Dân “khát” nước sạch và lo sạt lở đất

Nước bị nhiễm phèn
Dân “khát” nước sạch và lo sạt lở đất

Mặc dù đến nay đã khôi phục được sản xuất, ổn định cuộc sống sau đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, nhưng người dân ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là tình trạng “khát” nguồn nước sạch sinh hoạt do bị nhiễm bẩn, nhiễm phèn; trong lúc đó nhiều công trình cấp nước sạch bị hư hỏng, ngưng vận hành rồi bỏ hoang và nhiều diện tích đất đai, cây cối, vườn tược dọc bờ sông Ngàn Sâu bị sạt lở tiếp tục đe dọa đến sản xuất, đi lại.

Tình trạng sập, sạt lở đất bên sông Ngàn Sâu đe dọa nguy cơ mất an toàn cho cầu treo dân sinh xã Hà Linh

Nước bị nhiễm phèn

Gần 2 tháng trôi qua, dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực cấp hóa chất và cử cán bộ, phương tiện trực tiếp xuống phối hợp với các địa phương vùng “rốn lũ” ở huyện Hương Khê để hướng dẫn người dân xử lý, khử trùng, lọc nguồn nước... Tuy nhiên, đến nay chất lượng nguồn nước sạch vẫn chưa đảm bảo vệ sinh an toàn tuyệt đối. Chị Nguyễn Thị Thanh (ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê) cho biết: “Xã Lộc Yên nằm ở vùng thấp trũng bên sông Ngàn Sâu nên các đợt lũ lụt vừa qua khiến hầu hết giếng nước sinh hoạt của người dân bị ngập sâu. Lũ rút, nước giếng bị nhiễm bùn, nhiễm phèn nặng. Các đơn vị y tế đã về hỗ trợ xử lý lọc nước nhưng vẫn còn mùi tanh không sử dụng được. Hàng ngày, gia đình phải dùng can nhựa loại 20 lít sang nhà dân ở vùng cao không bị ngập lũ để xin nước về nhà sử dụng”.

Tương tự, chị Trần Thị Hồng (ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê) cho biết: “Gia đình có một giếng khoan sâu khoảng 15-20m, nhưng do nằm sát sông Ngàn Sâu nên trong lũ bị ngập sâu và nhiễm bẩn, nhiễm phèn nặng. Sau lũ, đã xử lý lọc khử trùng nhưng nước giếng vẫn có màu đục và mùi tanh, lo sợ không đảm bảo vệ sinh nên gia đình chỉ sử dụng vào việc tắm rửa, giặt quần áo, chứ không dám dùng ăn uống mà phải sử dụng nước mưa và nước đi xin…”.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân (Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê): “Toàn xã hiện có hàng trăm giếng khoan và giếng đào đang bị nhiễm bẩn, nhiễm phèn rất nặng nên nguồn nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Do nguồn ngân sách của xã eo hẹp, nên xã cũng chỉ biết kiến nghị huyện và cơ quan chức năng kêu gọi tài trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch quy mô, có hệ thống xử lý lọc nước, đảm bảo vệ sinh để phục vụ cho người dân...”.

Thống kê của huyện Hương Khê, các đợt lũ lụt vừa qua, toàn huyện có 18/22 xã, thị trấn bị cô lập, 10.382 giếng nước, 12.964 công trình vệ sinh bị ngập lũ, nhiễm bẩn… thiệt hại tài sản khoảng 450 tỷ đồng. Hơn 10.000 hộ dân phải sử dụng nước giếng nhiễm bẩn, nhiễm phèn để sinh hoạt. Bên cạnh đó, nhiều công trình cấp nước sạch tập trung tại xã Gia Phố, Hương Trạch, Hương Liên… cũng bị hư hỏng nặng, máy móc, thiết bị xuống cấp, nhiều tuyến đường ống vỡ nhưng đến nay vẫn chưa được nâng cấp, sửa chữa do thiếu nguồn kinh phí.

Lo ngại đất lở

Không chỉ thiếu nước sạch, mà dọc bờ sông Ngàn Sâu qua nhiều địa bàn huyện Hương Khê cũng đã và đang xảy ra tình trạng sập, sạt lở đất sản xuất nghiêm trọng. Đứng trên cầu treo dân sinh, chị Nguyễn Thị Thành (40 tuổi, ở xóm 11, xã Hà Linh) lo lắng: “Sau lũ, nhiều mét khối đất sản xuất, cây cối kéo dài hàng trăm mét dọc bờ sông Ngàn Sâu bị cuốn sập, sạt lở nghiêm trọng. Trồng bao nhiêu cây cối, đan hàng lớp phên tre kè chắn nhưng không có hiệu quả. Sắp tới, nếu không có phương án khả thi để bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn lại thì nước sông cũng sẽ cuốn sập hết và trực tiếp đe dọa đến vườn tược, nhà ở của người dân…”.

Ông Lê Xuân Phú, Chủ tịch UBND xã Hà Linh, cho biết tình trạng sập, sạt lở đất dọc sông Ngàn Sâu đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 40 hộ dân các thôn 4, 5, 8… Đặc biệt, đoạn gần chân cầu treo dân sinh và tuyến huyện lộ 10 đất đã bị sập, sạt lở ăn vào sâu khoảng 6m rất nguy hiểm. Ngoài ra, hàng chục hécta đất sản xuất nông nghiệp, bụi tre bảo vệ xóm làng của 120 hộ dân cũng bị sạt lở không thể phục hồi. Hiện xã đã làm tờ trình gửi UBND huyện Hương Khê đề nghị khẩn trương đầu tư kinh phí xây dựng, khắc phục lại cầu treo dân sinh, đường sản xuất bị sạt lở, tuyến bờ kè chống sạt lở ở một số địa điểm xung yếu… Do xã không có kinh phí nên trước mắt vận động người dân trồng các bụi tre dọc bờ sông để hạn chế sạt lở. Tương tự, hàng ngàn mét khối đất sản xuất nông nghiệp, cây cối các loại, đường giao thông kéo dài hàng chục kilômét ở xã Lộc Yên, Hương Trạch, Hương Thủy, Phương Mỹ… cũng bị nước sông Ngàn Sâu cuốn sập, sạt lở nghiêm trọng và hiện nay tình trạng này vẫn đang tiếp diễn phức tạp nhưng chính quyền địa phương dường như “bất lực” vì không có kinh phí.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Hương Khê, toàn huyện có 19 điểm sạt lở đất dọc bờ sông ở 13 xã, với chiều dài hơn 20km, bảo vệ cho 258ha đất sản xuất cần được xây dựng kè bảo vệ khẩn cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến 1.232 hộ dân. Tại các vị trí bị sạt lở đất xung yếu, khi chưa xây dựng kè bảo vệ thì trước mắt huyện Hương Khê đã chỉ đạo các xã có kế hoạch quy hoạch di dời các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng đến chỗ an toàn, cho đặt biển cảnh báo nguy hiểm… Về giải pháp lâu dài, do không có kinh phí nên huyện đã lập báo cáo trình UBND tỉnh và Trung ương xem xét đầu tư kinh phí xây dựng kè chắn sóng bảo vệ đất đai, đường sá, nhà cửa, vườn tược, cây cối dọc bờ sông để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục