Nâng chất lượng, thương hiệu chợ đầu mối
TPHCM có 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm lớn (Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức), cung ứng hàng hóa cho tiểu thương chợ lẻ, người dân thành phố cũng như các địa phương lân cận, gồm Bình Dương, Long An… Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (gọi tắt chợ đầu mối Hóc Môn), lượng hàng hóa nhập chợ mỗi đêm khoảng 2.500 tấn, với tổng giá trị tương ứng khoảng 55 tỷ đồng/đêm. Hàng hóa nhập chợ có xuất xứ trong nước chiếm khoảng 95%, hàng Trung Quốc chiếm 4%, còn lại hàng nhập từ các quốc gia khác. Tương tự, đối với chợ đầu mối Bình Điền, lượng hàng về chợ khoảng 2.500 tấn/đêm; trong đó, mặt hàng thủy hải sản giữ vai trò chiến lược với sản lượng trên 1.100 tấn/đêm. Riêng chợ đầu mối Thủ Đức, lượng hàng nhập chợ đạt bình quân gần 3.500 tấn/đêm.
Hiện tại, để đảm bảo quy trình kiểm soát truy xuất nguồn gốc hàng hóa, các chợ đầu mối đều yêu cầu xe nhập chợ phải đăng ký xuống hàng, kê khai lượng hàng nhập chợ và thông tin nguồn gốc hàng hóa. Đối với hàng nhập khẩu phải xuất trình chứng từ vận chuyển, giấy phép hoặc tờ khai nhập khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) hàng hóa… Song song đó, các chợ cũng thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý ATTP TPHCM tổ chức kiểm tra, giám sát, lấy mẫu đánh giá chất lượng hàng hóa vào chợ. Tại chợ đầu mối Thủ Đức, hàng năm ban lãnh đạo đã vận động, hỗ trợ tiểu thương và người phụ việc đăng ký khám sức khỏe định kỳ, thi xác nhận kiến thức ATTP.
Thông tin mới nhất từ ban lãnh đạo 3 chợ trên cho biết, nhiều tiểu thương đã bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân cũng như thương hiệu tập thể chợ. Thông qua thương hiệu, giúp người bán có trách nhiệm với sản phẩm của mình, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng an toàn. Chị Phương An, một tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1) cho biết: “Kiều bào, người thân của mình đặt mua hàng sấy khô gồm trái cây tươi, khô các loại để gửi qua Australia, Mỹ, Canada… đều được mình đặt từ các chợ đầu mối của thành phố. Hàng hóa về chợ đầu mối ngày càng đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, nhãn mác bao bì nên mình cũng yên tâm hơn”. Tuy vậy, lãnh đạo các chợ cũng có chung trăn trở, chính là việc tuyên truyền làm sao để bà con tiểu thương chấp hành tốt, đảm bảo 100% các quy định về ATTP, ghi chép sổ nguồn gốc hàng hóa, tập huấn kiến thức ATTP định kỳ… Vì chỉ cần một vài tiểu thương trong chợ chưa chỉn chu, thiếu trách nhiệm sẽ ảnh hưởng chung đến uy tín, thương hiệu của cả chợ.
Giám sát chặt chẽ các chợ tự phát
Có một thực tế gây phiền toái suốt thời gian qua, chính là tình trạng chợ tự phát “ôm” sát các chợ đầu mối. Ông Nguyễn Tiến Dũng bức xúc phản ánh, hiện nay các điểm kinh doanh tự phát trên các tuyến đường bao quanh chợ ngày càng nhiều, phát triển mạnh, hàng hóa không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Điều này tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng giữa người kinh doanh trong chợ với người kinh doanh ngoài phạm vi chợ đầu mối, khiến bà con tiểu thương tại chợ đầu mối khiếu nại nhiều lần với ban lãnh đạo chợ. Chưa kể tình trạng gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến uy tín chợ đầu mối Hóc Môn. “Đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng hỗ trợ, kiểm tra và giải quyết triệt để các điểm kinh doanh tự phát, không đảm bảo ATTP trên những tuyến đường bao xung quanh chợ đầu mối như đường bao lô K (đường số 4), đường Nguyễn Thị Sóc”, ông Nguyễn Tiến Dũng kiến nghị.
Tương tự, Ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11) cho hay, tình hình mua bán, lấn chiếm xung quanh khu vực chợ gây mất mỹ quan đô thị, không đảm bảo ATTP gây bức xúc trong thương nhân. Theo Ban Quản lý ATTP TPHCM, hiện thành phố có 239 chợ đang hoạt động, trong đó bao gồm 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm. Qua khảo sát, Ban Quản lý ATTP TP nhận thấy, hầu hết các chợ đã được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp, hệ thống xử lý nước thải chưa được trang bị hoặc đã xuống cấp… Thêm nữa, các hoạt động kiểm tra, giám sát của các chợ còn hạn chế vì lý do kinh phí và nhân sự chuyên trách chưa được đào tạo về công tác giám sát ATTP. Các tiểu thương có lập sổ ghi chép nguồn gốc xuất xứ thực phẩm kinh doanh nhưng chưa đầy đủ.
Về vấn đề giám sát chợ tự phát, ông Nguyễn Trần Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 11, cho hay, trong những năm 2017-2020, UBND quận đã chỉ đạo việc xây dựng, sửa chữa điều kiện cơ sở vật chất các chợ trên địa bàn. Ban quản lý vận động đăng ký tham gia cấp mã code TE-Food cho thương nhân theo đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc; truy xuất các thông tin cơ bản về sản phẩm. Đoàn kiểm tra liên ngành quận phối hợp ban quản lý các chợ thực hiện kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm kinh doanh tại các chợ. Từ đầu năm 2020 đến nay, đoàn kiểm tra đã xử phạt 18/66 cơ sở kinh doanh vi phạm tại 3 chợ truyền thống, với tổng số tiền gần 243 triệu đồng. Đối với chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối Bình Điền, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 8, thông tin đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác phối hợp với UBND xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh) về việc kiểm tra, xử lý tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm, bán các mặt hàng nông sản thực phẩm… gần cổng vào chợ Bình Điền, dọc tuyến đường xung quanh chợ.
Mới đây, khi giám sát ATTP tại các chợ trên địa bàn thành phố, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã nhấn mạnh và yêu cầu UBND các quận huyện nên rà soát việc kinh doanh tại các chợ tự phát, bởi đây là vấn đề “nóng” gây mất mỹ quan đô thị, ATTP, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cần rút ngắn thời gian cho ra kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm Theo Sở KH-CN TPHCM, thời gian qua, đơn vị đã hỗ trợ 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm (Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền) về tiêu chí xây dựng hệ thống ATTP. Hiện nay, 3 chợ đầu mối trên đều được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Thêm nữa, Sở KH-CN TPHCM cũng đã hỗ trợ các thương nhân xây dựng thương hiệu riêng. Chẳng hạn, tại chợ đầu mối Hóc Môn có 29 thương nhân đăng ký nhãn hiệu và đã có 12 thương nhân được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, số còn lại đang chờ kết quả thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ. Tương tự, tại chợ đầu mối Thủ Đức cũng có 5/9 thương nhân được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, số còn lại đang chờ kết quả. Song song đó, Sở KH-CN TPHCM đồng hành với Sở Công thương TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, như: “Công nghệ sản xuất bột chiên xù” của Công ty TNHH Vina Foods Kyoei (Nhật Bản); chuyển giao trong nước “Hệ thống lọc bia trong không sử dụng bột trợ lọc công suất 300 HL/H” của Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), góp phần giúp các công ty làm chủ công nghệ… Sở NN-PTNT TPHCM cũng cho hay, đơn vị phối hợp cùng các sở ngành (Sở Công thương TP, Ban Quản lý ATTP TPHCM) thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”; đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” thuộc dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm”; lấy mẫu giám sát dịch tả heo châu Phi tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn; giám sát ATTP tại chợ phiên nông sản… Tuy nhiên, các sở ngành thành phố cũng cho rằng, đang có sự không đồng nhất, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật nên dẫn đến khó khăn cho công tác thực thi. Ví dụ, cùng phân tích một mẫu nước, nhưng nếu lần lượt dùng cho các mục đích khác nhau (dùng trong sinh hoạt, đóng chai bán ra thị trường…) sẽ do các bộ khác nhau quản lý. Chính vì vậy, nhiều mẫu kiểm nghiệm mất thời gian lên tới 2 tuần, không đảm bảo quy trình truy vết nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm. Do đó, các sở ngành đề nghị cần có sự thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng quy về một đầu mối, một bộ ngành nào đó chịu trách nhiệm, để giải quyết công việc nhanh gọn hơn. |