“Đại đội trưởng đầu trọc”

“Đại đội trưởng đầu trọc”

Năm nay Trung tướng Lê Nam Phong đã 86 tuổi đời, 67 tuổi Đảng vừa về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ (ĐBP) xưa, nơi ông cùng đồng đội đã từng sống, chiến đấu trong suốt 56 ngày đêm mưa bom bão đạn. Nhớ lại ngày ấy, ông thấy mình như trẻ lại, bao kỷ niệm về những ngày chiến đấu tại chiến trường ĐBP lại ùa về trong ông…

Trung tướng Lê Nam Phong (trái) và Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trong một hội thảo khoa học quân sự.

Trung tướng Lê Nam Phong (trái) và Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trong một hội thảo khoa học quân sự.

Hỏi về cái tên khá ngộ nghĩnh - “đại đội trưởng đầu trọc”, Trung tướng Lê Nam Phong kể: “Những ngày chiến đấu tại chiến trường ĐBP cực khổ, thiếu thốn không sao kể xiết. Suốt ngày phải dầm mưa để đào hào, đánh lấn. Nhìn anh em lấm lem bùn đất từ đầu đến chân, tôi nảy ra sáng kiến cạo trọc đầu để vừa thể hiện quyết tâm đánh giặc, vừa sạch đỡ tốn nước, lại vừa thuận tiện khi đánh giáp lá cà với lính Pháp cao hơn, không để bị chúng túm tóc. Sáng kiến này được cả đại đội đồng tình, thế là mọi người tranh thủ cắt tóc cho nhau, chả mấy chốc, cả đơn vị đầu trọc lốc. Từ đó, cái tên “đại đội đầu trọc” ra đời và tôi được gọi là “đại đội trưởng đầu trọc”. Không ngờ biệt danh này lại gây ấn tượng và vang xa. Sau này, mấy chục năm gặp lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn gọi tôi là - đại đội trưởng đầu trọc…”.

Ông nhớ lại: “Khi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tấn công tập đoàn cứ điểm ĐBP, bộ đội các Đại đoàn 304, 308, 312 và đoàn công pháo 351 đều trong tư thế sẵn sàng. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến ai cũng náo nức tham gia chiến dịch…”. Chiều 13-3-1954, ta mở màn chiến dịch ĐBP, Đại đoàn 312 tiêu diệt ngay căn cứ Him Lam, một “pháo đài bất khả xâm phạm” của địch. Là đại đội trưởng chỉ huy Đại đội 225 trong đội hình Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, đêm 14 rạng 15-3-1954, Lê Nam Phong cùng đồng đội tham gia trận đánh đầu tiên vào hướng Bắc đồi Độc Lập. Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 đánh vào hướng Đông Nam đồi Độc Lập.

Ông kể, hồi đó, cứ điểm Độc Lập của địch được bố trí trên một quả đồi, có lô cốt và chiến hào rất vững chắc, bao bọc nhiều lớp hàng rào kẽm gai dày hơn 100m. Căn cứ này án ngữ con đường từ Lai Châu về Mường Thanh và được coi là “cánh cửa sắt” của tập đoàn cứ điểm ĐBP.

Để mở được cánh cửa sắt này, ban đêm bộ đội ta rải đội hình đào hào giao thông, ban ngày nghe phổ biến chiến dịch, hiệp đồng chiến đấu và chuẩn bị vũ khí đạn dược. Trong giây phút thiêng liêng mở màn chiến dịch, toàn đại đội quân phục chỉnh tề lắng nghe thư Bác Hồ gửi động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ ĐBP. Bộ đội ta vô cùng xúc động, tự hào, ai nấy bừng bừng khí thế tiến công. Với quyết tâm mở cửa, mở đường cho chiến dịch, 10 chiến sĩ ta đã dũng cảm lao lên ném bộc phá làm nổ tung lô cốt địch.

Các chiến sĩ Đại đội 225 do Lê Nam Phong chỉ huy dũng cảm ôm bộc phá xông lên tiếp ứng cho đồng đội. Trước sức tấn công vũ bão của quân ta, địch phải tháo chạy, ta đã mở đường thắng lợi. Mất căn cứ Him Lam, Độc Lập, địch điên cuồng chống trả. Cuộc đấu pháo dữ dội giữa ta và địch làm rung chuyển cả thung lũng Mường Thanh, nhưng hễ dứt tiếng pháo là quân ta lại xông lên siết chặt vòng vây địch.

Để có được chiến công vang dội ấy, ngay từ trận đầu nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có cả những chiến sĩ mà chỉ huy chưa kịp biết mặt, nhớ tên. Dẫu vậy, hễ người trước ngã xuống là người sau tiếp tục xông lên, không ai chịu chùn bước trước quân thù.

Sau khi đánh chiếm đồi Độc Lập, đơn vị của Lê Nam Phong tiếp tục tham gia đánh chiếm sân bay Mường Thanh, cô lập địch hoàn toàn. Và cuối cùng, giờ phút hào hùng, khoảnh khắc vinh quang của lịch sử đã điểm: Ngày 7-5-1954, quân ta đã đánh bại hoàn toàn tập đoàn cứ điểm ĐBP của thực dân Pháp, giải phóng Điện Biên. Ông tự hào: “Ngày ấy, chiến thắng ĐBP được gọi là chiến thắng của tuổi trẻ Việt Nam vì ai cũng trẻ, cán bộ chiến sĩ đều ở lứa tuổi 18 - 20, ngay cả Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng mới ngoài 40 tuổi. Vì vậy, cả nước vào trận với sức mạnh của tuổi trẻ, lòng yêu nước mãnh liệt và nhiệt tình cách mạng cháy bỏng…”.

Sau chiến thắng ĐBP, Lê Nam Phong tiếp tục tham gia nhiều chiến dịch lớn như chiến dịch xuân Mậu Thân, chiến dịch Hồ Chí Minh và cả chiến trường Lào, Campuchia. Từ một chàng trai nông dân có tên thật là Lê Hoàng Thống, quê Nghệ An, qua trận mạc đã trở thành vị tướng đánh giặc lừng danh, lúc nào Lê Nam Phong cũng mang trong mình một trái tim nhân hậu, một tình yêu nước bao la.

Khi trở về với đời thường, ông tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện như giúp đỡ đồng đội gặp khó khăn, tìm hài cốt liệt sĩ và là “thủ lĩnh” của đông đảo cựu chiến binh các đơn vị tại TPHCM. Cuộc đời chiến trận của Trung tướng Lê Nam Phong được mọi người ngưỡng mộ, ông trở thành tấm gương sáng và nhân chứng lịch sử quý báu cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục