Bí thư Đoàn 8X

Đam mê và năng động

Họ ngẫu nhiên đến với Đoàn nhưng gắn bó, rồi trở thành “thủ lĩnh” thanh niên ở tuổi rất trẻ. Bất chấp nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, tình yêu cho một lý tưởng và cống hiến cho cộng đồng như ngọn lửa âm ỉ cháy trong trái tim những người trẻ này.
Đam mê và năng động

Họ ngẫu nhiên đến với Đoàn nhưng gắn bó, rồi trở thành “thủ lĩnh” thanh niên ở tuổi rất trẻ. Bất chấp nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, tình yêu cho một lý tưởng và cống hiến cho cộng đồng như ngọn lửa âm ỉ cháy trong trái tim những người trẻ này.

Phan Kiều Thanh Hương (1981, Bí thư Đoàn phường 11 - quận 8)
“Con đường giúp tôi tự khẳng định”

Đam mê và năng động ảnh 1

Đúng 11 giờ trưa, gác qua đống công việc bề bộn ở Đoàn phường, Phan Kiều Thanh Hương lại xách cà-mèn đến chùa Lâm Quang xin cơm về cho 10 cụ già neo đơn và mất sức lao động trong phường. Niềm vui dâng lên trong lòng Hương và những bạn trẻ khi nhận được mẩu giấy của một cụ để trong cà-mèn với dòng chữ: “Cám ơn các con. Cơm ngon lắm!”.

Hương tự nhận công tác Đoàn là “duyên phận” của cô. Vốn là nữ sinh khá nhút nhát nhưng sau khi tốt nghiệp, từ lúc chuyển sinh hoạt Đoàn về Đoàn phường 11, cuộc đời cô bạn trẻ này bắt đầu thay đổi. Năm 2000, Hương tiếp nhận chức vụ Bí thư Chi đoàn khu phố 2 (KP2 - nơi Hương ở), một chi đoàn yếu. Ngoài thời gian học khoa Sinh - Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, Hương trăn trở làm sao để vực dậy Chi đoàn KP2. Thời gian đó, nhiều thanh niên ở KP2 bỗng nhận được thư mời dự xem kịch phòng chống ma túy, các chương trình ca nhạc ở khu phố và sinh hoạt hàng tuần ở Chi đoàn KP2.

Dần dà, người dân KP2 biết đến Chi hội thanh niên của Hương qua các hoạt động xã hội như: thu gom ve chai gây quỹ hoạt động Đoàn, hỗ trợ mua dụng cụ học tập cho thanh thiếu niên khó khăn… Sau 4 tháng, số thanh thiếu niên gia nhập Chi đoàn KP2 từ 18 người ban đầu lên tới 38 đoàn viên. Năm 2001, Hương được đề cử vào chức Bí thư Đoàn phường 11 và cô lên hàng loạt kế hoạch hoạt động cho thanh niên.

Cứ đến cuối tuần, các bạn trẻ cùng nhau quét dọn ngõ hẻm, kênh mương, thu gom ống chích, kim tiêm và rác thải. Sự nhiệt tình của họ trong những ngày “Chủ nhật xanh” đã lan sang người dân, thế là mọi người xắn tay áo cùng phụ dọn dẹp. Để gây quỹ hoạt động Đoàn, Hương và các đoàn viên dàn dựng kịch, chương trình văn nghệ có bán vé. Số tiền thu được đủ để Đoàn phường sắm 3 máy tính giúp 50 thanh niên phổ cập tin học.

Chứng kiến những đợt sinh hoạt tập thể, hoạt động văn hóa lành mạnh của Đoàn phường, nhiều phụ huynh khuyến khích con em gia nhập Đoàn. Niềm vui của Hương tăng lên khi cô thuyết phục được nhiều thanh thiếu niên hư hỏng, quậy phá trong phường vào “Nhóm bạn cùng tiến”, “Đôi bạn thân tình”.

Được khen tặng danh hiệu Bí thư giỏi cấp thành phố nhiều năm, cấp miền Đông Nam Bộ 2003 và cấp toàn quốc năm 2006, Hương bảo phần thưởng ấy sẽ không thuộc về mình nếu không có tập thể đoàn viên hỗ trợ cô trong công việc. Đeo đuổi công tác Đoàn đến mức không chọn công việc khác sau khi tốt nghiệp đại học, Hương nói không hối tiếc “bởi vì đây là con đường tôi được khẳng định mình, Đoàn đã giúp tôi học cách dám làm và dám chấp nhận”.

Trần Hồng Nhân (1981, Bí thư Đoàn phường 5 - quận 5)
“Đã chọn thì không thể bỏ”

Đam mê và năng động ảnh 2

Cách đây 3 năm, khi Trần Hồng Nhân đề xuất chương trình “Nhà sử học trẻ tuổi”, ý nghĩa của chương trình đã khiến nhiều phụ huynh ở phường 5 đồng ý ủng hộ kinh phí thực hiện. Kết hợp với sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tại phường, Nhân và các sinh viên xây dựng hội thi về lịch sử Việt Nam, trong đó có lịch sử Đoàn - Đội.

Cuộc thi diễn ra như một game show thường thấy trên tivi, nội dung được tích hợp dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm và được thể hiện bằng phần mềm sinh động phóng lớn lên màn hình. Cuộc thi thu hút hơn 200 thanh thiếu niên trong phường tham gia, tiếng vang của nó lan sang nhiều phường và quận khác đến nỗi họ bê nguyên xi chương trình về tổ chức tại địa phương mình.

Phường 5 có đặc điểm là thanh niên Hoa thì không biết tiếng Việt còn thanh niên Việt thì đa số thất học, làm khuân vác ở chợ cá. Vì vậy, chuyện tập hợp các đối tượng này cũng lắm nhiêu khê. Nhân kiên trì kết nối họ bằng hội thao bóng đá, lập câu lạc bộ dạy tiếng Việt - Hoa, mở chương trình việc làm lâu dài và thời vụ như giao nước ngọt, bán hoa ngày lễ, Tết… Trong số này, Nhân đã giới thiệu hai thanh niên vốn lang thang không nghề nghiệp có công việc giữ xe ổn định và trở thành hai cán bộ Đoàn đắc lực. Bốn kỳ cắm trại hàng năm mà Nhân tổ chức luôn thu hút hơn 100 thanh niên trong phường đăng ký.

Làm công tác Đoàn nhưng sống bằng thu nhập của một hướng dẫn viên du lịch, nghịch lý đó được Nhân giải thích rằng: “Cái mình đã chọn rồi thì không thể bỏ được. Tôi chọn công tác Đoàn vì ấn tượng từ lần đến nhà một người bạn chơi, ba bạn ấy la con trai ham chơi và ông nói rằng thế hệ trẻ của ông ngày xưa sống có lý tưởng hơn nhiều. Câu nói đó của ông khiến tôi suy nghĩ và là nguồn khích lệ để tôi mạnh dạn gia nhập Đoàn”.

Châu Kiến Quang (1980, Bí thư Đoàn phường 7 - quận 11)
“Nhờ Đoàn, tôi trưởng thành hơn”

Đam mê và năng động ảnh 3

Có một chuyện buồn cười về cái “tội” mê Đoàn của Quang. Cách đây 4 năm, anh dắt thiếu nhi phường 7 đi sinh hoạt hè và chơi vui đến mức quên cả chuyện sắp đến giờ thi đại học. Thế là Quang bỏ thi, mê mải với công tác Đoàn cho đến nay dù gia đình không hài lòng vì cho rằng anh đang “ăn cơm nhà, lo chuyện thiên hạ”. Bạn bè đoàn viên của Quang nhiều hơn bạn học. Quang tham gia sinh hoạt Đoàn ở phường 7 từ năm lớp 9 vì theo Quang, hoạt động ở phường vui và phong phú hơn ở trường.

Năm học lớp 12, Quang được giao phụ trách khối thiếu nhi. “Dụ” thiếu nhi sinh hoạt hè cũng không phải dễ, Quang phải “căng” đầu nghĩ cho ra những trò chơi mới lạ và đổi mới chương trình sinh hoạt liên tục vì “nếu không, tụi nhỏ sẽ chán”. Các chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của Quang liên tục có tiết mục mới, đặc biệt chương trình “Nhật ký tuổi thơ” gây nhiều thích thú cho thiếu nhi.

Riêng “Công trình măng non” được đông đảo học sinh trong phường hưởng ứng, hàng tuần các em tự động đi gom ve chai, sách báo cũ bán lấy tiền gây quỹ học bổng cho trẻ em nghèo. Một thời, bà con trong phường khá bực mình với nhiều thiếu niên hay chọi gạch đá vào nhà, bấm chuông lúc nửa đêm, ăn cắp đồ cúng trước nhà dân… Vậy là Quang tìm cách tiếp cận những “thủ lĩnh nhí”, đưa các em vào sinh hoạt chung với nhóm thiếu nhi, nhờ đó hầu hết những em này chịu sửa tính, tham gia công tác Đoàn cho đến nay.

Lực lượng đoàn viên của phường 7 bây giờ ổn định với 159 bạn với phương châm “Đâu cần thanh niên có”, minh chứng bằng hoạt động ra quân dọn sạch kênh Tân Hóa - Lò Gốm một thời ô nhiễm. Những việc làm của Quang khiến người dân trong phường thêm tin yêu, ba mẹ Quang không ép anh theo nghề kinh doanh truyền thống của gia đình nữa và ông bà rất tự hào về con trai mình. Quang thổ lộ: “Nhờ Đoàn, mình trưởng thành hơn, kinh nghiệm cuộc sống tăng lên khi va chạm thực tế. Thú thật, lúc đầu tôi nghĩ mình tham gia Đoàn như cuộc dạo chơi nhưng rồi lại thích vì tôi được làm nhiều việc có ích cho thanh niên”.

HỒNG LOAN

Tin cùng chuyên mục