
* Không có ống thải xả nước rỉ rác chưa xử lý ra môi trường
Ngày 20-6-2009, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM đã khẳng định như vậy với PV Báo SGGP.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, do ngành y tế, môi trường và Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam - chủ đầu tư công trình xây dựng bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) nỗ lực phun xịt thuốc trừ côn trùng ở tất cả những địa điểm được xác định có ổ ruồi nên đã khống chế được nạn ruồi ở Đa Phước.
Cùng ngày, có mặt tại Đa Phước, chúng tôi ghi nhận toàn khu vực bãi rác đã được phủ bạt che kín nhằm hạn chế ruồi chui vào rác đẻ trứng; bãi rác hầu như không có ruồi. Bà Huỳnh Thị Lan Phương, đại diện Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam, cho biết, trước khi phủ bạt, công ty đã phun xịt thuốc trừ côn trùng vào rác và tiến hành lu lèn rác thật chặt để thuốc ngấm vào rác, không cho ruồi có chỗ làm ổ, đẻ trứng trong rác. Công ty đã rà soát lại toàn bộ chu trình phun xịt thuốc trừ côn trùng trước đây nhằm tìm ra sai sót, có thể là nguyên nhân đã dẫn đến tình trạng ruồi bùng phát tại Đa Phước trong thời gian qua. “Tất cả những bất cập đã được chấn chỉnh”, bà Phương khẳng định.
Giải thích về việc có hay không chuyện Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam có một đường ống bí mật xả nước rỉ rác chưa qua xử lý ra môi trường, ông Nguyễn Văn Phước cho biết, sự thật đó chỉ là một đường ống thoát nước mưa trong quá trình xây dựng bãi rác và chưa kịp tháo dỡ sau khi bãi rác hoàn thành.
Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM, người đã có nhiều lần xuống Đa Phước xem xét hiện trường đường ống này cũng khẳng định, đây không phải là đường ống bí mật xả nước rỉ rác chưa xử lý ra môi trường.
Theo hồ sơ thiết kế xây dựng bãi rác Đa Phước, đường ống này là ống thoát nước mưa mang số hiệu 12. Hiện tại, ở Đa Phước đang có một hệ thống xử lý nước thải công suất 280m³/ngày và Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam cũng đang vận hành thử một dây chuyền xử lý nước rỉ rác khác, công suất 3.000m³/ngày. Dự kiến, đầu tháng 7-2009 đưa vào hoạt động.
AN NHIÊN