Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển khu phố cổ Chợ Lớn TPHCM

(SGGPO).- Ngày 4-6, Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM đã báo cáo với UBND TPHCM dự án “Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn TPHCM”. Dự án này do Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM

(SGGPO).- Ngày 4-6, Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM đã báo cáo với UBND TPHCM dự án “Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn TPHCM”. Dự án này do Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM  phối hợp với Công ty DCU (Tây Ban Nha) – đơn vị tư vấn thực hiện.

Theo dự án, khu phố cổ Chợ Lớn rộng 68 ha bao gồm các phường thuộc quận 5 và quận 6, được giới hạn bởi các tuyến đường Tản Đà - Nguyễn Trãi - Phù Đổng Thiên Vương - Hồng Bàng - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Phú Hữu - Tháp Mười - Lê Tấn Kế - Phan Văn Khỏe -Phạm Đình Hổ - Bãi Sậy - đại lộ Võ Văn Kiệt.

Trước mắt, dự án cũng chỉ đề xuất nghiên cứu thí điểm trước 3 khu có nhiều tài sản di sản nhất và điển hình của 3 nhóm điều kiện đô thị khác nhau với tổng diện tích gần 14 ha làm điểm nhấn cho toàn bộ không gian khu phố cổ Chợ Lớn.

Cụ thể: Khu vực 1 (4,2 ha) được giới hạn bởi các tuyến đường Tháp Mười - Lê Tấn Kế - kênh Hàng Bàng - Bãi Sậy - kênh Hàng Bàng -Trần Bình. Khu vực 2 (4,6 ha) được giới hạn bởi các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương - Nguyễn Trãi - Lương Nhữ Học - Trần Hưng Đạo. Khu vực 3 (5,2 ha) được giới hạn bởi các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông - Vạn Kiếp - đại lộ Võ Văn Kiệt.

Theo Sở Quy hoạch- Kiến trúc, lý do thực hiện dự án này là vì thực trạng hiện nay của khu phố cổ Chợ Lớn đi bộ rất khó khăn do không gian vỉa hè bị lấn chiếm, thiếu chỗ để xe, thiếu không gian công cộng, diện tích cây xanh chỉ có khoảng 2% trên diện tích toàn khu, đường tại khu vực này được mở rộng quá sát công trình cổ, nhiều công trình xây mới phá vỡ tầng cao dãy nhà cổ…

Ngoài ra, đây còn là khu vực có tiềm năng lớn về du lịch vì có truyền thống đông dược, các lễ hội của người Hoa và nhiều di tích lịch sử kiến trúc… Sở  Quy hoạch- Kiến trúc cho biết, sau khi thực hiện dự án, ngoài việc bảo tồn được các công trình di sản, mang nhiều lợi ích kinh tế cho khu vực này nói riêng và TP nói chung, người dân tại đây còn được hưởng lợi về môi trường sống.

Dự án cũng được các sở-ngành và đơn vị góp ý để hoàn thiện. Trên cơ sở góp ý, UBND TPHCM yêu cầu Sở Quy hoạch- Kiến trúc cần nghiên cứu sâu hơn về dự án theo hướng bảo tồn và phát triển đời sống, không gian, kiến trúc phố cổ trên cơ sở hài hòa và song hành với nhau.


N.NG

Tin cùng chuyên mục