Đại học – Những tồn tại kiềm hãm phát triển. Bài 3: Tái cấu trúc theo hướng nào?

 Đào tạo phù hợp thực tế
Đại học – Những tồn tại kiềm hãm phát triển. Bài 3: Tái cấu trúc theo hướng nào?

Chương trình đào tạo còn mang nặng tính hàn lâm và cứ na ná nhau. Trong khi nhu cầu chung của xã hội thì hết sức đa dạng. Chính điều này gây lãng phí rất lớn về chi phí đầu tư cũng như sức lực của con người. Vậy, nên cấu trúc lại nền GDĐH như thế nào dưới góc nhìn chất lượng của cả hệ thống? Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa chúng tôi với GS Phạm Phụ.

 Đào tạo phù hợp thực tế

- PV: Còn việc dự kiến lập mới 4 ĐH “xuất sắc”, định hướng nghiên cứu, phấn đấu để vào “top 200, 300” các ĐH đẳng cấp quốc tế “góp phần tạo mô hình và động lực cho đổi mới… và cung cấp nhân lực trình độ cao”. GS có cho rằng đó là điều cấp thiết?

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q1, TPHCM) nêu thắc mắc với các nhà tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010. Ảnh: MAI HẢI

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q1, TPHCM) nêu thắc mắc với các nhà tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010. Ảnh: MAI HẢI

- GS Phạm Phụ: Việt Nam cần phải có một số ĐH nghiên cứu đặt ở vùng đỉnh của tháp “phân tầng” nền GDĐH. Nhưng vấn đề đặt ra là, vào “top 200, 300” để làm gì với thực trạng của nền GDĐH như tôi đã nói và chắc rằng nó không thể là mô hình cho cả hệ thống. Bên cạnh đó, mối quan hệ với hai ĐH quốc gia đang có như thế nào trong khi, như hai chuyên gia Mỹ về vấn đề này đã nhận xét: họ có thể có tâm lý “bị che khuất”? Và liệu Nhà nước có chấp nhận chi khoảng 1/3 NSNN của GDĐH cho khoảng 1% tổng số SV ở đây (khoảng 16.000 SV) và còn 2/3 sẽ dành cho khoảng 1,6 triệu SV còn lại?

- Vậy theo GS, chúng ta có cần đến việc xây dựng những ĐH đẳng cấp quốc tế?

- Tôi xin trích dẫn ý kiến của GS Altbach, một nhà GD hàng đầu thế giới, đại ý: “Mọi người đều muốn có những ĐH đẳng cấp quốc tế, nhưng chẳng ai biết nó là cái gì và tất thảy đều không biết bằng cách nào để có nó”. Còn kết luận của Jamil Salmi trong cuốn “Những thách thức trong việc xây dựng các ĐH đẳng cấp quốc tế” thì: “Đối với hầu hết các nước, theo đuổi việc gia nhập vào những vị trí đầu bảng xếp hạng các trường ĐH nghiên cứu toàn cầu là một điều không thực tế, thậm chí gây ra những thứ không mong muốn. Quan trọng hơn nhiều so với các trường ĐH đẳng cấp quốc tế là một hệ thống GDĐH được thiết kế phù hợp với nhu cầu kinh tế và xã hội quốc gia”.

Điều này cũng được cảnh báo trong báo cáo của Hội nghị giáo dục khu vực châu Á – Thái Bình Dương” tại Macau năm 2009. Các chuyên gia cho rằng: “Một cấu trúc hệ thống GDĐH có dạng đẳng cấp quốc tế sẽ tốt hơn nhiều trong cạnh tranh toàn cầu so với một ít trường ĐH gọi là đẳng cấp quốc tế”.

- Nghĩa là hệ thống GDĐH của Việt Nam cần phải cấu trúc lại?

- Tôi cho là vậy, vì một hệ thống GDĐH với những tồn tại như trên rõ ràng là không có chất lượng và thiếu hiệu quả, nếu nhìn theo chất lượng của cả hệ thống. Tạp chí “Times” rất có uy tín, sau khi khảo sát GDĐH trên thế giới năm 2005 đã viết một cách thậm xưng: “Mỹ có hệ thống GDĐH tốt nhất thế giới, đó là vì nó không có hệ thống gì cả”. “Không có hệ thống” ở đây có nghĩa, Mỹ có rất nhiều ĐH đẳng cấp quốc tế, có CPĐV lên đến 40.000 – 50.000 USD/SV/năm nhưng cũng có cơ sở ĐH chỉ cần tú tài và nộp học phí là được nhập học, có CPĐV chỉ 5.000 – 10.000 USD/SV/năm. Sứ mệnh và tính chất các “lớp” trường ĐH cũng rất khác nhau. Đó là cấu trúc của một hệ thống “đẳng cấp quốc tế”, có chất lượng phù hợp cho từng “lớp” trường ĐH khác nhau trong cấu trúc “phân tầng” của nền GDĐH.

Cải cách từ GD phổ thông

- Vậy cũng cần cấu trúc lại cả chương trình ở cấp GD phổ thông, vì với chương trình và nội dung nặng tính hàn lâm sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu hướng đến một nền GDĐH theo yêu cầu mới?

- GDĐH trên thế giới từ nửa đầu của thế kỷ trước cũng như khoảng 30 năm trước đây đã có những bước chuyển biến hết sức cơ bản về sứ mệnh của nó. GDĐH Việt Nam, tuy chưa có những cải cách lớn về mặt này, nhưng dù sao, dưới áp lực của đại trà, cũng như từng bước tham gia sâu vào quá trình toàn cầu hóa, cũng đã hướng vào nền GDĐH chủ yếu là “huấn luyện nghề nghiệp” và mở rộng các loại hình ĐH có tính chất là “GD bậc 3” chứ không còn nặng về kiểu trường ĐH truyền thống của GDĐH nữa.

Nhưng ở GD phổ thông, chương trình và nội dung về cơ bản vẫn là để hướng các em học sinh tiếp tục đi vào các ĐH kiểu truyền thống. Môn toán như là để các em sau này sẽ trở thành các nhà toán học, môn tiếng Việt như là để các em sau này sẽ trở thành những nhà ngôn ngữ học... Điều này, một mặt gây ra những lãng phí hết sức lớn cả về công sức, trí tuệ, tiền bạc… của con người và xã hội, mặt khác không còn thời gian để các em học làm người, làm công dân tốt - là nhiệm vụ chủ yếu của GD phổ thông, và còn gây ra những áp lực không đáng có.

- Chúng tôi thấy còn một vấn đề quan trọng nữa khiến khó có thể cấu trúc lại được hệ thống. Đó là tâm lý chuộng bằng cấp ở Việt Nam quá lớn?

- Người ta nói, đây là… tâm lý Á Đông. Mà đã là tâm lý thì khó có thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Cho nên hiện nay có hiện tượng các trường TCCN và cả cao đẳng rất khó tuyển sinh. Do vậy đang rộ lên “chương trình liên thông”, liên thông TCCN lên cao đẳng và cao đẳng lên ĐH. Và nhờ vậy, nhiều trường đã tăng được số lượng SV lên một cách đáng kể, ví dụ như ở cao đẳng cộng đồng Hà Nội. Một phần nào đó, đây cũng là áp lực lên các trường và lên cả Bộ GD-ĐT trong việc nâng cấp trường ồ ạt trong thời gian qua. Nhưng như trên đã nêu, mỗi lớp trường có vai trò, sứ mệnh và chuẩn mực… riêng của nó. Vì vậy giải pháp “tình thế” này không nên trở thành là một giải pháp phổ biến.

- Nói như GS thì Việt Nam cần phải cải cách toàn bộ nền GD. Cải cách theo hướng nào, thưa GS?

- Cần có một cuộc cải cách cả trong GD phổ thông theo hướng giảm tải, giảm tính hàn lâm, thêm nội dung học để trở thành người công dân tốt… và chuyển sang nền GD phổ thông 11 năm (thậm chí 10 năm) như ở một số nước và phân luồng từ đó. (Xin lưu ý, bài toán phân luồng ở GD phổ thông đã đặt ra hàng chục năm nay nhưng vẫn không giải quyết nổi). Sau đó phần lớn các em sẽ vào các ĐH của “GD bậc 3”. Các em sẽ học tiếp ở các ĐH có tính truyền thống thì cần thêm một vài năm học chuẩn bị để vào ĐH. Hơn nữa có lẽ cần chuyển sang chương trình cử nhân 3 năm ở các ĐH thuộc “GD bậc 3”, kể cả các trường cao đẳng có truyền thống và có chất lượng hiện có. Và cũng cần hình thành một hệ thống cao đẳng cộng đồng công lập 2 năm, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu địa phương, tạo điều kiện để các em SV có thể “ăn cơm nhà đi học”. Đây là xu thế để hướng đến một nền GD sau trung học phổ thông có chất lượng phù hợp.

- Xin cám ơn GS

LINH AN

Thông tin liên quan:

- Đại học “phi lợi nhuận” và những mảng mờ

Tin cùng chuyên mục