Theo nhà kinh tế người Pháp Nathalie Coutinet, công nghiệp sản xuất vaccine trước đây chủ yếu phát triển nhờ công nghệ hóa học, không sử dụng công nghệ sinh học. Tuy nhiên rất nhiều viện bào chế từ nhiều năm qua đã đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực này, đặc biệt là phương pháp dùng vật liệu thông tin di truyền RNA.
Công nghệ này chủ yếu được phát triển nhờ các công ty khởi nghiệp với 2 mục tiêu ban đầu là tìm ra vaccine chống ung thư và chống lại siêu vi HIV/AIDS. Lĩnh vực dược phẩm đang trải qua một giai đoạn chuyển biến quan trọng và virus SARS-CoV-2 đã làm thay đổi cục diện của ngành bào chế vaccine trong một thời gian dài. Công nghệ RNA đang mở ra nhiều chân trời mới và đang cấu tạo nên một trật tự mới trong ngành dược.
Trong khi đó, GS Pierre - Yves Geoffard của Trường Cao đẳng Khoa học xã hội Pháp lại lưu ý đến việc dịch Covid-19 đã làm đảo lộn trật tự trên “bàn cờ” của nền công nghệ dược phẩm vốn trong tay 4 đại gia là Pfizer (Mỹ), Sanofi (Pháp), GlaxoSmithKline (GSK-Anh) và Merk (Đức).
Theo GS Geoffard, mô hình phát triển trong ngành dược phẩm thay đổi nhanh nhờ có nhiều phát minh mới. Thông thường một hãng lớn mua lại các công ty khởi nghiệp, hoặc mua hẳn bằng sáng chế của các hãng nhỏ. Nhưng lần này, đáng chú ý là hãng lớn và lâu đời như Pfizer đã không mua lại bằng sáng chế của BioNTech hay mua lại luôn BioNTech - một công ty của Đức và là gương mặt khá mới trong ngành. Có thể nói, Pfizer chọn cùng với BioNTech bào chế vaccine là một hình thức cộng tác kiểu mới.
Thêm một điểm cần lưu ý khác, đó là trong số 4 đại công ty bào chế vaccine thống lĩnh thị trường toàn cầu chỉ có một mình Pfizer tìm ra vaccine Covid-19. 3 vaccine khác do 3 công ty được xem là “lính mới” trong ngành làm ra: Moderna, một công ty rất nhỏ của Mỹ; AstraZeneca của Anh và Thụy Điển, chưa từng bào chế bất kỳ một loại vaccine nào; và Johnson&Johnson của Mỹ, chỉ có một thị phần rất khiêm tốn.
Một thay đổi quan trọng khác là do đại dịch hoành hành cùng lúc khắp địa cầu, nhu cầu về vaccine quá lớn đã đem lại cơ hội cho một số công ty dược của các nền kinh tế đang trỗi dậy. GAVI là hiệp hội bao gồm nhiều thực thể có liên quan đến vaccine như: các cơ quan quốc tế, các viện nghiên cứu, các tổ chức đa quốc gia như WHO, các hãng dược phẩm… Việc có thêm những hãng mới gia nhập câu lạc bộ các nhà sản xuất vaccine là một điều đáng mừng, vì đến nay các nhà sản xuất chỉ có thể cung cấp 3,5 tỷ liều vaccine Covid-19, trong khi đại dịch đã đẩy nhu cầu tăng vọt lên thành 14 tỷ liều.
Khi được thành lập vào năm 2000, GAVI làm việc với 5 nhà sản xuất, nhưng giờ đây hiệp hội này đã hợp tác với 18 viện bào chế, mà trong đó có nhiều hãng đến từ các nền kinh tế đang trỗi dậy. Những hãng chinh phục được thị trường chủ yếu nhờ công nghệ sinh học, họ đem lại một phương pháp làm việc mới và các công trình nghiên cứu mới.