Dân bức xúc – chính quyền tâm tư – đại biểu Quốc hội sốt ruột!

Đó là đúc kết của đại biểu Quốc hội Trương Hòa Bình tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 7 vừa qua. Theo ông, những vấn đề người dân nói không phải mới nghe lần đầu, như dự án khu nhà ở Kim Sơn phường Tân Phong quận 7 chính sách đền bù giải tỏa tái định cư; quy hoạch treo dự án treo…

Chính cử tri - những người phát biểu - cũng thừa nhận đây không phải là vấn đề mới, nhưng không nói thì ức làm sao chịu được. Điều đáng nói là những điều bức xúc này không phải chỉ có ở một địa phương mà hầu hết ở các tổ đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc đều gặp. Chính quyền địa phương có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri cũng than vắn, thở dài, thậm chí có một Phó chủ tịch quận phụ trách đô thị nói thẳng “chính quyền của dân mà nhiều lúc dân xem tôi như … kẻ thù”.

Vì sao như thế? Chính quyền thì phải làm theo luật, theo sự chỉ đạo của cấp trên, có nhiều dự án tuy nằm trên địa bàn quận nhưng lại thuộc thẩm quyền TP hoặc Trung ương. Do vậy khi người dân không bằng lòng, khiếu nại, thì phải chuyển lên để cấp trên trả lời. Mà thời gian nhận được sự phản hồi đâu phải ngắn, thế là người dân nói “dưới ém đơn”. Rồi nữa, trên quyết sao thì bên dưới phải làm vậy, nếu mà làm “lách luật”, làm theo sự đòi hỏi của dân thì sau này có thể bị khép vào tội “cầm đèn chạy trước ô tô”. Một cán bộ quận cũng không ngần ngại cho biết: “Giải quyết vấn đề theo ý dân không khó, chỉ cần một chữ ký là xong, nhưng sau đó bị kỷ luật ngay, nếu ai liều thì cứ làm”.

Dân đòi mà chính quyền địa phương giải quyết không xong, hoặc giải quyết không vừa ý nên cứ hết lần tiếp xúc này đến lần tiếp xúc khác cũng bao nhiêu câu chuyện đó, sự việc đó cứ lặp đi lặp lại. Hệ quả là người dân không thể đóng góp, hiến kế được nhiều cho cơ quan quyền lực cao nhất cả nước. Trong khi đó đại biểu Quốc hội thì lại sốt ruột vì muốn nghe thêm nhiều ý kiến mới hơn chứ không phải  chỉ là những chuyện cũ nói lại.

TRẦN TOÀN 

Tin cùng chuyên mục