Thể thao lên màn bạc

Thể thao lên màn bạc

Hàng chục ngàn khán giả hâm mộ đang gào thét! Trên sàn đài đẫm máu, Rocky Balboa đang bị võ sĩ người da màu Mason “The Line” Dixon - nhà đương kim vô địch quyền Anh hạng nặng nhà nghề - dồn ép đến nghẹt thở. Balboa liên tục dính đòn, mặt anh méo mó hẳn đi với những vết thâm tím, những vết sưng và máu chảy ròng ròng. Tuy nhiên, Balboa vẫn kiên trì với thời gian và bắt đầu phản công. Hàng loạt pha ra đòn chính xác của Balboa khiến Mason “The Line” Dixon gục xuống. Trong sự hân hoan cao độ của hàng chục ngàn khán giả Mỹ, Balboa đã một lần nữa đăng quang ngôi vô địch...

Thể thao lên màn bạc ảnh 1

Sylvester Stallon trong “Rocky Balboa”.

Đó không phải là quang cảnh một trận bảo vệ đai vô địch quyền Anh hạng nặng của tổ chức WBC. Đó cũng không phải là bất kỳ hình ảnh thi đấu thật nào trong các trận thuộc khuôn khổ của WBA, WBO hay IBF. Đó chỉ là quyền Anh trên … phim ảnh! Bộ phim “Rocky Balboa” (hay còn gọi là Rocky VI) - một bộ phim mới nhất về đề tài thể thao của điện ảnh thế giới.

Theo nhiều nhà bình luận phim tên tuổi, “Rocky Balboa” chỉ là sự nối tiếp theo những mô típ quen thuộc của đa phần các bộ phim nói về đề tài thể thao. Cái mô típ quen thuộc ấy vốn được xây dựng với những tình huống: mâu thuẫn phát sinh giữa các nhân vật theo trục “tốt - xấu” hay giữa các nhân vật tốt với nhau, sự khó khăn và thách thức của các nhân vật chính, tốt (các đội bóng từ bóng rổ, bóng đá Mỹ đến bóng chày... các vận động viên đơn lẻ...), thất bại liên tục dễ gây nản lòng và cuối cùng là đứng lên đúng lúc để thành công.

Thật ra thì khi mà cái thế giới quan, nhân sinh quan của con người trên toàn thế giới luôn hướng đến những điều tốt đẹp, các nhà làm phim thường tạo ra những bộ phim “có hậu” (nghĩa là khi kết thúc, hạnh phúc và chiến thắng luôn thuộc về những nhân vật tốt bụng) để làm vừa lòng đông đảo người xem, và cái khuôn mẫu này đã ảnh hưởng đến lề lối làm phim của bất kỳ một bộ phim nào, dù là thần thoại, cổ tích, hành động hay hài... Cả thể loại phim về thể thao cũng không là ngoại lệ. Thế cho nên, câu trả lời về cái mô típ quen thuộc đã được giải mã ngay từ khi người ta mới bắt đầu thắc mắc!

Thế nhưng tại sao “Rocky Balboa” vẫn tạo ra một sức hút đáng kể với người dân hâm mộ Mỹ? Và thậm chí, dù “chê” bộ phim này chỉ làm theo những mô típ quen thuộc, nhiều nhà bình luận phim tên tuổi vẫn cho điểm bộ phim này ở cấp độ B (cấp độ khá)? Thẳng thắn để nhìn nhận, “Rocky Balboa” là bộ phim thuộc thể loại thể thao duy nhất trong năm 2006.

Trong vô số những cảnh quay khói lửa của “Casino Royal” (“Sòng bạc Hoàng gia” - phiên bản phim điệp viên 007 mới nhất, rồi “Blood Diamond” (tên tiếng Việt là “Kim cương máu”) hay những cảnh vui nhộn đầy sôi động như Dreamgirls (tên tiếng Việt là “Những cô gái trong mơ”)... Cuối cùng, người ta vẫn muốn tìn đến một hình ảnh gần với thực tại nhất: hình ảnh của nền thể thao nước Mỹ. “Rocky Balboa” đã đáp ứng được nhu cầu này.

Và ngay trong lúc người dân Mỹ đang suy sụp trong việc tìm kiếm một anh hùng quyền Anh hạng nặng thật sự, khi mà Mike Tyson đang đối mặt với án phạt tù, Evander Hollyfield thì đã quá già để đánh đấm, còn những tên tuổi khác như George Foreman... đều đã bị phủ đầy bởi bụi bặm của thời gian... họ đành tìm đến cứu cánh cuối cùng - đó là nhân vật Rocky Balboa do diễn viên gạo cội Sylvester Stallon thủ vai.

Trước đó, nhân vật Rocky đã “sống và đánh đấm” qua 5 tập phim ròng rã. “Rocky I” - phát hành năm 1976 - được dư luận đánh giá rất cao và tập phim này trở thành một trong những bộ phim thể thao hay nhất thế giới mọi thời đại. Sau thành công của “Rocky I”, hàng loạt “Rocky” khác lần lượt ra đời: “Rocky II” năm 1979, “Rocky III” năm 1982, “Rocky IV” năm 1985 và “Rocky V” năm 1990. Sự thất bại của “Rocky V” - khi đó, khán giả Mỹ đã quá chán với những màn đánh đấm đẫm máu mà phần thắng lúc nào cũng thuộc về... Rocky Balboa - khiến người ta tưởng rằng đây sẽ là tập phim cuối cùng. Nhưng không...

Bất chấp những lời can ngăn thống thiết từ nhiều người (có cả lời can ngăn của vợ), Sylvester Stallon - ở độ tuổi 60 - vẫn quyết định đưa Rocky Balboa “tái xuất giang hồ”. Lần này, thành công đã đến ngay vào lúc tinh thần dân tộc của người Mỹ đang bị thử thách cao độ.

Người hùng thể thao - đó là cái mà người Mỹ đang cần ngay chính lúc này, chứ không phải kiểu, loại anh hùng ở một xứ sở xa xôi nào đó trong những bộ phim thần thoại không có thật như Aragon (do Viggo Mortensen thủ vai) trong Lord of the Rings (tựa tiếng Việt “Chúa tể của chiếc nhẫn”) hay Achilles (do tài tử nổi tiếng Brad Pitt thủ vai) trong Troy, hoặc kiểu anh hùng cá nhân như Chris Burnett (do Owen Wilson thủ vai) trong bộ phim “Behind Enemy Lines (tựa tiếng Việt “Phía sau chiến tuyến địch”), như Rambo (do chính Sylvester Stallon thủ vai trong bộ phim cùng tên)...

“Rocky I”, rồi “Rocky Balboa” chỉ là một trong số những xuất phẩm xuất sắc của điện ảnh Hollywood về đề tài thể thao. Cùng với những bộ phim này, đề tài thể thao còn được khắc họa đậm nét trên màn bạc qua các xuất phẩm, Ali (phim nói về cuộc đời của huyền thoại quyền Anh hạng nặng Mohamed Ali), Cinderella Man (tựa tiếng Việt “Chàng lọ lem”), Remember the Titans (tựa tiếng Việt “Tưởng nhớ Titan”), Jerry Macquire, Pride of Yankees (tựa tiếng Việt “Sự kiêu hãnh của Yankees)...

Sức mạnh của thể thao trên màn bạc thậm chí còn là rất lớn. Khi bộ phim Wimbledon ra đời (nói về chuyện tình của một tay vợt chuyên nghiệp người Anh sắp giải nghệ với một Nữ hoàng quần vợt thế giới người Mỹ tại Wimbledon - Grand Slam quần vợt diễn ra trên mặt sân cỏ tại Anh), dư luận Mỹ đã dấy lên một thắc mắc rất lớn:

Tại sao có thể làm một bộ phim về Wimbledon mà không thể làm một bộ phim về US Open trên đất Mỹ? Dù gì thì Wimbledon cũng được sản xuất và phát hành bởi một hãng phim tại Hollywood kia mà. Và lẽ nào không thể có chuyện tình lãng mạn giữa một tay vợt nam người Mỹ và một kiều nữ người Anh? Nghe đâu, một dự án làm phim về US Open đang được sắp đặt và triển khai...

Cuối cùng, xin được nhắc đến những xuất phẩm điện ảnh về thể thao đặc biệt nhất và gây xúc động nhất - những bộ phim không dựa theo mô típ quen thuộc thường thấy. Đó là một bộ phim dựa trên bối cảnh quyền Anh nữ để nói lên nỗi lòng của một người đàn ông bị con từ bỏ, rồi thì đã tìm thấy tình cảm cha con với võ sĩ nữ mà mình đang huấn luyện, nhưng cuối cùng phải tự tay giết chết cô gái này để giải thoát cho cô khỏi chứng chấn thương liệt toàn thân:

Million Dollar Baby (tựa tiếng Việt “Cục cưng triệu đô la” - bộ phim mang lại cho diễn viên kỳ cựu Clint Eastwood giải Oscar diễn viên nam xuất sắc nhất). Đó là Radio (bộ phim dựa theo câu chuyện có thật nói về James Robert Kennedy, một thanh niên chậm phát triển, do Cuba Gooding Jr thủ vai, nhờ sự quan tâm chăm sóc và dạy dỗ của một huấn luyện viên đội bóng bầu dục đã trở thành nhà chỉ đạo bóng bầu dục chuyên nghiệp trong tương lai).

Thể thao vốn là một phần của cuộc sống, mà cuộc sống thì thường được thể hiện trên màn bạc. Âu đó cũng là chuỗi phát triển của một thứ quy luật rất đặc biệt với con người!

HOÀNG DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục