Đại học Quốc gia TPHCM: Quyết tâm tham gia xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững

Với vị thế là đầu tàu của hệ thống giáo dục đại học quốc gia, ngoài thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) còn đảm nhận nhiệm vụ phát triển vùng.

Nhân dịp đầu năm, PGS-TS Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM, đã chia sẻ với PV Báo SGGP về những định hướng phát triển cũng như các chương trình, kế hoạch trong việc phát triển vùng.

PGS-TS Vũ Hải Quân

PGS-TS Vũ Hải Quân

Phóng viên: Trong năm 2023, ĐHQG-HCM có những chương trình hành động như thế nào để thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nghiên cứu khoa học, thưa ông?

PGS-TS VŨ HẢI QUÂN: Năm 2023, ĐHQG-HCM ưu tiên nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn lực tài chính nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tại mỗi mảng công tác chính, ĐHQG-HCM chọn các nội dung trọng tâm để triển khai. Riêng về đào tạo, khoa học công nghệ, ĐHQG-HCM sẽ thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đào tạo; tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo song bằng, chương trình đào tạo tích hợp bậc cử nhân - thạc sĩ, tăng quy mô đào tạo sau đại học, tăng các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, ngoại khóa cho người học, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên; triển khai các khóa đào tạo bồi dưỡng theo yêu cầu của địa phương, doanh nghiệp.

Về khoa học và công nghệ, chúng tôi xây dựng và vận hành hệ thống đăng ký, quản lý đề tài, dữ liệu về khoa học công nghệ; tiếp tục thực hiện chiến lược nâng cao số lượng công bố quốc tế trong danh mục Scopus, chú trọng hợp tác quốc tế trong công bố; xây dựng đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; triển khai hiệu quả các dự án quốc tế, các chương trình, đề án nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia, các chương trình hợp tác với TPHCM, tỉnh Bình Dương và các địa phương đã ký kết.

ĐHQG-HCM có nguồn lực nào để tự tin thực hiện những nhiệm vụ quan trọng này?

- Hiện nay, ĐHQG-HCM nằm trong tốp 800-1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới, đứng vị trí 167 các trường đại học xuất sắc nhất châu Á. Đặc biệt, ĐHQG-HCM là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, với hơn 90.000 sinh viên đại học chính quy, gần 9.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh. Mỗi năm, ĐHQG-HCM cung cấp cho TPHCM và cả nước khoảng 10.000 sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ. Những lợi thế, tiềm năng này là tiền đề quan trọng để ĐHQG-HCM tiếp tục đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, nhất là TPHCM.

ĐHQG-HCM vừa ký hợp tác với UBND TPHCM trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế - xã hội, đơn vị sẽ có chương trình cụ thể như thế nào để thực hiện mục tiêu này?

- ĐHQG-HCM đang phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM trong việc triển khai các nội dung đã ký kết. Dự kiến 2 bên sẽ tổ chức sơ kết 1 năm trong thời gian tới. Vừa qua, ĐHQG-HCM gửi UBND TPHCM 4 đề án thành phần của Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 và Đại học Chia sẻ (Đề án tổng thể) theo đặt hàng của Sở GD-ĐT TPHCM; Đề án “Chính sách vay tín dụng cho sinh viên ĐHQG-HCM” theo chương trình hợp tác 2 bên, cùng các kiến nghị cụ thể đến lãnh đạo UBND TPHCM.

Trong Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ĐHQG-HCM được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ; tích cực đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm đại học hàng đầu châu Á.

Năm 2023, ĐHQG-HCM chủ trì xây dựng Đề án “Phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á” do Thủ tướng Chính phủ giao. Đề án này nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM mong muốn được cùng TPHCM thí điểm một số chính sách vượt trội, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, góp phần phát triển TPHCM trong giai đoạn mới. Đặc biệt, ĐHQG-HCM mong muốn thành phố xây dựng cơ chế tài chính đặc thù để đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học; hỗ trợ ĐHQG-HCM trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hiện nay, ĐHQG-HCM vẫn tồn tại một số trở ngại. Nếu không được tháo gỡ, những trở ngại này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những chương trình, mục tiêu đã đề ra. Ông có kiến nghị và đề xuất như thế nào?

- Một số khó khăn mà ĐHQG-HCM đang đối mặt như: công tác điều chỉnh quy hoạch 1/2000 đến nay chưa hoàn thành, dẫn đến hầu hết các dự án đầu tư xây dựng mới chưa thể triển khai thực hiện; ĐHQG-HCM không thể cải tạo, sửa chữa các tòa nhà đã xuống cấp tại ký túc xá khu A, do các tòa nhà hiện vẫn là tài sản do địa phương quản lý; thủ tục vay lại, cụ thể là về quy định đối với tài sản đảm bảo, còn nhiều vướng mắc.

Đến thời điểm hiện nay, ĐHQG-HCM đã và đang chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên, đồng thời có lộ trình cụ thể thực hiện. Riêng những vướng mắc về cơ chế tài chính liên quan thủ tục vay lại cũng đang được các bộ, ngành liên quan trình xin ý kiến Chính phủ. ĐHQG-HCM kỳ vọng Chính phủ sớm có giải pháp để tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc này nhằm đảm bảo tiến độ triển khai các dự án quốc tế.

Tin cùng chuyên mục