Đặc sắc Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM

Thành phố 10 mùa thơ
Đặc sắc Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM

Cứ mỗi độ xuân sang, sau những ngày tết người yêu thơ trên cả nước lại nô nức, rộn ràng chờ đón một ngày lễ quan trọng nhất trong năm của mình - Ngày thơ Việt Nam vào đúng tiết Nguyên Tiêu. Năm nay là lần thứ 10 ngày thơ được tổ chức và như mọi năm, TPHCM cũng được xem là một trong những địa phương được chú ý nhất với các hoạt động đặc sắc vì thơ, cho thơ và của thơ. Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM sẽ được tổ chức vào ngày 5-2, do Hội Nhà văn TPHCM và Báo SGGP phối hợp tổ chức.

Chiếu thơ là nơi các bạn thơ gặp mặt trò chuyện giao lưu trong ngày thơ. Ảnh: T.Vân

Chiếu thơ là nơi các bạn thơ gặp mặt trò chuyện giao lưu trong ngày thơ. Ảnh: T.Vân

Thành phố 10 mùa thơ

Tại ngày thơ năm 2011, chủ đề được chọn là “Từ thành phố này Người đã ra đi”, một lời ca trong bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người của nhạc sĩ Cao Việt Bách. Năm nay, chủ đề của ngày thơ là “Thành phố 10 mùa thơ” cũng lấy ý từ bài hát Thành phố 10 mùa hoa (phổ thơ Lệ Bình) của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đây vừa là sự thể hiện tính gắn kết thơ - nhạc vừa là dấu ấn kỷ niệm 10 năm ngày thơ được tổ chức tại TPHCM.

Cũng như những năm trước, câu hỏi đầu tiên về ngày thơ tại TPHCM luôn là, tổ chức ở đâu? Nếu Hà Nội có Văn Miếu rất phù hợp thì TPHCM cứ luôn trăn trở tìm một địa điểm cho thơ. 10 năm, ngày thơ đã trải qua 5 địa điểm, từ Cung Văn hóa Lao động sang Bảo tàng Lịch sử (Thảo Cầm viên) đến Công viên Bách Tùng Diệp rồi vào Nhà hát Thành phố và năm nay, vào ngày 5-2-2012, lần thứ hai, ngày thơ diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM. Tính ra trong 10 mùa thơ, ngày thơ đã phải đi qua 5 địa điểm khác nhau. Theo Hội Nhà văn TP, hy vọng Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM sẽ là điểm dừng chân cố định của ngày thơ, tạo thành một điểm hẹn hàng năm cho bạn thơ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sau khi xây xong trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, ở địa chỉ 81 Trần Quốc Thảo (dự kiến vào giữa năm 2013 hoàn thành), với khuôn viên rộng lớn được thiết kế chuyên dụng tổ chức các hoạt động văn hóa, ngày thơ chuyển về đó tổ chức sẽ phù hợp hơn.

Đặc sắc tiết mục thơ

* Bên cạnh các giải thưởng thường lệ, năm nay ban tổ chức ngày thơ đề ra một giải thưởng mới là giải thưởng cổ động viên trao cho CLB nào có nhiều cổ động viên nhiệt tình, sôi động nhất. Giải thưởng được đánh giá sẽ góp phần mang lại không khí sôi động cho ngày thơ từ phía những người đến thưởng lãm thơ.

Ngày thơ năm nay được chia là 3 phần chính kéo dài suốt ngày 5-2. Mở đầu là cuộc biểu dương các lều thơ, trang trí thơ, giới thiệu thơ của các đơn vị. Sẽ có 11 câu lạc bộ thơ quận huyện, 2 đơn vị thơ của NVH Thanh niên và Cung Văn hóa Lao động và cuối cùng là CLB thơ của Trường ĐH KHXH-NV. Đặc biệt, năm nay có sự tham gia của đội ngũ nhà thơ đến từ hai trang web thơ là vanthoviet.com và lucbat.com. Ngoài ra, tại ngày thơ còn có một gian thư pháp của Chùa Lá cũng góp phần mang đến sự đặc sắc riêng của ngày thơ. Các lều thơ, diễn thơ, trưng bày thơ nào ấn tượng nhất sẽ được trao giải thưởng.

Từ 14 giờ là các chương trình biểu diễn sân khấu hóa thơ của các đơn vị. Tuy là một chương trình phụ trong ngày thơ nhưng từ nhiều năm qua, các tiết mục này lại được đánh giá là hấp dẫn nhất nhì ngày thơ do các đơn vị tham gia đều rất nhiệt tình, từ khâu chuẩn bị, tập luyện đến mức độ hoành tráng, kỳ công. Trong một lần diễn ra ngày thơ trước đây, có đơn vị còn tái hiện cả một cảnh chợ phiên tết vùng Bắc bộ gây ấn tượng sâu đậm với khán giả. Năm nay, theo nhà thơ Lê Tú Lệ, người đảm trách chương trình của các CLB thơ, các đơn vị dự kiến sẽ giới thiệu nhiều tiết mục thơ rất độc đáo. Mở màn là tiết mục múa quạt 8 người của quận Tân Bình, các nghệ sĩ sẽ vừa múa vừa biểu diễn ngâm thơ, chuyển thể các điệu chèo từ thơ. Đoàn quận 12 biểu diễn tiết mục đọc thơ trên nền võ dân tộc do võ sư Mã Vĩnh Trinh đảm nhiệm. Ngoài ra, còn có các tiết mục hát xẩm; du học sinh Anh, Canada đọc thơ Việt…

Phần chính của ngày thơ bắt đầu từ 19 giờ do hai nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Trương Nam Hương viết kịch bản và đạo diễn. Ngoài ra còn có sự tham gia của các nhà thơ Văn Lê, Lê Thị Kim và Lê Minh Quốc. Mở đầu, theo thông lệ sẽ là tiết mục đánh trống khai hội, đọc bài thơ Nguyên Tiêu của Bác Hồ. Năm nay, các nhà thơ trẻ được lựa chọn ưu tiên cho những gương mặt mới chưa từng xuất hiện lần nào trên sân khấu ngày thơ nhằm khuyến khích các cây bút trẻ. Dự kiến, sẽ có khoảng 15 nhà thơ lên sân khấu giới thiệu và biểu diễn thơ của mình.

Tường Vy


Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương
Cuộc hội ngộ của thi ca

Sáng 2-2, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, lễ khai mạc Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 1 được tổ chức trọng thể. Đến dự lễ khai mạc có đồng chí Hồng Vinh, Chủ tịch hội đồng lý luận VHNT Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành với hơn 100 nhà thơ trong nước và quốc tế. Sau lễ khai mạc, các đại biểu đã cùng thực hiện lễ dâng hương và nghi thức thả thơ tại núi Bài thơ, nơi vua Lê Thánh Tông đã đề thơ cách đây 6 thế kỷ. Sau khi tham dự hội thảo “Thơ ca vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển”, từ ngày 3 đến 5-2, các đại biểu sẽ cũng tham gia nhiều hoạt động tôn vinh thơ ca tại Hà Nội, Quảng Ninh… Hơn 100 nhà thơ, học giả đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã về tham dự lễ khai mạc liên hoan, để cùng sẻ chia, cùng cất lên tiếng nói của thi ca về con người, cuộc sống và vì nền hòa bình.

V.Xuân

Tin cùng chuyên mục