Đất công là tài sản quốc gia, các doanh nghiệp nhà nước chỉ thay mặt sử dụng theo đúng mục đích, nếu không phải trả lại. Thế nhưng, trên thực tế giống như bỡn cợt, đất công đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang phí!
Kéo nhau ra tòa
Nói đến khu đất 213 Hòa Bình, quận Tân Phú diện tích 15.797m² là một câu chuyện dài, phức tạp đến nỗi có người phải vướng vòng lao lý, bây giờ lại kéo nhau ra tòa.
Chủ khu đất này tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, sau đó thành công ty cổ phần đổi tên là Công ty cổ phần Thủy đặc sản (Seasprimex). Tháng 10-2005, UBND TPHCM chấp thuận cho Seasprimex được chuyển mục đích sử dụng đất tại mặt bằng 213 Hòa Bình sang xây dựng khu liên hợp thương mại nhà ở cao tầng kết hợp văn phòng. Vì sản xuất không phù hợp quy hoạch nên năm 2009, Seasprimex di dời cơ sở sản xuất ra huyện Bình Chánh, tại đây còn lại bộ phận văn phòng, phòng kinh doanh, xuất nhập khẩu, kho lạnh… Thật ra khu đất được khai thác “đa chiều”, trước khi được các cơ quan chức năng cho phép chuyển mục đích.
Một góc mặt bằng 181 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Ảnh: CAO THĂNG
Năm 2004, Seasprimex và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh địa ốc Đại Đô Thành ký hợp đồng hợp tác đầu tư, hai bên cùng góp vốn xây dựng dự án nhà cao tầng tại địa chỉ này. Sau đó, Seasprimex đã ký ủy quyền cho Công ty Đại Đô Thành được toàn quyền quyết định đầu tư, kinh doanh và trực tiếp ký kết các hợp đồng mua bán liên quan đến toàn bộ dự án. Từ đây, Công ty Đại Đô Thành ký kết huy động vốn hàng loạt khách hàng, thu hàng chục tỉ đồng.
Trên thực tế thời điểm huy động vốn thì khu đất chưa có chủ trương đầu tư, suốt 5 năm sau dự án bất động. Một số người liên quan đến dự án trên giấy này đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam vì lừa đảo!
Tập 2 của khu đất, nảy sinh một “nhân vật” mới. Tháng 7-2007, Seasprimex ký Hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Eden, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên với tên gọi Công ty TNHH Eden Seasprimex để triển khai dự án. Nhưng do khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2008, thị trường địa ốc khó khăn nên Eden rút chấm dứt hợp tác đầu tư kinh doanh, thanh lý hợp đồng vào năm 2011.
Tập 3 hết sức ly kỳ! Trong giai đoạn “tan vỡ giấc mộng” với Công ty Đại Đô Thành, “hủy hôn” Eden thì sự xuất hiện của Trường Đại học Hồng Bàng đã thổi sinh khí mới vào khu đất, hiện nay có hàng chục ngàn sinh viên theo học, ra vào nhộn nhịp! Liên tiếp từ tháng 3-2009 đến năm 2012, Seasprimex đã ký hàng chục hợp đồng, phụ lục với Trường Đại học Hồng Bàng, nào là hợp tác đào tạo mở lớp dạy học, làm khu hành chính, văn phòng đón tiếp sinh viên, phòng học, thuê nhà xưởng…
Tất tần tật từng diện tích của khu đất, nhà xưởng, tầng trệt, sân thượng, phòng lạnh, mặt tiền đường… đều được xẻ ra tối đa cho thuê, mỗi tháng Trường Đại học Hồng Bàng trả tiền thuê hơn 1 tỷ đồng, thời gian cho thuê kéo dài đến năm 2017. Song song với việc cho thuê từng centimét, tháng 11-2010, hai bên cũng ký kết “hợp tác đầu tư, kinh doanh dự án liên hợp thương mại, nhà ở cao tầng kết hợp văn phòng” tại khu đất này.
Tuy nhiên, “tuần trăng mật” cũng vội qua khi Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường vào cuộc, hai bên gửi đơn kiện nhau ra Tòa án Nhân dân quận Tân Phú. Seasprimex kiện Trường Đại học Hồng Bàng, đòi thanh toán tiền thuê, chia lợi nhuận, thanh lý hợp đồng thuê, trả lại mặt bằng… Trường Đại học Hồng Bàng lo sốt vó, vì nhiều tỷ đồng đã ném vào đầu tư cơ sở vật chất, ứng trước 50 tỷ đồng cũng như lãi suất!
Ưu ái quá đáng?
Trở lại khu đất 213 đường Hòa Bình của Seasprimex. Rõ ràng, với hàng loạt cuộc ký kết hợp tác đã thể hiện việc Seasprimex không đủ sức đầu tư mới đi “hợp tác khắp nơi”, cho thuê sai mục đích. Trong khi đó, Trường Đại học Hồng Bàng, với nhu cầu cực kỳ lớn, lại phải gồng gánh khoản tiền thuê mặt bằng hàng tỉ đồng mỗi tháng! Nhưng sử dụng đất công sai mục đích, hoang phí đâu chỉ có mỗi Seasprimex?
Mặt bằng 1027 Phạm Thế Hiển, quận 8, với khuôn viên 26.447m² do Công ty TNHH nhà nước MTV công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) quản lý. Một phần khu đất đã được SSIC cho thuê làm bãi giữ ô tô, phần còn lại là tòa nhà 4 tầng bỏ hoang. Về pháp lý, tháng 7-2011, Bộ Tài chính thống nhất về nguyên tắc việc chuyển mục đích sử dụng đất nếu phù hợp quy hoạch của thành phố. Tháng 9-2013, UBND TP có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Tổng Công ty Điện lực TPHCM được sử dụng 4.680m² để đầu tư xây dựng trạm biến áp 220kV - quận 8. Diện tích còn lại, SSIC được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được phê duyệt để tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Văn bản trên cũng yêu cầu công ty này chấm dứt việc cho thuê sai mục đích. Tháng 10-2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản đồng ý kiến nghị trên. Tuy nhiên, đến nay khu đất vẫn đang được SSIC cho thuê đậu xe ô tô, từ 2011 chưa đóng tiền thuê đất theo quy định!
Tương tự, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn một thành viên nằm trong tốp đầu với 6 mặt bằng trong diện “đợi chờ” với 22.089m². Tại mặt bằng 181 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh với diện tích 4774m², tháng 11-2013 UBND TPHCM cho phép chuyển mục đích xây dựng theo quy hoạch. Nhưng trước đó đơn vị này đã cho Công ty TNHH Ô tô Đại Việt thuê mặt bằng làm địa điểm trưng bày và bán ô tô. Báo cáo của cơ quan chức năng nêu: Tổng công ty đã thanh lý hợp đồng và tiếp nhận lại mặt bằng cho thuê vào ngày 5-5-2014 qua biên bản làm việc lần thứ 3.
Tuy nhiên, mới đây ngày 20-12 có mặt tại địa chỉ trên, mặt bằng vẫn là nơi trưng bày các loại xe ô tô nhãn hiệu Suzuki, dòng chữ “Welcome to new Dai Viet Showroom & Workshop” chạy ngang cửa chính của văn phòng, góc trái trên cùng là chữ Đại Việt án ngữ to tướng(?). Ngay tại mặt bằng số 200 Võ Văn Tần, tháng 12-2013, Sở Tài chính đã có văn bản “đề nghị tổng công ty chấm dứt việc cho thuê mặt bằng nhà đất trên”. Không chỉ có “mẹ”, mà “con” là Công ty cổ phần Công nghiệp thương mại Hữu Nghị với mặt bằng hơn 9.000m² tại 279 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh cũng biến thành “bãi giữ xe - rửa xe ô tô”.
Trong khi đó, 7 năm trước UBNDTP đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty Hữu Nghị chuyển mục đích sử dụng khu đất này sang xây dựng chung cư cao tầng, có nghĩa vụ dành 20% quỹ nhà bán cho quận theo cơ chế bảo toàn vốn để phục vụ tái định cư của quận và thành phố. Xem ra, mục tiêu này không biết bao giờ hoàn thành!
Đáng chú ý, khá nhiều mặt bằng do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn một thành viên đang quản lý, khi giao đất đều được ghi rõ nếu “quá 6 tháng được giao” hoặc “quá 12 tháng được phê duyệt” không triển khai sẽ bị thu hồi, nhưng đến nay đều quá hạn 6 năm nhưng chưa có một mặt bằng nào bị thu hồi.
Tại buổi họp vào tháng 11 vừa qua do Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM chủ trì, 3 mặt bằng của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn một thành viên và mặt bằng của Công ty Hữu Nghị, khu đất của Seasprimex; 19 mặt bằng của các công ty khác cũng đưa vào tầm ngắm gia hạn 6 tháng nữa, nếu không thực hiện mới bị thu hồi. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Có ưu ái quá đáng?
LƯƠNG THIỆN