Sau Hiệp định Genève, đất nước tạm thời chia làm hai miền, phải thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau: miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Từ phong trào Đồng Khởi, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, đưa ra chương trình hành động tập hợp các lực lượng cách mạng đấu tranh cho mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước tình hình đó, tại thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Tham dự đại hội có 522 đại biểu, thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước, nhiều đoàn đại biểu các đảng quốc tế tới dự. Đại hội đã vạch ra chiến lược cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng này có quan hệ mật thiết, tác động, thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, để thực hiện mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam là hòa bình, thống nhất đất nước. Đại hội thông qua phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất từ 1961-1965.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa III gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ sau Đại hội lần III của Đảng, miền Bắc bắt tay vào xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Để cụ thể hóa đường lối Đại hội III về xây dựng kinh tế, Trung ương Đảng đã liên tiếp tổ chức các hội nghị chuyên đề: Hội nghị lần 5 (7-1961) bàn về phát triển nông nghiệp, Hội nghị lần 7 (6-1962) về phát triển công nghiệp, Hội nghị lần 8 (4-1963) về kế hoạch nhà nước, Hội nghị lần 10 (12-1964) về lưu thông phân phối và giá cả.
Từ ngày 5-8-1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Đến cuối năm 1964, miền Bắc hoàn thành những mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm (1961-1965). Đánh giá những chuyển biến ở miền Bắc, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (27-3-1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”. Tại Hội nghị lần 11 (3-1965) và lần thứ 12 (12-1965) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nghiên cứu sâu sắc, toàn diện tình hình. Hội nghị đánh giá, mặc dù Mỹ tham chiến nhưng tương quan lực lượng không thay đổi lớn.
Sau Hiệp định Paris, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức nhiều hội nghị bàn các vấn đề cụ thể của cách mạng hai miền Nam - Bắc: Hội nghị lần 21 (7-1973) bàn về phương hướng và nhiệm vụ cách mạng miền Nam, Hội nghị lần 22 (12-1973) thông qua kế hoạch khôi phục kinh tế miền Bắc, Hội nghị lần 23 (12-1974) về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng.
Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp nhận định thời cơ chiến lược đã đến và quyết định giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975. Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. Ngày 30-4-1975, Sài Gòn được giải phóng, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam: Thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần 24, khóa III (9-1975) chủ trương hoàn toàn thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
(Còn tiếp)
M.Thảo (Tổng hợp tư liệu)
Bài đã đăng:
>>Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (Từ tháng 2-1951 đến tháng 9-1960)