
Xen lẫn trong hàng chục chiếc xáng chuyên cạp cát dọc dòng Cổ Chiên (Vĩnh Long) có một chiếc xáng duy nhất không cạp cát như bao xáng khác mà hút cát lên để tìm... cát. Chiếc xáng tuyển rửa lọc cát sông ấy đang chờ Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế trong nay mai.
- Sáng chế chờ “giấy thông hành”

Máy tuyển rửa cát của anh Buôi trên sông Cổ Chiên. Ảnh: NGUYÊN VẸN
Chủ nhân của chiếc xáng độc đáo ấy là anh Nguyễn Văn Buôi, chủ doanh nghiệp tư nhân Tân Hiệp Phát II ở Thanh Đức (Long Hồ, Vĩnh Long). Anh Buôi bật mí: “Tôi đã bán hai chiếc như vậy sang Campuchia, giờ đang đóng chiếc thứ 3”. Để có được một chiếc xáng chỉ đãi cát để tìm cát như vậy, anh Buôi đã mất nhiều thời gian, công sức, tiền của.
Anh bộc bạch, lâu nay muốn có cát xây tô trong xây dựng phải khai thác cát từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) ngược lên thượng nguồn, còn vùng hạ lưu sông Tiền như Vĩnh Long chỉ có thể cạp cát để san lấp các công trình xây dựng.
Với mong muốn tìm cát đạt chuẩn cho xây tô ngay tại mỏ cát vùng hạ nguồn sông như Vĩnh Long, anh Buôi đã xắn tay tìm tòi, chế tác hệ thống bơm lọc cát. Anh kể: “Từ tháng 2-2005, tôi bắt đầu bỏ công sức nghiên cứu chế ra hệ thống lọc cát đủ chuẩn xây tô trong xây dựng. Cọc cạch làm rồi chỉnh, chỉnh rồi làm, cứ cắt rồi hàn, thế mà mất cả tỷ rưỡi cho mô hình mình mong muốn”.
Cuối cùng, một hệ thống lọc cát trên sông tương đối hoàn chỉnh đã hình thành. Gửi hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ 20 tháng nay, anh Buôi đang chờ “giấy thông hành” cho chiếc xáng độc đáo của mình.
- Hệ thống lọc “Nhất cử lưỡng tiện”
Chiếc xáng gồm một động cơ hút cát và một máy phát điện điều khiển toàn bộ hệ thống trên xáng. Sau khi sàng lọc, cát mịn được trả lại dòng sông, rác được tận dụng làm phân hữu cơ. Có nghĩa là hệ thống lọc cát này không chỉ góp phần làm sạch môi trường mà còn trả lại phù sa cho dòng sông mang đi vun bồi màu xanh cây trái, ruộng đồng. Trong khi cát chở đi san lấp công trình của các xáng khác giá chỉ 3.000-3.500 đồng/m3 thì cát qua tuyển rửa của anh Buôi bán để xây tô với giá 9.000-10.000 đồng/m3. Mỗi ngày máy hoạt động cho 700-1.000m3 cát.
Anh Buôi cho biết, càng ngược về hướng thượng nguồn sông Cửu Long thì lượng cát được máy tuyển lựa càng tăng. Ở Vĩnh Long có thể khai thác 50-60m3 cát/giờ, ngược lên Tân Châu (Đồng Tháp) là 100-120m3/giờ và xa hơn lên Campuchia thì 100-150m3/giờ.
Hệ thống lọc của anh không những cho cát giá cao mà còn giảm được chi phí sửa chữa rất nhiều. Với xáng cạp bình thường, muốn khai thác 30.000m3 cát phải mất 12 triệu đồng chi phí sửa chữa dây cáp, gàu, neo, máy… nhưng với máy một cánh quạt này để khai thác 40.000m3 cát chỉ mất khoảng 600.000 đồng cho chi phí sửa chữa. Một điều lợi lớn khác là loại cát này không phải sàng lọc lại mà sử dụng trực tiếp cho xây tô.
NGUYÊN VẸN