Đàn én mới đất Chín Rồng

Lần đầu tiên, ngay trên đất đồng bằng, xuất hiện một lớp trí thức mới, nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa dân tộc Khmer. Một sự kiện chưa từng có, trên cả dải đất chữ S này, kể từ khi đất nước thống nhất.
Đàn én mới đất Chín Rồng

Lần đầu tiên, ngay trên đất đồng bằng, xuất hiện một lớp trí thức mới, nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa dân tộc Khmer. Một sự kiện chưa từng có, trên cả dải đất chữ S này, kể từ khi đất nước thống nhất.

1. Ngày 31-5-2014 là một ngày không bao giờ quên đối với Đại đức Danh Út, Chánh văn phòng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, trụ trì chùa Thôn Dôn (TP Rạch Giá). “Đó là ngày tôi bảo vệ luận văn Thạc sĩ ngành Văn hóa học, chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam bộ tại Trường Đại học Trà Vinh”, đại đức chia sẻ.

Luận văn “Biến đổi trong đời sống văn hóa của Tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Kiên Giang” của Đại đức Danh Út đã góp phần làm rõ hơn thực trạng đời sống văn hóa, chỉ ra nguyên nhân gây biến đổi trong đời sống văn hóa của tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer từ sau năm 1986, là mốc thời gian đất nước ta bắt đầu đổi mới toàn diện đến nay; quan hệ tương tác giữa cuộc sống phật tử Nam tông Khmer với các tôn giáo bạn (nhất là hệ phái Bắc tông và Khất sĩ), các tổ chức đoàn thể quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước.

Xuất thân từ một gia đình Khmer nghèo, mồ côi cha từ 1 tháng tuổi, ông cảm nhận rất rõ cái chữ sẽ thay đổi cuộc đời. “Học là con đường thoát nghèo bền vững nhất. Có trình độ mới đóng góp cho đạo, cho đời nhiều hơn”, tâm niệm đó đeo đuổi tâm trí Đại đức Danh Út. Sau khi xong đại học chuyên ngành xã hội và nhân văn tại Cần Thơ, ông học tiếp lên cao học. “Dù sau đại học, đòi hỏi học viên không chỉ có cố gắng, nỗ lực mà còn phải không ngừng sáng tạo, dấn thân, tự học, tự nghiên cứu để tiếp cận các kiến thức chuyên sâu của chuyên ngành”, Đại đức Danh Út cởi mở. Ngày nhận bằng thạc sĩ (11-1-2015), ông đưa người mẹ già 73 tuổi đến tận trường. “Bà nói chẳng biết thạc sĩ là gì nhưng muốn chứng kiến phút giây giấc mơ người con kiên trì theo đuổi đã thành hiện thực. Trên đường về, bà không nói gì nhưng tôi biết bà xúc động lắm”, đại đức nhớ lại.

Đại đức Danh Út là người Khmer đầu tiên đỗ thạc sĩ chuyên ngành văn hóa Khmer Nam bộ của Kiên Giang; là chuyện “xưa nay hiếm”, gây xôn xao cả cộng đồng. “Đó là dấu ấn cuộc đời tôi. Bên cạnh nỗ lực của cá nhân và gia đình còn có sự động viên khuyến khích, hỗ trợ của giáo hội và rất nhiều người. Mỗi năm, tôi học thạc sĩ, chính quyền hỗ trợ 12 triệu đồng”.

Ngay sau khi nhận bằng thạc sĩ, ông lại tiếp tục, trở thành 1 trong 10 nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam bộ khóa I (2014 - 2017) để “nhằm nâng cao trình độ hơn nữa để sau này phục vụ Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cũng như xã hội”, Đại đức Danh Út tâm sự.

Tiết mục biểu diễn đua ghe ngo của đồng bào Khmer.

2. Đại đức Danh Út nằm trong số 41 tân thạc sĩ khóa I (2012 - 2014), khóa đào tạo cao học đầu tiên chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam bộ tại Đại học Trà Vinh. Lần đầu tiên, hàng chục cán bộ quản lý, giáo viên, sinh viên, các nhà hoạt động tôn giáo... được đào tạo nâng cao một cách chính quy và tốt nghiệp thạc sĩ ngay trên đất đồng bằng. Đặc biệt, gần một nửa học viên là người dân tộc Khmer.

“Mỗi anh em trong lớp đều có một đề tài chuyên sâu về văn hóa Khmer. Điều này rất có ý nghĩa bởi ĐBSCL có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống. Đó là nền tảng rất tốt để chúng tôi áp dụng vào thực tiễn”, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long - Phan Văn Giàu nhận xét. Rất nhiều nét đẹp, vốn quý của văn hóa Khmer Nam bộ đã được các học viên “khai thác, đào xới” sâu hơn, cách tiếp cận mới hơn cùng những đề xuất mang tính khoa học, thực tế cao. Nghệ thuật múa cổ điển trên sân khấu Rô băm Khmer Nam bộ ở Sóc Trăng (của học viên Lâm Vĩnh Phương); dân ca trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer Trà Vinh (Nguyễn Thị Trúc Phương); Nghệ thuật sân khấu dù kê tỉnh Trà Vinh (Trần Thanh Tâm); Bùa ngải của người Khmer Nam bộ (Võ Thanh Tuấn); Phong tục đi tu trong văn hóa Khmer (Danh Nâng); Văn hóa nông nghiệp qua tục ngữ Khmer Nam bộ (Lê Thị Diễm Phúc)... Những luận văn đó đều được hội đồng đánh giá cao, có ý nghĩa khoa học, không chỉ đóng góp vào kho học liệu chuyên ngành Văn hóa Khmer Nam bộ mà còn góp phần tích cực vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer. Và từ đây, những cánh én đầu mùa này lại tỏa khắp đồng bằng, làm thăng hoa sâu bền hơn, quyện chặt hơn một nền văn hóa đậm sắc màu phương Nam với văn hóa dân tộc.

“Trường Đại học Trà Vinh là trường đại học công lập duy nhất tại Việt Nam đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam bộ. Nhà trường được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực về ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer; cung cấp đội ngũ trí thức, nhà khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, gìn giữ, phát triển văn hóa xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở Nam bộ. Bộ GD-ĐT cũng giao cho nhà trường soạn bộ từ điển Việt - Khmer, dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành”, bà Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, chia sẻ.

3. Vùng Tây Nam bộ có khoảng 1,4 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer đông nhất, với gần 1,3 triệu người cùng một nền văn hóa truyền thống đặc sắc và phong phú. Ngôi chùa, sư sãi, phật pháp là “ba viên ngọc quý” tỏa sáng của bà con Khmer Nam bộ, tạo nên hình ảnh làng quê và không gian văn hóa đặc thù, góp phần tạo ra một sắc màu văn hóa “thống nhất trong đa dạng” của cả nước, vô cùng quyến rũ.

40 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng sự nhất quán trong chủ trương chính sách đối với đồng bào dân tộc, trong đó có bà con Khmer vẫn xuyên suốt, thấm đậm, lan tỏa. Cùng với đổi thay kinh tế là những dấu ấn về giáo dục đào tạo. “Chưa bao giờ tiếng dân tộc được đề cao, tôn trọng như vậy”, các vị sư sãi, cao niên dân tộc Khmer nhận xét. Con em người dân tộc Khmer đến trường đạt hơn 90%. Các em học tại chùa, các trường dân tộc nội trú (cấp tỉnh, huyện). Năm học 2014 - 2015, có 6/13 tỉnh của vùng có đăng ký chỉ tiêu cử tuyển. Số lượng chỉ tiêu học sinh các dân tộc của vùng được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là 413 chỉ tiêu (393 đại học, 20 cao đẳng). “Nhà nước hỗ trợ cho sinh viên vay vốn, nhà trường ưu tiên giảm tiền trọ ký túc xá. Riêng sinh viên ngành biểu diễn nghệ thuật được miễn học phí và hỗ trợ thêm 450.000 đồng/tháng”, một giáo viên cho biết.

Đã có sự “trỗi dậy” rất lớn về nhận thức cũng như trình độ dân trí trong cộng đồng người Khmer Nam bộ. Tại Trà Vinh, nơi có đến hơn 30% dân số là người dân tộc Khmer, đến nay, việc học của bà con đã ngang bằng, thậm chí một số tiêu chí của bà con đã cao hơn so với cộng đồng trong khu vực. Năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh có 61.895 học sinh người Khmer, chiếm 31,85% số học sinh toàn tỉnh, cao hơn so với tỷ lệ dân số. Hàng năm có có hơn 90% số học sinh tốt nghiệp phổ thông vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Ngay ngôi chùa Thôn Dôn hẻo lánh của Đại đức Danh Út đã có 1 vị sư là thạc sĩ, 15 vị tốt nghiệp đại học, 25 vị tốt nghiệp cao đẳng, 32 vị tốt nghiệp trung cấp nghề.

Thượng tọa Lý Hùng, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ phân tích: Đất nước ta đang trên đà tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa và người dân Khmer Nam bộ cũng không nằm ngoài bước chuyển đó. Đảng - Nhà nước nhất quán chính sách nâng cao dân trí cho toàn dân và quan tâm ưu đãi cho con em dân tộc Khmer nên xu hướng học tập ngày càng phát triển, mở rộng.

“Muốn bảo tồn hiệu quả, bền vững văn hóa đồng bào các dân tộc cần có nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Cái khó nhất là nhân lực. Không có nghệ nhân nào tốt nghiệp trường đại học, nên việc giảng dạy mang tính truyền nghề, theo kinh nghiệm, thiếu tính khoa học”, nhà nghiên cứu nghệ thuật Khmer Nam bộ Sang Sết, nói. Sự ra đời của Trường Đại học Trà Vinh cùng các ngành học liên quan lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật Khmer Nam bộ là một thuận lợi quan trọng góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ trí thức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật Khmer Nam bộ trình độ cao.

Nhiều vấn đề bức thiết sẽ được nghiên cứu sâu hơn, khoa học, bài bản hơn: Sự giao thoa ngôn ngữ, tiếng nói Khmer trong cộng đồng dân tộc anh em. Nghệ thuật sân khấu cổ truyền du kê, Rô băm; hát A day, Chầm riêng Chà pây; các điệu múa Răm vông, Lâm lêl, Saravan; các lễ hội cổ truyền Chôl Chnam Thmây, Sene Đôlta và Ok Om Bok; nghệ thuật điêu khắc, hội họa ở các ngôi chùa Khmer… được trao truyền như thế nào để hiệu quả? Giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer Nam bộ ra sao trong tiến trình tiếp biến, hội nhập văn hóa? Bổ sung kịp thời đội ngũ người dân tộc Khmer làm công tác văn hóa, biên tập, biên dịch, văn nghệ sĩ, nhà báo nhà văn…

Một hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, sau đại học đa dạng về loại hình, chuyên sâu về lĩnh vực cho bà con dân tộc Khmer đã hình thành, phát huy hiệu quả ngay trên đất Chín Rồng. Đó là dấu son, là thành tựu của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng trong 40 năm qua. Sẽ có thêm nhiều lớp trí thức mới người dân tộc Khmer, đủ trình độ và bản lĩnh trước thách thức hội nhập văn hóa toàn cầu. Sẽ có thêm rất nhiều Danh Út, Danh Nâng, Danh Mến…

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục