Đại học Thủ Dầu Một khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên

Ngày 8-1, tại TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp với Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu khai giảng "Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên”, đánh dấu bước ngoặc hợp tác giữa hai đơn vị trong lĩnh vực giáo dục, công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn.

Đại học Thủ Dầu Một mở khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch
Đại học Thủ Dầu Một mở khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch

Phát biểu tại chương trình, TS Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, điểm nổi bật của chương trình này là việc giảng viên được tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch và nội dung giảng dạy tập trung vào những kiến thức thực tiễn thực sự hữu ích cho việc đào tạo lại cho các học viên, sinh viên, đảm bảo sau khi hoàn thành khóa học và vượt qua kỳ kiểm tra chất lượng một cách kỹ lưỡng, các học viên có thể bắt tay vào làm ngay tại các công ty thiết kế vi mạch và đây cũng là điều các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới mong muốn khi tuyển dụng.

dsc-9542-3275.jpg

Khóa đào tạo kéo dài 2 tháng, dành cho các giảng viên của trường đại học Thủ Dầu Một, do các chuyên gia của Sun Edu và các Tập đoàn công nghệ vi mạch trực tiếp đào tạo. Trong quá trình học, các giảng viên sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của các tập đoàn lớn như Synopsys, Cadence. Từ đó, có thể xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn cho công tác giảng dạy sau này.

Tại lễ khai giảng, PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến nay và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đồng thời ngành này cần bổ sung gần 1 triệu nhân lực. Ông Thi nhận định, khu vực Đông Nam bộ của Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành này, riêng TPHCM cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm; kế đến là tỉnh Bình Dương với nhiều tiềm năng phát triển nhân lực cho ngành này.

“Tôi hoanh nghênh sáng kiến liên kết đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn, cụ thể là giữa trường Đại học Thủ Dầu Một với Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM. Đây có thể nói là mô hình hay, đi tắt đón đầu trong liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của tỉnh Bình Dương trong việc góp phần hiện thực hóa mục tiêu 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ cho ngành vi mạch bán dẫn”, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu.

Tin cùng chuyên mục