Đà Nẵng: Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT

Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định Công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số là một trong năm lĩnh vực mũi nhọn của thành phố. Để làm được điều đó, cần có sự liên kết hợp tác giữa nhà nước – nhà trường – nhà đầu tư, doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới mang thương hiệu Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở TT-TT thành phố Đà Nẵng chứng kiến sự kiện nhà trường và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ hợp tác tại trường VKU
Ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở TT-TT thành phố Đà Nẵng chứng kiến sự kiện nhà trường và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ hợp tác tại trường VKU

Tại Đà Nẵng, nhiều cơ sở trường học đã hình thành hệ thống đào tạo CNTT mạnh mẽ như trường đại học Bách khoa, đại học Sư phạm, đại học Sư phạm kỹ thuật, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (thuộc Đại học Đà Nẵng), trường đại học Duy Tân, đại học FPT, trường đại học CNTT và Truyền thông Việt Hàn, và các cơ sở đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, NIIT...

Các cơ sở đào tạo này là nguồn cung cấp nhân lực CNTT chủ yếu của thành phố Đà Nẵng. Hằng năm, số lượng người được đào tạo từ các cơ sở đào tạo CNTT trên địa bàn thành phố ước đạt trên 2.000 người.

Đà Nẵng: Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT ảnh 1 FPT Software - trường VKU đã tổ chức nhiều đợt thực tập, kiến tập dành cho sinh viên ngành CNTT
PGS.TS Huỳnh Công Pháp, quyền Hiệu trưởng Trường đại học CNTT và Truyền thông Việt Hàn (VKU) cho biết, chương trình đào tạo ngành CNTT của nhà trường được phát triển theo hướng mở trong đó có yếu tố do doanh nghiệp thiết kế giảng dạy và đánh giá nhằm phù hợp hơn với từng yêu cầu của cơ sở doanh nghiệp theo xu hướng thời đại.
Ngoài những kiến thức nền tảng, chương trình học của sinh viên CNTT có những môn chuyên đề thay đổi theo từng kỳ, theo thời gian và yêu cầu thị trường và doanh nghiệp. Sinh viên sẽ được trải nghiệm, doanh nghiệp có thể tham gia. Tuy nhiên, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chỉ dừng ở mức là tuyển dụng, thực tập và tham gia giảng dạy vài môn học,…

“Rất nhiều sản phẩm, đề tài của cán bộ, sinh viên không ra được thị trường, không thương mại được vì nhiều yếu tố. Hiện nay có một tình trạng doanh nghiệp thì không có nguồn lực nghiên cứu, nhà trường thì không định hướng được thị trường vì thế hai bên cần hợp tác, hỗ trợ với nhau để phát minh ra công nghệ mới, dẫn dắt thế giới công nghệ”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp cho biết.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp mong muốn sự hợp tác cần được nâng ở mức cao hơn để phát triển nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm của sinh viên, giáo viên vào thị trường; mở các phòng thí nghiệm và ứng dụng công nghệ mới như Blockchain, trí tuệ nhân tạo; phát triển các mô hình làm việc chung, vườn ươm khởi nghiệp, công viên công nghệ ngay trong trường…

FPT Software – trường VKU tổ chức tuyển chọn các bạn sinh viên thực tập ngành CNTT
Ông Đoàn Văn Huy, Trưởng chi nhánh công ty TNHH Hitachi Vantara Việt Nam tại Đà Nẵng, để sinh viên ra trường làm được việc, công ty phải chấp nhận mất thời gian đào tạo 2-3 tháng. Việc tuyển dụng sinh viên CNTT mới ra trường không quá khó khăn vì công ty có liên kết với các trường, còn để tuyển được nhân sự giỏi có kinh nghiệm thì gặp khó khăn bởi thị trường rất cạnh tranh.

“Sinh viên học CNTT cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề tiếng Anh. Trong bối cảnh hội nhập thế giới, tiếng Anh là chìa khoá nghề nghiệp tương lai. Nếu không đó sẽ là trở ngại rất lớn đối với sinh viên khi ra trường”, ông Huy nhìn nhận.

Khu CNTT Đà Nẵng với diện tích 131 ha tại huyện Hòa Vang được đưa vào hoạt động từ tháng 4-2019, hiện đang thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, CNTT trở thành một trong những ngành khát nhân lực nhất hiện nay và cả trong tương lai. Theo thống kê của Sở Thông tin- truyền thông (TT-TT) thành phố Đà Nẵng, năm 2019, tổng doanh thu toàn ngành TT-TT khoảng 30.050 tỷ đồng, trong đó CNTT đạt 19.570 tỷ đồng, viễn thông internet đạt 8.850, bưu chính viễn thông đạt 520 tỷ đồng, in báo chí xuất bản đạt trên 1000 tỷ đồng,… Thành phố Đà Nẵng có 6.200 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Doanh thu tăng trưởng bình quân hằng năm 15-20%.

Ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở TT-TT thành phố Đà Nẵng cho biết, do Đà Nẵng không có nhiều lợi thế về đất đai vì vậy thành phố chủ yếu tập trung một số lĩnh vực mà không có sử dụng nhiều đất đai. Trong dịch Covid-19, dù rất nhiều ngành bị ảnh hưởng nhưng ngành CNTT truyền thông không bị ảnh hưởng nhiều như lĩnh vực du lịch.

“Mặc dù ngành du lịch sử dụng tài nguyên đất đai gấp 15 lần nhưng tỷ lệ tăng trưởng doanh thu chỉ ngang với phát triển công nghiệp công nghệ thông tin”, ông Thanh cho hay.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, thị trường xuất khẩu đạt trên 78 triệu USD, trong đó xuất khẩu phần mềm tăng trưởng bình quân 25%/năm, tập trung vào hai thị trường lớn là Nhật Bản, Mỹ (36%). Điều này cho thấy, nhu cầu nhân lực CNTT trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số rất cao vì thế các trường nên đào tạo chuyên ngành, tăng chỉ tiêu đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường; gắn kết nhu cầu đào tạo và sử dụng, tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực đào tạo bổ sung, gây tốn thời gian, kéo dài quá trình nghiên cứu đi đến ứng dụng.

Hạ tầng CNTT như Trung tâm dữ liệu (TIER III, 150TB)
“Trong phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, việc liên kết giữa nhà nước – nhà trường – nhà đầu tư, doanh nghiệp để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới mang thương hiệu Đà Nẵng. Từ đó, nhà trường và doanh nghiệp cần định hình đào tạo cho các sản phẩm, ngôn ngữ, bảo đảm sinh viên ra trường có trình độ để làm trong các thị trường”, ông Thanh cho biết.

Tin cùng chuyên mục