Đầm Dơi, mới nghe cái tên người ta tưởng một huyện xa xôi của tỉnh Cà Mau, nhưng thực ra có một địa danh Đầm Dơi ở tại TPHCM mà ít người biết. Đó là Đầm Dơi thuộc xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, nhiều người nói vui là “đầm dơi ở Sài Gòn”. Nơi đây có hàng trăm con dơi quạ, có con nặng cả ký lô. Mùa nóng về Đầm Dơi để tận hưởng không khí mát lạnh thì thật thú vị.
Lá phổi xanh của thành phố
Cái nắng tháng tư của trời Sài Gòn như đổ lửa, nhóm bạn trong cơ quan tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đi trốn nắng. Anh bạn ở Lý Nhơn “hú” về nhà chơi, anh sẽ dẫn đến một nơi ít người biết. Chuyến đi này, chúng tôi không thuê xe, mà đi xe buýt tuyến chợ Bến Thành – Cần Thạnh (Cần Giờ), mỗi người tốn chưa tới 10.000 đồng tiền vé xe.
Từ TPHCM, đến đầu cầu Dần Xây, chúng tôi xuống xe, thuyền du lịch đón chúng tôi tại bến ở ngay đầu cầu. Từ bến thuyền đến Đầm Dơi mất khoảng 30 phút, hai bên là rừng ngập mặn xanh tươi. Gió của sông, của rừng thổi mát rượi. Một người trong đoàn nói vui: “Ở Sài Gòn, “sát nách” trung tâm thành phố có cả một lá phổi khổng lồ là rừng ngập mặn tuyệt vời như thế này mà nhiều người chẳng để ý, cứ khoái đi xa mà đôi khi chẳng có gì hấp dẫn”.
Thuyền cập bến, chúng tôi đi bộ chừng 300m là đến Đầm Dơi. Đầm Dơi nằm trong hệ thống rừng ngập mặn Cần Giờ – nơi được tổ chức UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam”. Không gian Đầm Dơi thật yên tĩnh, khách chỉ nghe tiếng khỉ gọi bầy, tiếng chim hót líu lo, rừng xanh, bầu trời xanh thẳm, gió lồng lộng.
Chiếc xuồng nhỏ đưa chúng tôi lướt nhẹ trên đầm. Đầm có những khoảng rừng nằm xen kẽ, tạo ra hệ sinh thái đầm – rừng độc đáo. Cũng chính nét đặc biệt này mà Đầm Dơi đã thu hút hàng trăm con dơi quạ về đây sinh sống.
Ngắm dơi, bắt cá...
Từ trên xuồng, du khách tha hồ xem những con dơi quạ treo mình lủng lẳng, thoạt nhìn giống như những túi vải màu đen pha lẫn chút màu vàng treo lên ngọn cây. Dơi ở đây là loại dơi quạ, còn gọi là dơi nghệ, sống tự nhiên. Sải cánh của chúng rộng từ 0,8 – 1m.
Điều thú vị nữa là rừng ở khu vực Đầm Dơi (chủ yếu là đước) được trồng vào giai đoạn đầu năm 1979 trong công cuộc tái thiết sự hồi sinh cho rừng ngập mặn Cần Giờ nên hiện có rất nhiều cây lớn. Cách Đầm Dơi không xa là những đìa tôm, cá sinh sống tự nhiên, ngư dân gọi là “cá, tôm, cua sinh thái” để phân biệt với tôm, cá nuôi.
Trong một năm chỉ có từ 2 – 3 lần ngư dân ở đây tổ chức tát đìa bắt cá. Mỗi lần bắt được cả tấn cá, trong đó có nhiều con cá chẻm lớn, nặng cả chục ký lô. Tát cá xong, ngư dân xả nước vào đìa, cá tôm ngoài sông theo vào đìa.
Cửa đìa bằng lưới để nước trong đìa theo thủy triều lên xuống nhưng cá tôm trong đìa không thoát ra được. Nếu du khách về đây trúng vào mùa tát đìa, ngoài cái thú ngắm dơi sẽ có dịp tham gia bắt cá.
MAI ANH