Đặc thù không vì lợi ích riêng

Các ý kiến thảo luận tại tổ Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ (dự thảo nghị quyết) đã được Tổng Thư ký Quốc hội gửi tới các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để phục vụ phiên thảo luận toàn thể trước khi Quốc hội “bấm nút” thông qua dự thảo nghị quyết này. 

Những nội dung đáng lưu ý liên quan đến Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP Cần Thơ và dự án nạo vét luồng Định An - Cần Thơ.

Số ít ý kiến cho rằng việc cho phép các doanh nghiệp đầu tư tại trung tâm được hưởng ưu đãi như dự thảo nghị quyết sẽ phá vỡ mặt bằng chính sách, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư tại các địa phương khác. Với dự án nạo vét luồng Định An - Cần Thơ, mặc dù đa số ý kiến nhất trí, nhưng không phải không còn những băn khoăn nhất định về hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động môi trường của dự án.

Một số ý kiến nhấn mạnh rằng, việc áp dụng ưu đãi đặc biệt cho các dự án xã hội hóa cần cân nhắc rất kỹ, vì có thể sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng chính sách, tạo tiền lệ không tốt cho các trường hợp nạo vét luồng hàng hải. 

Có thể thấy rằng việc Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ nhằm hướng tới phát triển thành phố này và cả vùng ĐBSCL. Các cơ chế, chính sách trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội được xây dựng căn cứ trên những định hướng phát triển của quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; bảo đảm theo nguyên tắc thuận thiên, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Cần Thơ và của cả vùng. 

Những ý kiến của ĐBQH về việc bảo đảm chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, lợi dụng chính sách trong cả 2 dự án quan trọng trên (cũng như bất kỳ chính sách đặc thù nào khác) là hết sức xác đáng. Bên cạnh đó, để phù hợp với các cam kết quốc tế, Chính phủ cần sớm có những văn bản hướng dẫn thực hiện ngay sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua. 

Về việc xã hội hóa dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng Định An - Cần Thơ, do tình trạng bồi lắng tự nhiên và ngân sách nhà nước còn khó khăn, chưa thực hiện công tác nạo vét từ năm 2017, nên các tàu có tải trọng trên 7.000 tấn không lưu thông ra vào được các cảng nội địa trên tuyến vùng Nam sông Hậu; không vận chuyển trực tiếp được hàng hóa từ các cảng Cần Thơ ra các cảng quốc tế; làm tăng chi phí vận chuyển của sản phẩm, giảm sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu chủ lực của toàn vùng ĐBSCL.

Nếu thu hút được các dự án nạo vét theo hình thức xã hội hóa kết hợp thu hồi sản phẩm, sẽ vừa giảm chi phí đầu tư của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, tận dụng được sản phẩm thu hồi là cát và bùn để đầu tư xây dựng các công trình khác, vừa tăng lưu lượng của các tàu lớn qua lại, từ đó giảm chi phí cho hàng hóa xuất khẩu của cả vùng. Do đó, việc thực hiện chính sách này tại vùng ĐBSCL hầu như không ảnh hưởng đến thu hút xã hội hóa tại các vùng khác.

Song, việc quan trọng hơn cả và cần làm ngay sau khi nghị quyết được thông qua chính là đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động môi trường của từng dự án cụ thể trong thời gian thí điểm để cho nhà đầu tư được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo đúng nguyên tắc bảo đảm đầu tư kinh doanh được quy định tại pháp luật về đầu tư, đất đai, thuế và hải quan.

Tin cùng chuyên mục