Đặc ân Kẻ Bàng

Khối núi Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã vượt qua thời gian để rồi vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, các phát kiến địa mạo địa chất ở đây gây được sự chú ý ở tầm mức toàn cầu. Từ di sản thiên nhiên thế giới với các dãy núi hùng vĩ được công nhận bởi UNESCO vào năm 2003 đến hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng… đã tạo ra dung mạo tự hào không chỉ cho người dân bản địa mà còn đối với người dân Việt Nam. Chính gia tài vô giá đó mà đồng bào ở khu vực này đã có cuộc đổi đời sâu sắc. Ngày nay họ gọi đó là đặc ân Kẻ Bàng.
Đặc ân Kẻ Bàng

Khối núi Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã vượt qua thời gian để rồi vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, các phát kiến địa mạo địa chất ở đây gây được sự chú ý ở tầm mức toàn cầu. Từ di sản thiên nhiên thế giới với các dãy núi hùng vĩ được công nhận bởi UNESCO vào năm 2003 đến hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng… đã tạo ra dung mạo tự hào không chỉ cho người dân bản địa mà còn đối với người dân Việt Nam. Chính gia tài vô giá đó mà đồng bào ở khu vực này đã có cuộc đổi đời sâu sắc. Ngày nay họ gọi đó là đặc ân Kẻ Bàng.

Đặc ân Kẻ Bàng ảnh 1

Hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng thu hút nhiều du khách.

1. Hệ thống núi đá vôi vùng Phong Nha - Kẻ Bàng vượt qua hơn 400 triệu năm tồn tại cho đến ngày nay và còn tiếp tục mãi mãi sừng sững ở miền Tây Quảng Bình. Sự khốc liệt có mức độ hủy diệt của bom đạn từ máy bay Mỹ dội xuống các cung đường vận chuyển quân lương từ hơn 45 năm trước không làm cho khối núi khổng lồ này bị suy suyển. Nó vẫn tồn tại hùng vĩ, lộng lẫy trong gia tài di sản tự nhiên của nhân loại.

Howard Limbert, người Anh đã dẫn dắt đội tìm kiếm hang động xứ sở sương mù khám phá rừng mưa nhiệt đới này đúng 25 năm qua, không mệt mỏi. Ông tâm sự với tôi rằng, rất có thể ngày trước, nếu nước Lào và Myanmar hồi đáp thư ngỏ của họ, chắc chắn vùng hẻo lánh Kẻ Bàng khó có thể thuyết phục được mọi thành viên tìm đến. Howard kể: “Từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, chúng tôi lên kế hoạch tìm kiếm các hang động ở Lào và Myanmar. Nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh thời đó, tiềm năng của hai khu vực này rất tốt cho ý tưởng của chúng tôi. Kẻ Bàng của Quảng Bình (Việt Nam) là lựa chọn ở vị trí thứ ba”.

Thế nhưng, cơ duyên lại khác. Chính phủ Lào và Myanmar không hồi đáp thư của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh. Phía Việt Nam làm tất cả để tạo điều kiện cho nhóm của Howard Limbert và Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đảm bảo mối quan hệ đó. Giáo sư địa mạo Nguyễn Quang Mỹ đã giới thiệu với đoàn thám hiểm về vùng núi Kẻ Bàng chưa được nghiên cứu sâu. Ở đó đáp ứng tất cả các ý tưởng của đoàn đưa ra.

Bây giờ ngồi bên dòng sông Son thơ mộng với các triền núi đá vôi ẩn giật trong mây trắng, Howard nhớ lại hành trình gian nan của đội khi lần đầu đặt chân đến Kẻ Bàng qua ngã Sơn Trạch. Những năm 90 của thế kỷ trước, con đường từ Đồng Hới đi lên vùng đất này phải mất cả ngày đường. Và các căn nhà trên cung đường này được lợp tranh nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch nhớ như in cảnh khó khăn vô biên lúc đó: “Thời đó ở vùng đất Kẻ Bàng này có người dưới xuôi lên đã là một kỳ công đi lại. Cả vùng Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch lọt thỏm trong lòng chảo núi rừng, đi ra với thế giới bên ngoài hết sức gian nan. Chỉ có đường sông Son mở ra sông Gianh mới giao thương được”.

Và cách để mọi người giao thương đi lại, làm ăn không có con đường nào khác là đốn gỗ bán làm củi cho người miền xuôi qua sông nước. Cuộc sống cứ thế bám riết vào mảnh núi rừng, nhưng mọi thứ vẫn hoàn nghèo, không thể đủ ăn. Trừ ai thoát ly khỏi vùng đất khắc nghiệt này, số còn lại ở với làng heo hút đều bòn mót từng bữa ăn đến rạc người.

Ông Howard còn nhớ, mùa hè năm 1992, đoàn của ông đón tiếp một vị tướng chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vị tướng nói tốt cả tiếng Pháp cùng tiếng Anh. Đại tướng cùng mọi người dưới xuôi lên soạn cơm nắm muối vừng mời các thành viên của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh cùng ăn. Với các vị khách nước Anh, đó là bữa cơm ngon vì lạ. Nhưng với người đi hôm đó, nó phản ánh sự khó khăn vô cùng của vùng đất hoàn toàn bị biệt lập với thế giới bên ngoài ở thời khắc đó. Ông Howard không nghĩ mọi chuyện có thể đổi thay.

2. Chấp nhận rủi ro, niềm hy vọng đã đền bù xứng đáng với những gì đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đã trải qua. Họ đặt ra phương án trong trường hợp không tìm kiếm được hang động nào cũng là sự trải nghiệm hiếm hoi ở vùng đất đầy núi non hùng vĩ.

Tuy nhiên mọi thứ đến ngoài sự tưởng tượng của họ. Đầu tiên là động Phong Nha, rồi động Tiên Sơn. Cứ mỗi năm đến với địa danh chỉ dẫn hẻo lánh này, đội của ông Howard đều tuyên bố các phát kiến mới về những hang động lần đầu tiên được cập nhật vào danh mục hang động toàn cầu. Các báo cáo của họ luôn gây sự chú ý đặc biệt của giới địa chất thế giới, bất cứ tuyên bố nào từ các thành viên đều là bảo chứng tốt cho một vùng đất mà dường như “khoa học chưa biết đến” ở mức độ thế giới.

Đến năm 2003, khi Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất địa mạo thì toàn bộ hồ sơ và báo cáo của họ từ năm 1990 đến thời điểm đó đều nằm trong kho lưu trữ cao cấp của UNESCO. Đó là những bản báo cáo danh giá, xếp ngang hàng với các tài liệu cổ từng lưu trữ từ hàng trăm năm trước. Nhiều chuyên gia nghĩ rằng, việc phát hiện các hang động đặc biệt dài và rộng lớn, dày đặc ở khu vực rừng mưa nhiệt đới Kẻ Bàng trên một địa hình hẹp như Quảng Bình là một điều kỳ lạ không có bất cứ địa chỉ thứ hai nào có thể làm ví dụ tiếp theo.

Đoàn thám hiểm đã tin rằng các vẻ đẹp mà họ mô tả như “kiệt tác hoàn hảo”, “thiên đường của chúng ta” là thế giới hoàn toàn có thật. Bởi “mê cung” hang động có vô số đại thạch nhũ với đường kính gần 10m, những bức rèm thạch nhũ buông mình thảnh thơi, những bức phù điêu khoáng đạt như trong các cung điện diễm lệ của Pháp, rồi những viên thạch nhũ non mềm mại đến kiêu sa, hay từng rặng thạch nhũ vươn cao chót vót hơn 40m rất tráng lệ… Tất cả tạo nên một trong những kỳ quan của vỏ trái đất đẹp mê hồn ẩn giấu dưới rặng núi đá vôi Kẻ Bàng.

Cho đến nay, đoàn của ông Howard đã tìm thấy tất cả, từ động Phong Nha có bãi cát vàng trong hang đẹp nhất đến động Thiên Đường dài nhất châu Á với chiều dài 31,4km, rồi hang sông Khe Ry dài hơn 18 km và đỉnh cao là hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới. Họ đã đo vẽ gần 200km hang động, dài hơn cả chặng đường từ Đồng Hới đi TP Huế. Họ xem đó là đặc ân của cuộc đời họ. Còn người dân địa phương xem những phát hiện đó là đặc ân cho chính bản địa quê hương mình.

3. Ông Howard không nghĩ rằng, vùng đất Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch từng phủ đầy các mái nhà tranh lúp xúp có thể trở mình phát triển. Nhưng ông đã trải nghiệm ấn tượng sự vươn vai của vùng đất này trong 25 năm. “Nó thay đổi từng ngày. Đầu tiên, các mái nhà tranh được thay thế nhà ngói, sau đó là nhà tầng kiên cố, rồi hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách đến với các hang động ngày mỗi nhiều hơn. Tuy chưa chuyên nghiệp nhưng cư dân bản địa ở đây đã có cuộc sống, việc làm, thu nhập từ hệ thống hang động khổng lồ bằng việc mở nhà nghỉ, cung cấp thực phẩm, nhân viên du lịch…”.

Ở Sơn Trạch, trước đây có đến 90% số người tham gia đi rừng đốn gỗ. Ngày nay, số người này thay đổi hoàn toàn. Ông Nguyễn Văn Hòa nói: “Số lâm tặc giảm hoàn toàn. Bây giờ ra đường là người dân tính chuyện phục vụ du khách, làm giàu từ du lịch”. Hoàng Văn Biền, một lâm tặc khét tiếng trong vùng, hơn mười năm nay không đi rừng, ở lại làng đóng thuyền chở du khách tham quan hang động, vợ mở thêm dịch vụ ăn uống.

Với Biền: “Cuộc đời theo rừng núi không có chi chắc chắn, ăn của rừng rưng rưng nước mắt, có đó nhưng hết đó. Làm du lịch, phục vụ du khách mà con cái theo được cái chữ, nhà cửa cũng xây lên được. Cuộc sống bền hơn đi phá rừng”.

Nguyễn Châu Á là một đứa con lớn lên bên vệ núi Kẻ Bàng. Tuổi thơ của Á gắn chặt với sông Son. Cuộc đời của Á lưu lạc vào miền Nam mưu sinh. Khi Sơn Đoòng xuất hiện trên BBC, NHK, Kyodo, AP, AFP và cả tạp chí lừng danh National Geographic, Á trở về quê hương để gầy dựng Công ty Oxalis, chuyên tổ chức tour thám hiểm Sơn Đoòng. Với vốn tiếng Anh lưu loát, cách làm việc bài bản, Châu Á đưa lại thành công bước đầu với sản phẩm du lịch ở hệ thống hang Tú Làn (Minh Hóa) với du khách quốc tế bằng các bước tiếp thị chắc chắn.

Không dừng lại, Châu Á đi tiếp bước đi ấn tượng, mời bằng được vợ chồng trưởng đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh làm việc ở Sơn Trạch với tư cách huấn luyện du khách kỹ năng tham quan hang động, du lịch mạo hiểm. Và, Howard Limbert đã cùng vợ rời nước Anh để về vùng đất xa tít làm việc. Á cũng là người mời rất nhiều nhà báo quốc tế đến với Sơn Đoòng cho cuộc bầu chọn quê hương Quảng Bình trên tờ New York Times, tờ báo có độ phủ sóng rất lớn ở Mỹ và toàn cầu.

Kết quả như nhiều người đã biết, New York Times Quảng Bình ở vị trí thứ 8/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới và đứng vị trí quán quân, đứng số 1 trên12 điểm đến hấp dẫn châu Á bởi sự nổi bật của Sơn Đoòng. Nguyễn Châu Á đã biết chọn lựa những điển hình của quê hương và chọn lựa chất xám, công sức, hình ảnh của trưởng đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh để giới thiệu với thế giới.

Ngày nay, khu vực Sơn Trạch với bến phà di tích lịch sử Xuân Sơn xưa đã liền vết thương chiến tranh. Không có bất cứ căn nhà tranh nào sót lại. Trung tâm xã đã vươn vai trở mình thành một thị tứ nhộn nhịp. Khách quốc tế mỗi ngày đến với vùng Kẻ Bàng càng đông hơn, năm sau nhiều hơn năm trước. Mọi chi phí thu được đều do công cán phục vụ của người dân trong vùng. Chính các chi trả đó đã làm cho kinh tế người dân khởi sắc.

Và nói như Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch: “Kẻ Bàng cho bà con chúng tôi một đặc ân. Đặc ân bền vững từ di sản của các hang động tuyệt đẹ để không phá rừng mà bảo vệ rừng cho cuộc sống bền hơn, chắc chắn hơn”.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục