã bản địa tồn tại.
Thêm vào đó, lượng mưa không đều, cùng với rừng đầu nguồn cạn kiệt dần làm cho lưu lượng nước ở thượng nguồn sông Đồng Nai thiếu ổn định. Mưa lũ buộc phải xả hồ Trị An, đẩy nước mặn ra xa, khi khô hạn kéo dài xâm nhập mặn lại đi vào sâu hơn. Hạn hán kéo dài, nhu cầu nước ngọt cần để duy trì sự sống của các loài sinh vật sụt giảm, trước tiên sẽ là suy giảm về độ nhiều của các loài và về lâu dài là sự suy giảm về thành phần loài, điều này có nghĩa là sự đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng.
MINH HẢI