Tâm sự của một VĐV họ … Trư

Tâm sự của một VĐV họ … Trư

…Dù cũng là dòng giống nhà Trư nhưng không phải chú nào cũng có thể trở thành VĐV được đâu nhé, mà đó phải là loại heo có cái tên gọi khá là… tự ái: Heo Mọi. Đời ngắn và nhiều “thăng, trầm” như thế, nhưng các VĐV chúng tôi một khi đã được tuyển chọn thì phải luôn cố mà giữ phong độ, nhằm có thể kéo dài tuổi thọ (nếu không muốn làm món đặc sản) và để… đổi đời.

  • Gian nan con đường... chuyên nghiệp
Tâm sự của một VĐV họ … Trư ảnh 1

Kể từ khi các bạn nhà gia cầm như gà, vịt… bị đại nạn vì dịch cúm H5N1, nên không thể biểu diễn tiết mục “khiêu vũ giữa hồ”, thế là họ nhà Trư chúng tôi phải thế chỗ cho màn giải trí của Khu du lịch sinh thái dân tộc thiểu số (ở Củ Chi, TPHCM) bằng tiết mục “đua heo”.

Thế nhưng, con đường trở thành một “VĐV điền kinh” chuyên nghiệp của anh em nhà họ Trư chúng tôi cũng gian nan, vất vả chẳng kém gì ai.

Đầu tiên là việc tuyển chọn lực lượng, vì dù cũng là dòng giống nhà Trư nhưng không phải chú nào cũng có thể trở thành VĐV được đâu nhé, mà đó phải là loại heo có cái tên gọi khá là… tự ái: Heo Mọi. Tuy nhiên, các VĐV chúng tôi ở khu du lịch này được chọn từ loại heo mọi của vùng địa đầu Móng Cái, với mỏm ngắn, thân nhỏ, bụng thon và để thi đấu tốt thì trọng lượng chỉ từ 25 kg đổ lại. Sau đó là đến quá trình rèn giũa để trở thành một VĐV, thời gian này kéo dài đến hơn 3 tháng. Trước tiên là làm quen với đường đua, tiếp theo là được học kỹ năng và kỹ thuật chạy.

Cuối cùng, để được cấp “giấy phép hoạt động” thì phải vượt qua “trạng thái tâm lý” như: hoảng sợ, hay… hết hồn khi bị vây quanh bởi nhiều người và nhiều tiếng âm thanh hỗn tạp từ các khán giả đến cổ vũ. Bởi dù sao giống nhà Trư chúng tôi cũng hay… mắc cỡ nên sinh ra nhút nhát, đó là điều khiến các HLV phải mệt mỏi động viên, và cách động viên hiệu quả nhất là ở đích đến phải có một máng cám “đặc sản” để chúng tôi phấn khích mà chạy (còn không thì đừng hòng, vì lười vốn là bản chất của họ nhà tôi).

Sau thời gian huấn luyện, chỉ có 6 VĐV được lọt vào đội tuyển chính thức để tranh tài mỗi ngày, số còn lại thì nằm trong danh sách dự bị, còn không đạt nữa thì khỏi nói chắc ai cũng có thể đoán được kết cuộc, vì ở đây có món đặc sản cơm lam ăn với thịt… heo mọi nướng rất ngon (híc híc).

  • Đời VĐV... heo ngắn lắm ai ơi !

Thời gian huấn luyện để trở thành một VĐV heo chạy vượt chướng ngại vật (nói chướng ngại vật vì đường đua dài 30m, nhưng phải chạy qua hố nước và vượt dốc) phải hơn 3 tháng, nhưng tuổi thọ của VĐV nhà heo chúng tôi chỉ được khoảng 6 tháng. Chính vì thế mà các HLV phải luôn chuẩn bị lực lượng VĐV kế thừa. Hiện, ngoài chúng tôi là các VĐV tuyển thủ thì có một tuyến trẻ gồm 7 “em” đã được huấn luyện gần 2 tháng, nhưng vẫn chưa vượt được trạng thái nhút nhát nên chỉ nằm dự bị, và một lứa gồm 8 “bé” heo mới ra đời được 10 ngày vẫn còn đang bú mẹ, sẽ là lớp năng khiếu trong nay mai.

Đua heo là một tiết mục khá hấp dẫn của Khu du lịch sinh thái dân tộc thiểu số (Ấp Ngã Tư, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TPHCM). Nơi đây có nhiều hoạt động sinh hoạt, giải trí của các đồng bào dân tộc ít người rất hấp dẫn và ấn tượng cùng phong cảnh tuyệt đẹp, thoáng mát. 

Do tuổi đời ngắn ngủi, lại luôn có nhiều rủi ro (ngoài chấn thương) nên chúng tôi phải nỗ lực hết mình nhằm làm vui lòng du khách và hài lòng HLV, nhất là để giữ cho thân hình luôn thon thả, gọn gàng trong đường chạy, vì nếu để trọng lượng vượt con số 30kg và phải mắc kẹt trong đường chạy nhỏù hẹp thì đời Trư này lên thớt là cái chắc!

 Một ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu từ từ 8g30 đến 16g45, và luôn trong trạng thái chuẩn bị xuất phát. Hôm nào mà lượng du khách đông như Lễ, Tết…  thì đúng là “quá tải” cho các VĐV chúng tôi. Vì một ngày mà đua không biết bao nhiêu lần đến  phờ phạc, mỏi rạc cả giò cẳng.

Nhiều lúc mệt quá, chúng tôi đã “lãn công” bằng cách thay vì chạy, thì chuyển sang… đi bộ đủng đỉnh, hoặc tranh thủ dừng lại ở hố nước uống vài ngụm giải khát… cho dù khán giả lẫn HLV có la hét đến khan cổ cũng mặc kệ (heo chứ có phải trâu đâu mà không biết mệt!). Nhưng cũng có hôm vắng khách quá nên cứ hết đứng lại nằm trong chuồng xuất phát, đến nỗi HLV phải mở cửa cho chúng tôi tự đua với nhau cho đỡ buồn chán.
 
Đời ngắn và nhiều “thăng, trầm” như thế, nhưng các VĐV chúng tôi một khi đã được tuyển chọn thì phải luôn cố mà giữ phong độ nhằm có thể kéo dài tuổi thọ (nếu không muốn làm món đặc sản) và để… đổi đời. Có lẽ nhiều người thắc mắc về chữ “đổi đời”, đơn giản là chúng tôi được chăm chút đẹp đẽ hơn, ở chuồng sạch sẽ hơn và được ăn cám viên ngon lành chứ không phải là cám thường trộn nước gạo, cơm thừa như các đồng loại khác.

  • Thoáng chốc mà thành... Sao

Trên thế giới, một số nước cũng có tổ chức môn đua heo, đặc biệt là nước Nga với lễ hội đua heo vào ngày 20-3 hàng năm. Đây là dịp để các nông dân Nga có dịp vui chơi, giải trí sau một vụ mùa mệt nhọc. Tham gia vào lễ hội đua heo là các chú heo con và phần thưởng là một giỏ đầy những củ cà rốt tươi ngon, hấp dẫn. Đồng thời, các “quán quân heo” cũng thoát khỏi cảnh làm “đặc sản” cho mọi người. 

Nói thiệt, từ lúc bắt đầu có môn… đua heo tới nay, không biết tôi và các đồng đội hiện nay là lứa VĐV thứ bao nhiêu, nhưng có lẽ năm nay là thời của bọn tôi. Mấy ngày qua bỗng đâu xuất hiện rất nhiều ông, nhiều bà mang máy ảnh, máy quay phim, sổ sách lỉnh kỉnh đến quay phim, chụp ảnh, ghi ghi, chép chép... về chúng tôi.

Giờ mới hiểu, năm nay là năm Đinh Hợi nên họ đến để đưa chúng tôi lên báo Xuân theo kiểu “năm Hợi nói chuyện đua heo” đó mà. Qua bao năm thi đấu và tập luyện, lứa bọn tôi đúng là may mắn khi rơi vào chòm sao “năm tuổi” nên được báo chí chú ý.

Phen này, đúng là một bước lên thành ngôi sao, dù biết chắc có thành sao đi nữa thì “hậu vận” cũng vẫn sẽ là những… món đặc sản. Nhưng thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn chạy hoài mà không ai biết như các bậc đàn anh, đàn chị trước đây.

Tết này chắc sẽ vui lắm, dù biết chắc là sẽ chạy… sạt giò, nhưng nhìn những nụ cười rạng rỡ và sự phấn khích của các khán giả lại thấy vui vì biết chắc các VĐV nhà Trư chúng tôi đang làm một điều gì đó mang lại niềm vui và sự may mắn cho họ trong những ngày đầu xuân mới. Tuy nhiên (đoạn này là tái bút), mong các bác HLV nhớ cho bọn em ăn uống cám “đặc sản” nhiều thêm chút và điều chỉnh giờ thi đấu cho phù hợp để đỡ bị quá tải là bọn em cám ơn lắm lắm…

TUẤN THÀNH (ghi lại từ blog của một VĐV...heo)

Tin cùng chuyên mục