Theo GS Gian Carlo Di Renzo, nguyên nhân gia tăng của đái tháo đường thai kỳ là do sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ cụ thể như: béo phì, lười vận động, dinh dưỡng quá mức hoặc thiếu chất, ô nhiễm môi trường và tuổi mẹ cao.
Việc chẩn đoán được thực hiện thông qua thử nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT), với 75 gram glucose trong một bước duy nhất và các lần xét nghiệm máu định lượng glucose lúc đói, đường huyết sau 1 giờ và 2 giờ sau khi uống glucose.
Xét nghiệm được thực hiện ở phụ nữ mang thai khi thai được 24-28 tuần tuổi. Trong trường hợp có các yếu tố nguy cơ quan trọng như lần mang thai trước bị đái tháo đường thai kỳ hoặc béo phì, thai phụ được xem là có nguy cơ cao được khuyến cáo nên làm xét nghiệm sớm ở tuổi thai 16-18 tuần.
Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ được đưa ra nếu một trong các giá trị sau dương tính: đường huyết lúc đói ≥ 92 mg / dl, đường huyết lúc 1 giờ ≥ 180 mg/dl, đường huyết lúc 2 giờ > 153 mg/dl. Các chỉ số đầu ra của mẹ và thai tương quan trực tiếp với mức độ kiểm soát đường huyết của mẹ, có thể đạt được thông qua tiết chế dinh dưỡng và tập thể dục đầy đủ, hoặc thông qua điều trị Insulin.
“Việc quản lý, điều trị phù hợp và hiệu quả sẽ giúp sản phụ tiếp cận đa chuyên khoa với sự tham gia của bác sĩ sản khoa, bác sĩ chuyên ngành đái tháo đường, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, hộ sinh và bác sĩ đa khoa để được tư vấn điều trị hợp lý hơn, hạn chế những biến chứng xảy ra trong quá trình mang thai cũng như sau sinh”, GS Gian Carlo Di Renzo thông tin.