Đá “phủi” ở Sài Gòn

Đá phủi thời xưa
Đá “phủi” ở Sài Gòn

Đá “phủi” là tên thường gọi của người Hà thành. Riêng giới chơi bóng nghiệp dư trong Nam, đặc biệt là dân Sài Gòn quen gọi là đá “chầu”. Đây là sân chơi rất nở rộ từ lâu tại đất Sài thành, nơi được xem là “tấc đất, tấc vàng”.

Đá “phủi” ở Sài Gòn ảnh 1

Hình ảnh thường thấy trên các sân cỏ trong thời gian gần đây. Ảnh: Dũng Phương.

Điểm đặc biệt của dân chơi “phủi” ở Sài Gòn, đó là việc không phân biệt bạn thuộc loại thành phần nào, đến từ đâu. Nếu hội đủ các điều kiện của từng đội bóng là bạn có thể tham gia.

Từ cậu sinh viên, anh cán bộ, bác xe ôm, một doanh nhân, cho đến các cầu thủ chuyên nghiệp cũng có mặt và gần đây còn bắt gặp những cầu thủ da màu người châu Phi xuất hiện trên sân bóng thì bạn cũng không quá bất ngờ. Bởi lẽ, “phủi” ở Sài Gòn là “tình không biên giới”.

Chơi “phủi” ở Sài Gòn cũng có nhiều cái hay và nhiều cái thích. Chơi cho vui để giải sầu, “xả stress” sau một ngày lao động, học tập mệt nhọc cũng có, mà chơi để duy trì sức khỏe, tìm đối tác làm ăn cũng có. Đặc biệt, có trường hợp chơi riết nên nghiện, mà một hay hai ngày không có mặt trên sân, thì chí ít cũng bỏ cơm và đâm ra bệnh tật.

Thế nhưng, một điều hết sức thú vị ở sân chơi này là việc đá “phủi” để mưu sinh. Nói ra chuyện này ắt hẳn các bạn sẽ cảm thấy bất ngờ. Bởi lẽ ai cũng biết, chơi bóng đá “phủi” thì chủ yếu tự bỏ tiền ra để mua vui là chính, chứ làm gì có chuyện dựa vào nó để kiếm ăn! Vậy người viết xin kể một câu chuyện: Một người bạn từ thời sinh viên chơi bóng rất cừ và nghe đâu rằng trong thời gian 4 năm học Đại học tại Sài Gòn, thì chỉ nửa năm đầu anh mới dùng tiền do ba mẹ dưới quê gửi lên, 3 năm rưởi còn lại thì chủ yếu là những đồng tiền do anh kiếm được bằng những trận “phủi” của mình.

Nghe cứ như đùa, vì dù là bạn cùng lớp, nhưng tôi nghi ngờ về cái tin nghe khó lọt lỗ tai! Thế là tôi quyết định bí mật tìm hiểu. Quả thật, hơn 1 tháng trời âm thầm theo dõi, tôi biết ngoài những buổi học thì địa chỉ anh  đến toàn là những sân “phủi” quanh Sài Gòn. Bất kể sáng sớm tinh mơ, hay giữa trưa hè nắng gắt, những buổi chiều chập choạng ánh hoàng hôn, khi thì sân Kỳ Hòa, lúc ở sân Hoa Lư, Tao Đàn và có khi “bay” thẳng ra tận sân Thuận Kiều (quận 12), Tân Xuân (Hóc Môn), Thanh Thái (quận 9) để “đánh show”. Đúng với câu: “Nơi đâu cần thì anh có, nơi đâu khó thì có anh”.

Được biết, cứ một trận đấu, nếu gặp đội bóng giàu hay ông “bầu” sộp thì thù lao không dưới 100 ngàn đồng và còn được bao ăn trưa hoặc nước nôi chu đáo, tiền xăng cho xe cộ… ngược lại thì cũng bỏ túi từ 50-70 ngàn như chơi. Tuy nhiên, điều mà tôi làm thán phục nhất là việc một ngày anh có thể thi đấu từ 2 - 3 trận, đủ 80 phút/ trận hẳn hoi (đá “phủi” thường thi đấu 40 phút/hiệp).

Nhưng, những trường hợp như anh bạn của tôi thì cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Qua tìm hiểu, tôi được biết, để được nhiều đội bóng gọi thi đấu, thì những cầu thủ như bạn tôi cũng vất vả không kém cho những buổi la cà trên các sân bóng để “tiếp thị” mình.

Thêm nữa, chơi “phủi” ở Sài Gòn đâu chỉ có người mình, mà còn có cả những cầu thủ thuộc diện “Liên hiệp quốc”. Họ đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, nhưng đông nhất vẫn là các cầu thủ đến từ “Lục địa đen”.

Những cầu thủ này thường là những “mặt hàng” không được các CLB bóng đá của nhà ta trọng dụng và dùng sân chơi này để “mài giũa” ngón nghề của mình chờ thời cơ tiếp tục ra mắt. Đặc biệt, có trường hợp họ bị giữ hết giấy tờ tùy thân do các tay “cò” quản lý. Cho nên, có muốn về nước cũng không được, vì có tiền đâu mà về. Vì vậy, họ sống lây lất, nay đây mai đó bằng sự giúp đỡ của những người bạn đang thi đấu cho các CLB ở Việt Nam, và việc có mặt của họ ở những trận “phủi” không ngoài mục đích để mưu sinh. 

Một lần tôi được một người bạn rủ đi đá “phủi” tại sân Trung tâm thể thao CATPHCM. Đội của tôi hôm ấy là cựu sinh viên Đại học Mở TPHCM gặp đội CLB Cây Xoài Q.10. Đến giờ thi đấu, trọng tài toét còi kêu gọi 2 đội khẩn trương ra sân để kịp giờ cho những trận tiếp theo, nhưng hỡi ơi, nhìn qua, đếm lại gom góp chỉ được 8 người.

Trong khi đó, trên khán đài có 6 ông Tây đang ngồi lặng lẽ quan sát sự khẩn trương và hối hả của 2 đội bóng chúng tôi, nhưng mắt cứ chăm chăm nhìn về phía anh Thiện - ông “bầu” của đội Cây Xoài và anh Sơn - đại diện của Đại Học Mở. “Hay là mình gọi mấy cầu thủ trên khán đài kia đi anh” giọng một thành viên từ đội bóng phát ra. Nghe ý kiến có vẻ hợp ký, anh Sơn định tiến lên khán đài, nhưng được ông trọng tài cảnh báo: “6 cầu thủ ấy ít nhất cũng gần hoặc hơn 3 xị (ba trăm ngàn đồng) đó mấy anh ơi, phải có tí tiền “chuyển nhượng” họ mới chịu đá”. Vừa nghe, anh Sơn dội ngược, nhưng bên kia phần sân, anh Thiện nói lớn: “Rồi, chơi luôn…”.

Và sau 1 phút hội ý, tín hiệu đã được phát đi kèm theo điều kiện như ông trọng tài đã nói. Lập tức 6 anh chàng này nhanh nhẩu tiến vào sân, 3 cho đội Cây Xoài và 3 cho Đại học mở. Đang lưỡng lự về việc chọn lựa những cầu thủ này cho 2 bên, lập tức giọng anh Thiện phát ra “cứ việc chia đều đi, hên xui thôi chứ đâu biết ai hay đâu mà lựa, tốt thì hạng Nhất, V-League rinh hết rồi !”. Thế là trận đấu bắt đầu vào cuộc, mặc dù trễ hơn 10 phút đồng hồ.

Kết thúc trận đấu, như “hợp đồng” đã giao hẹn từ trước, “tiền chuyển nhượng” được anh Sơn mang tới cho những cầu thủ này, và không quên kèm theo một lời cảm ơn với mong muốn sớm được gặp lại.

Còn nữa, không phải chỉ có dân chơi “phủi” vì mục đích mưu sinh mới cật lực “cày” hàng ngày, hàng giờ, mà những người phục vụ cho sân chơi này cũng “bừa” không kém. Theo anh Lê Ngọc Mỹ, trọng tài của cụm sân Kỳ Hòa cho biết: “Trong những năm gần đây, phong trào bóng đá ở mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn TPHCM ngày càng phát triển mạnh mẽ, vì vậy, nhà nhà lập đội bóng, người người lập đội bóng, kéo theo đó là việc các sân bóng đá thi nhau ra đời như nấm mọc sau mưa. Vì thế, trọng tài như tụi tôi cũng chạy show không kém gì cầu thủ, có nhiều hôm làm từ 7 giờ sáng cho đến 6 giờ chiều, và còn cả thêm buổi tối nữa mà không hết độ”.

Ngọc Uyên

Đá phủi thời xưa

Bóng đá du nhập đầu tiên qua ngả Sài Gòn và từ đó, “đá phủi” cũng xuất hiện đầu tiên trên mảnh đất này. Khi ấy, người ta không dùng từ “đá phủi”, mà cụm từ này chỉ mới xuất hiện mấy năm gần đây ở phía Bắc.

Hồi ấy, sân “phủi” đầu tiên là các bãi cỏ nằm quanh khu vực “Vườn Bờ-rô”, tức công viên Văn hóa Tao Đàn ngày nay. Người chơi chỉ gồm toàn binh lính Anh từ các chiến hạm ghé qua, một số công chức người Pháp, một số binh lính Ấn làm nhiệm vụ bảo vệ các công sở tại Sài Gòn v.v... Người Việt chỉ là “khán giả” ngay trên mảnh đất của chính mình. Thế là các sân “phủi” được lập ra quanh sân, chơi hào hứng không kém gì đám Âu-Tây và như một thách thức với chúng.

Sau đó, sân vườn Bờ-rô được chỉnh trang ngon lành và đổi tên thành sân “Vườn ông Thượng”, tổ chức nhiều trận đấu chính thức. Tuy nhiên, số người Việt chơi bóng trong sân này không nhiều, mà các bãi cỏ quanh sân mới thật sự là “vận động trường nhân dân” đúng nghĩa. Một số người lớn tuổi kể rằng, sân bóng “dã chiến” của dân chân đất sôi động thu hút cả mấy ông Tây, bà Đầm ghé qua xem mỗi chiều. Họ thích thú, bàn luận từng cặp giò của các “danh thủ chân đất”, không kém gì mấy siêu sao chân giầy đá bên trong sân.

Mảnh sân thứ hai thu hút đông dân đá “phủi” Sài Gòn là mặt tiền các đình, chùa, vốn đủ rộng để cầu thủ hai đội thi thố tài năng. Sân trước đền thờ Lê Văn Duyệt (Bình Thạnh) là một thí dụ. Những người Việt có tiền hùn nhau lại lập sân Lò Heo (vì nằm trong khu vực giết mổ heo) để không chịu thua kém đám thực dân, nhưng chính các bãi đất trống chung quanh mới là nơi sản sinh ra những danh thủ thượng hạng sau này. Các bãi trống ở khu vực gần trường Đạt Đức (Bình Thạnh), khu Bà  Điểm (Hóc Môn ... mọc lên rất nhiều sân “phủi” làm sôi động thêm phong trào bóng đá thuở ban đầu tại Việt Nam.

KIM PHƯỢNG

Tin cùng chuyên mục