Cuộc sống của những danh thủ

Sau khi rời sân cỏ

Sau khi rời sân cỏ

Sự nghiệp của cầu thủ chuyên nghiệp thường ngắn ngủi. Quá 30 tuổi, họ đã nghĩ tới chuyện treo giày và quãng thời gian còn lại sẽ phải làm gì là câu hỏi mà không phải ai cũng có thể tự tìm cho mình một đáp án thích hợp...

Sau khi rời sân cỏ ảnh 1

Huyền thoại bóng đá Anh George Best.

Thật ra, công việc cũng không ít như là HLV, chuyên gia bình luận, phát ngôn viên, người đưa thư, làm dịch vụ mai táng, thợ nướng bánh, nhà hàng... và nhiều nơi còn đặt hẳn tiêu chuẩn: cần kinh nghiệm của một cầu thủ bóng đá. Vâng, nghe như thể đây là những công việc cầu thủ giã từ sân cỏ sẽ làm.

Cũng có không ít người đã thử những công việc khác nhưng không thành công. Chẳng hạn, trường hợp của cựu tuyển thủ Thụy Điển Tomas Brolin. Cầu thủ từng giúp Thụy Điển giành hạng 3 giải ở World Cup 94 đã bán giày và máy hút bụi trên internet nhưng doanh thu không bao nhiêu. Bỏ công việc này, Brolin đã hợp tác cùng ông bố ở công ty bất động sản, mở nhà hàng và tham gia cả chương trình quảng cáo...

Do Chính phủ Anh thay đổi chính sách luật trợ cấp, nên khi giã từ sân cỏ, các cầu thủ Anh thường gặp nhiều khó khăn hơn so với đồng nghiệp ở những làng bóng đá khác. Trước đây, ở tuổi 35, các cầu thủ người Anh có thể nhận được tiền trợ cấp, nhưng luật mới quy định: phải 55 tuổi. Hiệp hội các cầu thủ chuyên nghiệp Anh đã phản đối quyết liệt nhưng thất bại.

Luật này thực sự gây khó cho cầu thủ bởi làm thế nào có thể bắt đầu sự nghiệp mới khi mà tuổi trẻ của họ đã cống hiến trọn vẹn cho bóng đá. Với một số ít những nhân vật nổi tiếng thế giới như Pele, Bobby Charlton... chuyện kiếm sống sau khi “về hưu” không khó khăn như phần lớn các đồng đội hay đồng nghiệp của họ. Nhờ uy tín và tên tuổi, họ dễ dàng được chọn lựa cho vai trò Đại sứ thể thao hay những công việc béo bở.

Một số tên tuổi một thời khác như Gascoigne, George Best đã không thể thích nghi với cuộc sống không có bóng đá và ánh hào quang của một thời tung hoành. Họ thường buông xuôi trước những cám dỗ chết người như cần sa, rượu chè và trong trường hợp của Best còn thêm...phụ nữ. Gascoigne thổ lộ anh bị trầm cảm sau khi rời bóng đá chuyên nghiệp: “Tôi thực sự rất nhớ những ngày tháng còn thi đấu. Giờ đây, mọi thứ đã trở nên xa vời và đó là thời điểm tôi bắt đầu gặp bao rắc rối”.

Sau khi rời sân cỏ ảnh 2

Cựu danh thủ Gary Lineker, gương mặt bình luận sáng giá của hệ thống truyền hình Anh.

Huyền thoại của bóng đá Anh Bobby Moore cũng thê thảm chẳng kém. Giã từ sân cỏ, ông lao vào kinh doanh và thất bại. Năm 1993, ông qua đời trong cảnh nghèo khó. Huyền thoại bóng đá Argentina Maradona dính vào ma túy và chỉ bằng nỗ lực cũng như sự trợ giúp của Cuba, anh mới trở lại cuộc sống bình thường và lao vào ngành giải trí. Gần đây, Boca Juniors đã mời siêu sao một thời này về đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch.

Cũng có một số trường hợp chuyển sang công việc HLV và thành công vang dội như Franz Beckenbauer, người đã dẫn dắt tuyển Đức đến chiếc Cúp vàng ở World Cup 90, Johan Cruyff tạo dấu ấn sâu đậm trong vai trò HLV Barcelona.

Các ngôi sao một thời khác như Gary Lineker, Ruud Gullit, Alan Smith đang là những gương mặt bình luận sáng giá của các hệ thống truyền hình Anh. Cựu cầu thủ Liverpool Steve McMahon đang là một trong những nhà bình luận hàng đầu của ESPN Star Sports. Bryan Robson và Steve McManaman thường xuyên là khách mời đặc biệt của chương trình này. Denis Law, Jimmy Greaves, Gordon Banks, Norman Whiteside và Matthew Le Tissier có thể bỏ túi nhẹ nhàng 10.000 bảng Anh cho những câu chuyện bóng đá của họ trên truyền hình hay trên các mặt báo.

Dù ở tuổi 32, nhưng Robbie Fowler đã là trùm bất động sản (tài sản lên tới 28 triệu bảng Anh). Geoff Hurst, người hùng của tuyển Anh trong trận chung kết World Cup 66 (ghi 3 bàn) chuyển sang công việc bảo hiểm và làm ăn khấm khá. Còn đồng đội của ông, Ray Wilson, làm dịch vụ mai táng...

Ngọc Quân

Tin cùng chuyên mục