Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, chiều 23-9, trên dải hội tụ nhiệt đới ở khu vực giữa Biển Đông đã hình thành một vùng áp thấp.
Dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13-16 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp có tọa độ khoảng 15-16 độ Vĩ Bắc và 116,5-117,5 độ Kinh Đông, gây mưa dông ở vùng biển phía Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan.
Vị trí vùng áp thấp ở khu vực giữa Biển Đông chiều 23-9. Ảnh theo Windy |
"Toàn bộ tàu thuyền tại các vùng biển nêu trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh", cơ quan khí tượng cảnh báo. Dự báo từ khoảng ngày 24 đến 25-9, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (xác suất khoảng 50-60%).
Đồng thời, do tác động của dải hội tụ nhiệt đới trên Biển Đông và áp thấp nên gió mùa Tây Nam ở Nam bộ có xu hướng mạnh dần lên, gây mưa diện rộng ở Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ.
Cập nhật đến chiều 23-9, nhiều nơi ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ đã có mưa vừa, mưa to cục bộ, như: Phan Dũng (Bình Thuận) 51,2mm, Đắk Xú (Kon Tum) 81,4mm, Thuận Hà (Đắk Nông) 45,2mm, Thạnh Bắc (Tây Ninh) 53,6mm...
Dự báo đêm 23 đến ngày 24-9, các khu vực Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục có mưa dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có thể gây ra tình trạng ngập úng tại vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.