Đặc thù không có nghĩa là đặc quyền, đặc lợi

Ngày 12-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Đa số ý kiến của các đại biểu (ĐB) Quốc hội phát biểu tại hội trường bày tỏ sự thống nhất cao với việc xây dựng và ban hành nghị quyết; cho rằng nghị quyết được thông qua sẽ góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển Thủ đô trong điều kiện mới.
Các Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp toàn thể tại hội trường Diên Hồng sáng ngày 12-6. Ảnh: Quochoi.vn

Bàn thêm về việc bổ sung cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách cho phép Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách cho TP Hà Nội, phù hợp với thực tế phát triển, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) góp ý, không nên dùng từ “đặc thù”, bởi “bên cạnh những quy định chung, mỗi địa phương đều có điều kiện khác nhau thì cần có cơ chế riêng cho các địa phương ấy”. Tuy nhiên trong thời gian qua, có quá nhiều quy định đặc thù ít nhiều gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền, đặc lợi.

“Không nên dùng từ "đặc thù" trong văn bản này và cân nhắc bỏ từ "đặc thù" trong dự thảo nghị quyết. Việc bỏ đi, tôi cho rằng cũng không ảnh hưởng đến nội dung của văn bản, và đây không phải sự né tránh. Cơ chế chính sách cho địa phương nào riêng cho địa phương ấy, chỉ cần ghi Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đối với thành phố Hà Nội là đủ”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói.

Cũng theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, việc giao cho HĐND TP quyết định các loại phí và lệ phí cũng như mức phí mà không quy định mức trần là phù hợp. Nhiều nước đã thực hiện việc này. Điều quan trọng là cân nhắc mức phí một cách hợp lý để có sự đồng thuận của người dân.

ĐB cũng lưu ý yêu cầu quan tâm phát triển vùng Thủ đô như Luật Thủ đô đã quy định; đồng thời cân nhắc sửa đổi Luật Thủ đô cho kịp thời và phù hợp với điều kiện phát triển của TP Hà Nội trong giai đoạn tới.
Đặc thù không có nghĩa là đặc quyền, đặc lợi ảnh 2 ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, trong số các cơ chế được đề xuất cho Hà Nội đã có 7 cơ chế Quốc hội đã thông qua cho TPHCM trước đây, chỉ 2 cơ chế khác biệt. Ảnh: Quochoi.vn
Đồng tình với dự thảo Nghị quyết, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lưu ý, trong số các cơ chế được đề xuất cho Hà Nội đã có 7 cơ chế Quốc hội đã thông qua cho TPHCM trước đây, chỉ 2 cơ chế khác biệt. Đó là, Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư để đầu tư cho công trình cấp bách, nghĩa là dùng tiền tiết kiệm chi thường xuyên cho chi đầu tư. Đây là chính sách đang khuyến khích thì không lý do gì chúng ta không đồng tình. Hai là cơ chế sử dụng ngân sách TP hỗ trợ địa phương khác trong điều kiện khó khăn - đây là tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, nên cũng không có gì để phản đối.

“7 cơ chế đã thông qua cho TPHCM đang được TPHCM áp dụng rất tốt”, ông Cường nói thêm.

Nếu Hà Nội có được phí này phù hợp với các khu vực thì có thể tạo ra dịch vụ tốt hơn ở một số khu vực. Hay cơ chế Hà Nội được hưởng 50% tiền sử dụng đất với việc chuyển tài sản trên đất. Thực chất tiền này dành 70% trang trải cho di dời đầu tư xây dựng, thực hiện chuyển đổi, nên phần còn lại 30%. Nếu giảm 50% số này thì phần dành cho địa phương khoảng 15% - không nhiều, việc này thúc đẩy chuyển dịch tài sản đất đai không hiệu quả, các đơn vị sử dụng vị trí đắc địa họ sẽ tích cực hơn chuyển đổi, di dời.

Cơ chế cho phép TP Hà Nội được hưởng tiền thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn thuộc các doanh nghiệp mà TP quản lý, thực chất tại Luật Ngân sách cũng quy định nguồn thu về vốn từ các doanh nghiệp mà địa phương quản lý thì thuộc ngân sách địa phương. Ở đây có những giá trị khác như thương hiệu, giá trị đất đai khác... thì đưa vào dự quyết là hợp lý. Cũng thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý, khuyến khích để cổ phần hóa được giá trị nhiều hơn.

Đề xuất cơ chế nâng trần nợ 70% lên 90%, trần này nâng dựa trên ngân sách điều tiết để lại (Ngân sách điều tiết được để lại của Hà Nội hiện là 35%), thực chất chỉ chiếm 30% tổng thu ngân sách, nên nâng trần nợ này không là gánh nặng cho nợ công. TP lớn nên nhu cầu đầu tư lớn, cơ chế vốn ODA giờ 100% vốn vay nên đòi hỏi phải tăng trần nợ lên.

Hà Nội cũng đề nghị được tạm ứng không quá 50% quỹ dự trữ tài chính với dự án đầu tư công được phê duyệt, thực tế luật hiện hành cũng cho phép và thời hạn thanh toán là 12 tháng và hiện Hà Nội đề xuất nâng thời hạn lên 36 tháng. Thời gian thanh toán kéo dài ra thì đảm bảo hiệu quả hơn.

Nhưng ông Cường băn khoăn so với Nghị quyết của TPHCM thì Hà Nội xin cơ chế hẹp hơn, ví dụ TPHCM còn có quyền chuyển đổi đất nông nghiệp từ 10ha trở lên. Nhưng điều này có lẽ cũng hiểu được vì Hà Nội có Luật Thủ đô, trong khi chưa có đánh giá, điều chỉnh luật này thì cần cơ chế cấp bách lúc này, để sau này khi đánh giá, điều chỉnh sửa Luật Thủ đô thì bổ sung sẽ có cơ sở hơn.

Đặc thù không có nghĩa là đặc quyền, đặc lợi ảnh 3 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đề xuất cơ chế là quan trọng, song Hà Nội cũng cần quan tâm hơn nữa trong huy động và phát huy nguồn lực, tiềm lực; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và sự phấn đấu của người dân trong thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của Hà Nội. Đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc tăng thêm các khoản thu phí và lệ phí, đề nghị có những đánh giá đầy đủ về những tác động của của việc này.

Phát biểu kết thúc thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tin cùng chuyên mục