Đặc công làm kinh tế

Đặc công làm kinh tế

Với Quyết định số 09/QĐ do Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Liên lạc truyền thống CCB đặc công miền Đông Nam bộ, ký ngày 21-1-2004, Công ty Tăng Phát đã chính thức “trình làng” với nòng cốt ban đầu gồm 20 thương binh từ loại 1-4.

  • Nghiệp đoàn lính

Đặc công làm kinh tế ảnh 1

Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Đoàn Hữu Hòa. Ảnh: T.L.

Nghiệp đoàn bốc xếp Xóm Củi giờ đã có 80 lao động, đa phần là con em các CCB quận 8, bộ đội xuất ngũ, TNXP. Trước kia, do chưa có nghiệp đoàn nên tình hình an ninh trật tự ở chợ thủy hải sản Xóm Củi không được yên ổn, tình trạng cát cứ xuất hiện đây đó, bọn chôm chỉa cũng thừa cơ hội ra tay…

Ngay khi thành lập Công ty Tăng Phát, ông Đoàn Hữu Hòa - vốn là lính đặc công - đã bàn bạc với các đồng đội cũ, nay cũng là CCB quận 8 và là thành viên của Tăng Phát, rằng: “Vốn không có bao nhiêu, anh em CCB trình độ lại thấp, con cái họ còn thất nghiệp nhiều… vậy nên chọn công việc khuân vác ở chợ là phù hợp nhất. Hơn nữa bản thân tôi cũng có 17 năm kinh nghiệm làm Trưởng BQL chợ Xóm Củi”.

Vậy là nghiệp đoàn bốc xếp Xóm Củi ra đời, có đồng phục, có thẻ đoàn viên, có người quản lý và nề nếp kỷ luật rất “lính”. Xem qua nội quy của nghiệp đoàn, chúng tôi thấy ghi: Đến làm việc không đúng giờ: mời về; Văng tục, chửi thề, cãi cọ: khiển trách; Uống rượu bia trong giờ làm: khiển trách; Sau 3 lần khiển trách: buộc thôi việc…

Có lẽ vì vậy mà suốt thời gian qua, thu nhập của người lao động nghiệp đoàn luôn ổn định ở mức 2.500.000đ/tháng, khuân vác an toàn 150 tấn hàng mỗi đêm. Trên đà đó, Công ty Tăng Phát đã có ý định thành lập Chi hội CCB riêng, trực thuộc Hội CCB quận 8.

Có công ăn việc làm ổn định, uy tín của những cựu binh trong Công ty Tăng Phát lên rất cao. Thêm hai nghiệp đoàn bốc xếp ở phường 11 và phường 2 của quận 8 ra đời, nâng tổng số người lao động của Tăng Phát lên 280 người, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều con em CCB địa phương, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

  • Vươn mình ra biển lớn

Đặc công làm kinh tế ảnh 2

Bãi cát của Công ty Tăng Phát tại Q8 với khối lượng hơn 2.000m3. Ảnh: T.L.

Có uy tín trên thương trường, những người lính ở Tăng Phát mở rộng thêm quy mô sang lĩnh vực san lấp mặt bằng. Có thể kể một vài công trình lớn như Khu liên hợp Nhị Xuân - Hóc Môn với khối lượng san lấp 2 triệu m3; Đường Cao tốc TPHCM - Trung Lương (đoạn Nhị Thành, Thủ Thừa, Long An) với khối lượng 1 triệu m3; Chợ đầu mối Bình Điền…

Để giữ đúng tiến độ, Công ty Tăng Phát đôi lúc phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để trả cho nơi cung cấp nguyên liệu khi bên A chưa kịp thanh toán tiền san lấp. Chẳng hạn như công trình đường dẫn vào cầu Cần Thơ, từ một đơn vị nhỏ, Tăng Phát đã sánh vai cùng 5 “anh cả” trong ngành xây dựng để phát hoang, san lấp hơn 1km đường dẫn…

Cái tên Công ty TNHH TMXD&San lấp mặt bằng Tăng Phát dần định hình, thêm nhiều bên A chọn công ty của những CCB này làm bên B vì uy tín đảm bảo đúng tiến độ thi công và không bao giờ “thiếu nợ”.

Đưa cho chúng tôi xem biên bản nghiệm thu công trình san lấp Khu dân cư Phú Định, 500.000m3; Khu Cầu Bông - Hóc Môn, 500.000m3; Khu tái định cư Q9, 2 triệu m3; Khu Nam Sài Gòn 1 triệu m3… giám đốc Hòa khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm đưa đơn vị phát triển nhưng vẫn giữ vững phẩm chất, không để hình ảnh người lính đặc công nhạt nhòa. Trong kháng chiến, lính đặc công là nỗi khiếp sợ của kẻ thù thì nay, doanh nghiệp cựu binh chúng tôi phải là niềm tin của khách hàng. Chỉ mong nhận được sự hỗ trợ vốn kịp thời của ngân hàng nhà nước vì các công trình chúng tôi đang thi công đều là hiện thực chứ không phải công trình trên giấy”.  

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục