Người dân thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) phải khốn khổ sống trong cảnh ô nhiễm bủa vây. Một thôn bị 3 nhà máy gây ô nhiễm ngày đêm, khiến người dân đứng ngồi không yên. Quá bức xúc, các tổ đoàn kết cùng nhau ký đơn kêu cứu từ xã đến tỉnh…
Sống chung với ô nhiễm
Đã hơn 10 năm qua, hàng trăm hộ dân thôn Hòa Mỹ khốn khổ sống chung với ô nhiễm do Nhà máy gạch Tuynel Chu Lai, Trạm bê tông Chu Lai và Trạm than Chu Lai (thuộc Công ty Than miền Trung) thải ra. Các nhà máy này hoạt động liền kề trong khu dân cư, mỗi nhà máy ô nhiễm mỗi kiểu đến mức nghẹt thở. Không chịu nổi ô nhiễm, người dân phản ứng dữ dội, nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Tổ trưởng Tổ dân cư số 1, thôn Hòa Mỹ nằm ngay ngã ba đường dẫn Trạm than Chu Lai. Ngôi nhà cấp 4 đồng thời là quán tạp hóa bị bụi phủ đen khắp nơi. Bà than thở: “Bụi than phủ khắp nơi, bay dính trên chén, đĩa, xoong nồi. Đồ đạc phơi xong bụi phủ đặc kín. Cả làng này, nhà nào có con nít cũng bị viêm họng, viêm mũi, viêm da. Nhà tôi có cháu nhỏ thì phải đi ở nơi khác, không dám về đây vì ô nhiễm. Nước thải của trạm thải ra cũng khủng khiếp, đen cả một vùng, chảy xuống đến xóm dưới, đào đất xuống mấy tấc cũng còn đen vì nước chảy ra tích tụ lại thấm xuống lòng đất. Nói chung, chúng tôi ô nhiễm toàn bộ, từ gạch, bê tông đến than”.
Trong khi đó, Nhà máy gạch Tuynel Chu Lai, Trạm Bê tông Chu Lai cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Xe chở đất vào nhà máy rơi vãi xuống đường, bụi bay mù mịt. Bà Châu Thị Xê năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày đều đặn 4 lần kéo nước ra để tưới đường cho đỡ bụi mới ngủ được. Theo bà Xê, vào những ngày nắng, khói bụi phủ cả thôn đến thở không nổi. Mùa mưa thì đường bùn nhão nhoẹt do xe tải ra vào các nhà máy này gây nên.
Quá sức của huyện!
Ông Võ Văn Thạnh, Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa, cho biết nơi Nhà máy Tuynel Chu Lai, Trạm bê tông Chu Lai và Trạm than Chu Lai nằm giữa khu dân cư thôn Hòa Mỹ với hơn 100 hộ dân sinh sống. Các nhà máy chỉ cách nhà dân một bức tường rào. Trong các buổi đối thoại với người dân địa phương, đại diện lãnh đạo 3 nhà máy này đã hứa sẽ khắc phục nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Núi Thành về kiểm tra, giải quyết kiến nghị của nhân dân thôn Hòa Mỹ chủ yếu “nhắc nhở” qua loa khiến người dân càng thêm bất bình. UBND xã đã có văn bản đề nghị các cơ quan cấp trên nghiên cứu di dời các nhà máy này ra khỏi địa bàn khu dân cư để không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân…
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trương Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết đây không phải là lần đầu tiên người dân thôn Hòa Mỹ, xã Tam Nghĩa gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền. Không ít lần người dân chặn xe doanh nghiệp, đề nghị di dời cả 3 nhà máy ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng, theo ông Trung, cái khó của địa phương hiện nay là đã cho doanh nghiệp thuê đất đến 50 năm, trong khi họ mới hoạt động từ năm 2004 đến nay. Nếu di dời nhà máy thì phải bố trí đất phù hợp, hỗ trợ di dời và điều này vượt khả năng của huyện. Còn việc đề nghị đóng cửa các nhà máy cũng khó, vì kết quả quan trắc môi trường đều chưa vượt ngưỡng cho phép.
“Khi quan trắc môi trường, các chỉ số nằm trong phạm vi cho phép. Về giải pháp lâu dài thì một là dời dân, hai là dời nhà máy. Việc này quá sức của huyện. Hiện nay, huyện và tỉnh đang giải phóng thêm mặt bằng Khu công nghiệp Nam Chu Lai. Muốn di dời nhà máy thì ba, bốn bên phải ngồi lại. Và chưa biết khi nào mới thực hiện được”, ông Trung cho biết.
Theo nội dung trong đơn kêu cứu của người dân gửi các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam, các nhà máy này nằm giữa khu dân cư, mật độ xe tải phục vụ cho 3 nhà máy này rất đông, khiến môi trường ô nhiễm nặng, đường sá hư hỏng, đời sống người dân bị đảo lộn. Nhất là 3 nhà máy này nằm sát trường tiểu học nên ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của thầy và trò nơi đây. Người dân cũng yêu cầu chính quyền hoặc là cho di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư, hoặc di dời người dân ra khỏi khu vực này.