Tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, cho biết, nhiều năm nay, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên tục được hoàn thiện, nền tảng dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu mở, trục tích hợp được đầu tư đồng bộ. Nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, đô thị thông minh, giao thông đã bước đầu ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và điện toán đám mây (Cloud Computing).
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, Đà Nẵng cần tiến xa hơn, với sự tham gia của các đối tác công nghệ trong và ngoài nước. Trọng tâm là ứng dụng sâu rộng điện toán đám mây, AI vào quản lý, cung cấp dịch vụ công một cách thông minh, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm.

Theo ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng, Đà Nẵng đã tiếp cận mô hình Smart Nation (quốc gia thông minh) từ khá sớm và có những kết quả ban đầu, nhưng để đạt được một phiên bản hoàn chỉnh như Singapore thì cần rất nhiều thời gian, nguồn lực và sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương. Một điểm đáng chú ý là Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến triết lý "lấy người dân làm trung tâm" – một trong những tinh thần cốt lõi của Smart Nation.
Theo ông Phong, bài học quan trọng nhất khi áp dụng mô hình quốc tế vào địa phương là phải am hiểu bối cảnh, nguồn lực và nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, thành phố xác định rõ: phát triển đô thị thông minh không thể thiếu yếu tố con người, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng, làm chủ và thích nghi với công nghệ.
Về hạ tầng, Đà Nẵng đang đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn công nghệ như NVIDIA, AMD, Intel… không chỉ để triển khai giải pháp, mà còn để được tư vấn chiến lược phát triển AI và chuyển đổi số.
Ông Phong cũng nhấn mạnh, nhờ khung pháp lý mới, địa phương đã có thể huy động nguồn lực công để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy các mô hình hợp tác công tư (PPP) – điều trước đây rất khó thực hiện. Một ưu tiên lớn là đầu tư cho đào tạo kỹ năng số cho người dân và doanh nghiệp, thông qua các chương trình huấn luyện từ Amazon, AMD, …
Bày tỏ sự đồng tình, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Khối Dịch vụ công của AWS chia sẻ thêm kinh nghiệm từ Singapore – nơi chính phủ đã xây dựng một cơ chế học tập rất hiệu quả thông qua việc cấp tài khoản học tập cá nhân cho mỗi công dân. Nhà nước định kỳ chuyển tiền vào các tài khoản này, khuyến khích người dân học tập suốt đời. Đáng chú ý, người cao tuổi còn được hỗ trợ nhiều hơn, vì chính phủ tin rằng chỉ cần còn học thì còn phát triển, bất kể độ tuổi.

Singapore cũng triển khai nền tảng SkillsFuture, nơi tập hợp hàng loạt khóa học đa dạng, từ kỹ năng nghề nghiệp cho đến nghệ thuật. Người dân có thể dùng khoản hỗ trợ từ chính phủ để chi trả cho các khóa học này. Đồng thời, các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp nội dung đào tạo cũng được tham gia hệ sinh thái, nếu đáp ứng tiêu chuẩn kiểm duyệt. Nhờ đó, nền tảng này vừa thúc đẩy học tập cộng đồng, vừa tạo cơ hội kinh tế cho doanh nghiệp.
Liên quan đến việc xây dựng trung tâm dữ liệu (data center), ông Tuấn lưu ý, TP Đà Nẵng nên tham khảo thêm các cam kết phát triển bền vững. Trên thế giới, nhiều trung tâm dữ liệu hiện đã áp dụng tiêu chuẩn phát thải carbon bằng 0 hoặc sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Đây là xu hướng tất yếu, nếu đón đầu sớm, Đà Nẵng sẽ có lợi thế lớn khi bước vào các cam kết môi trường trong tương lai.