Đảm bảo quyền tiếp cận xã hội của người nghèo

Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng vẫn đang ách tắc. Một trong những lý do mà Bộ Xây dựng đưa ra là còn thiếu nguồn cung nhà ở giá thấp, phù hợp với điều kiện cho vay của gói hỗ trợ. Tuy nhiên, tại hội thảo về nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 12-3 tại Hà Nội, các chuyên gia lại cho rằng vấn đề quan trọng hơn cả đối với nhà ở xã hội hiện nay là phải đặc biệt chú ý đến vấn đề tiếp cận của người nghèo và mức giá rẻ phải được xem xét tổng thể bao gồm cả chi phí liên quan chứ không phải chỉ tính trên giá thành xây dựng.

Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng vẫn đang ách tắc. Một trong những lý do mà Bộ Xây dựng đưa ra là còn thiếu nguồn cung nhà ở giá thấp, phù hợp với điều kiện cho vay của gói hỗ trợ. Tuy nhiên, tại hội thảo về nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 12-3 tại Hà Nội, các chuyên gia lại cho rằng vấn đề quan trọng hơn cả đối với nhà ở xã hội hiện nay là phải đặc biệt chú ý đến vấn đề tiếp cận của người nghèo và mức giá rẻ phải được xem xét tổng thể bao gồm cả chi phí liên quan chứ không phải chỉ tính trên giá thành xây dựng.

Theo ông Abhas Jha, Giám đốc Đô thị, Quản lý rủi ro thiên tai và giao thông khu vực Đông Á Thái Bình Dương của WB, nhiều nước trên thế giới đều gặp một vấn đề giống nhau trong khi nỗ lực cải thiện chỗ ở cho người nghèo. Đó là xây dựng những khu nhà ở mà chỉ đơn thuần là chỗ ở, không tính đến khả năng tiếp cận xã hội của các cư dân tương lai. Bài học kinh nghiệm từ Mỹ, nhà ở ven đô giá rẻ nhưng thực tế chi phí ngầm lại rất cao, trong đó phần lớn chi phí dành cho việc đi lại. Đơn cử, vùng Houston là nơi có giá nhà rẻ nhất nước Mỹ nhưng khi cộng với chi phí giao thông lại trở thành khu vực đắt đỏ nhất.

Tương tự, Chính phủ Mexico đã hỗ trợ xây dựng hàng loạt nhà giá thấp tại vùng ngoại ô nhưng lại quá xa nơi làm việc, giải trí và các dịch vụ xã hội. Những khu vực này thiếu dịch vụ giao thông công cộng khiến thời gian di chuyển kéo dài, chi phí tăng, dẫn đến 600.000 căn nhà bị bỏ hoang và trở thành khu vực tội phạm. Trung Quốc cũng có những khu dành riêng cho người thu nhập thấp với mật độ xây dựng cao nhưng hoàn toàn thiếu tính kết nối. Vì vậy, đảm bảo quyền tiếp cận của người nghèo được coi là một bài học đắt giá đối với các quốc gia đang muốn phát triển loại hình nhà ở xã hội như Việt Nam.

Ông Sameh Naguib Wahba, Giám đốc Ban Phát triển đô thị của WB, cũng chỉ ra những mắt xích còn yếu ở các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, gồm thu nhập trung bình/thu nhập thấp chưa được kiểm chứng; chia nhỏ đất và xây dựng tốn nhiều thời gian và công sức; các tiêu chuẩn quy hoạch và xây dựng quá cao; thị trường hoạt động không bình thường do quyền sở hữu bất động sản yếu, quản lý đất công không hiệu quả và thiếu động cơ quy hoạch lại; thị trường tài chính dành cho nhà ở bị giới hạn...

Theo các chuyên gia WB, giao thông công cộng tại Việt Nam hiện đang có chất lượng quá thấp, các dự án giao thông công cộng đang phát triển đúng hướng nhưng chỉ phát huy được khi mạng lưới tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm tốt để quy hoạch hướng tiếp cận cho các dự án nhà ở giá thấp thông qua các quy định về xây dựng, sử dụng đất. Theo kiến nghị của WB, chính phủ có thể chủ động trong các dự án nhà ở giá thấp mà không cần can thiệp trực tiếp, thông qua việc cải tiến chức năng của thị trường đất đai, tăng khả năng tiếp cận giao thông và quản lý rủi ro; lập kế hoạch cho các dự án nhà ở giá rẻ lồng ghép vào các bản kế hoạch dài hạn và có quy hoạch giao thông công cộng tốt... Đặc biệt, mức giá rẻ phải được xem xét toàn diện bao gồm cả các chi phí liên quan. Bên cạnh đó, nhà ở cho người nghèo phải bảo đảm cho họ dễ dàng tiếp cận việc làm, dịch vụ và các hoạt động giải trí thông qua các mô hình hỗn hợp và sử dụng giao thông công cộng chất lượng cao.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, khiếm khuyết của thị trường bất động sản trong những năm qua là tập trung quá nhiều nhà cho người giàu, mất đi sự tiếp cận cho người nghèo. Bên cạnh việc tiếp thu kinh nghiệm các nước, việc phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam cần tính đến những đặc thù riêng. Đó là người dân chưa sẵn sàng tâm lý thuê nhà ở lâu dài, nhà ở của người dân luôn gắn liền với sinh kế chứ không chỉ đơn thuần là chỗ ở... Cũng có không ít ý kiến cho rằng người nghèo phải đưa đi xa.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Xây dựng là không tách rời người nghèo ra khỏi cộng đồng để đảm bảo công bằng trong việc hưởng lợi từ các tiện ích hạ tầng, gắn liền với công việc cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu xã hội nói chung và cũng để chi phí đi lại của người dân không bị đội lên. Thực tế, Luật Xây dựng vẫn quy định phải dành 20% quỹ đất từ 10ha trở lên để xây nhà ở xã hội, quy định này nhằm tạo ra những khu đô thị hỗn hợp đảm bảo chất lượng cuộc sống cho mọi đối tượng cư dân.

Nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp hiện là 11,28 triệu m², tương đương 282.000 căn. Trong giai đoạn 2013 - 2015, nhu cầu tăng thêm 2,64 triệu m², tương đương 66.000 căn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu tăng thêm 3,36 triệu m², tương đương 84.000 căn. Như vậy, tổng nhu cầu từ nay đến năm 2020 là khoảng 432.000 căn, tương đương khoảng 17,28 triệu m².

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục