Với sự vào cuộc kiên quyết của TPHCM, đến cuối năm 2010, hàng chục lò gạch thủ công tại khu dân cư phường Long Bình (quận 9) gây ô nhiễm môi trường, buộc phải ngưng hoạt động. Niềm phấn khởi của người dân nơi đây chưa được bao lâu, 3 năm gần đây, người dân địa phương hàng ngày lại phải chống chọi với bụi than ở các bãi chứa than.
Khói gạch đi, bụi than tới
Theo đại diện UBND quận 9, vấn đề các bãi than trên địa phận phường Long Bình gây bức xúc cho người dân được các cấp lãnh đạo quận 9 quan tâm, có phương hướng chỉ đạo sát sao, có văn bản kiến nghị nhiều cấp, ngành nhưng lại vướng phải nghị định 59/2006/NĐ-CP và Quyết định 200/2004/QĐ-UB nên đã kéo dài nhiều năm qua. |
Trên đường Nguyễn Xiển, từ ngã 3 Tân Vạn đến cầu Ông Tán dài khoảng 3km nhưng đã có tới 10 bãi than xen kẽ hai bên đường trong khu dân cư. Nhiều người dân tại đây cho biết, mỗi khi xe chở than chạy trên đường là bụi than bay mù mịt, tràn ra đường, ào vào nhà dân bám đen hết các vật dụng trong nhà. Chưa kể, xe vận chuyển toàn là xe ben, mỗi khi chạy trên đường là xe máy không dám lưu thông vì đường hẹp mà xe than cứ chạy như bay. Ông T.N.H. (khu phố Thái Bình 2, phường Long Bình) cho biết: “Trước đây, chính quyền địa phương giải tỏa các lò gạch, bà con rất mừng. Giờ các bãi than ở đây còn gây ô nhiễm, độc hại gấp nhiều lần lò gạch nữa” .
Bà N.V.C., nhà trên đường Nguyễn Xiển, bức xúc, ngay cạnh nhà bà có một bãi than lớn, dù bà đã bỏ tiền ra để xây bít khu vực sau nhà tiếp giáp với bãi than nhưng bụi than vẫn cứ bám đen trong nhà. Một ngày, bà phải lau chùi nhà nhiều lần mà đâu vẫn vào đấy. Chưa kể, có hôm bà đi chợ về, đem miếng thịt ra rửa sạch, gió ào kéo bụi than từ bãi bay vào bám đen hết. Bực tức nhưng bà không biết phải làm gì. Ngay sát bên bãi than, anh L.V.D. lại lo lắng bức tường nhà cạnh bãi than có thể sập bất cứ lúc nào, bởi việc bãi than khi đổ than chất đống đã làm nứt bức tường. Vết nứt kéo dài từ trên xuống dưới. Đem việc này phản ánh với chủ bãi than nhưng anh chỉ nhận được… lời hứa.
Kiên quyết xử lý dứt điểm
Theo thống kê, quận 9 hiện có 21 bãi than có giấy phép, riêng phường Long Bình có tới 20 bãi than. UBND quận 9 đã kiến nghị cấp trên không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh để kinh doanh, chế biến kho chứa than trên địa bàn quận 9... Tuy nhiên, Sở KH-ĐT TPHCM cho rằng, Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Cũng như theo Quyết định 200/2004/QĐ-UB ngày 18-8-2004 của UBND TPHCM thì ngành nghề mua bán than không bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh. Bà Trần Thị Thu Hoài, Phó phòng TN-MT quận 9, cho hay: “Về chuyên môn, rất khó phạt về mặt ô nhiễm, vì cho dù đem máy đến để đo cũng rất khó để xác định một cơ sở bãi than cụ thể gây ô nhiễm được, bởi vì đặc thù của bụi than không phải là nguồn thải cố định, không tập trung do quá trình bốc dỡ, vận chuyển rơi vãi. Nên quận 9 chỉ xử phạt các bãi than về các lỗi như không có thủ tục về môi trường, kinh doanh sai địa chỉ”.
Từ năm 2010 đến nay, quận 9 kiểm tra và xử phạt 17 trường hợp ở các bãi than. Tháng 8-2013, Sở TN-MT TPHCM xuống tận hiện trường đo đạc mức độ ô nhiễm, nhưng đến nay chưa thấy kết quả. Đáng lưu ý là nguồn than tại các bãi trên hầu hết được bốc dỡ ở cảng Long Bình do Bộ GTVT đầu tư. Ngày 12-9-2013, Bộ GTVT có văn bản số 9520/BGTVT-MT trả lời văn bản số 1016/UBND ngày 19-6-2013 của UBND quận 9 cho biết, trước mắt cam kết sẽ hạn chế thấp nhất tác động của bụi than trong cảng đối với khu dân cư và sẽ có lộ trình ngừng khai thác mặt hàng này, chuyển sang khai thác mặt hàng khác. Bà Trần Thị Thu Hoài đồng tình văn bản này của Bộ GTVT và cho biết nhiều doanh nghiệp ở quận 9 đang tìm hướng di chuyển sang địa bàn khác hoặc chuyển hướng kinh doanh. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm các bãi than gây ô nhiễm trong khu dân cư ở quận 9, TPHCM cần phải sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/2004/QĐ-UB ngày 18-8-2004 cho phù hợp với quy định của Bộ GTVT và tình hình thực tế tại địa phương.
ĐOÀN MINH