Dân vô cớ nhận “án tử” - trách nhiệm của ai?

Sự việc hơn 40 người dân ở vùng sâu, vùng xa ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bỗng nhiên bị phát hiện nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS chưa rõ nguyên nhân đang khiến không chỉ người dân, chính quyền địa phương nơi đây vô cùng hoang mang, lo lắng mà còn gây rúng động dư luận xã hội. Trong số đó có cả những người lớn tuổi và trẻ nhỏ còn ẵm ngửa trong khi bố mẹ chúng không hề bị nhiễm HIV càng khiến nỗi hoảng sợ, nghi ngờ của cộng đồng tăng thêm bội phần. Nhiều người không biết vì sao bản thân, hay người thân bị nhiễm HIV dù không phải là đối tượng có nguy cơ cao, hay tiếp xúc với nguồn lây nhiễm qua tiêm chích ma túy, qua đường truyền máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây từ mẹ sang con.

Dù có nhiều tiến bộ trong y học, nhưng đến nay, HIV/AIDS vẫn là căn bệnh truyền nhiễm vô phương cứu chữa, không có vaccine phòng tránh. Vì thế, với nhiều người quanh năm chỉ biết nương rẫy, đồng ruộng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lo từng bữa cơm, manh áo cho gia đình... việc bỗng dưng biết mình bị nhiễm HIV khiến họ suy sụp vì dính căn bệnh này không khác việc nhận bản án “tử hình”. Sự thật phũ phàng và đau xót này cũng đồng nghĩa với việc những bệnh nhân HIV không chỉ bị tổn hại sức khỏe và tinh thần nghiêm trọng mà cuộc sống, công việc của họ cũng bị đảo lộn. Thậm chí, không ít người nhiễm HIV đã và đang bị cô lập, đối xử không công bằng trong nhiều hoạt động của đời sống, xã hội. Nguy hiểm hơn, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn tiếp tay cho virus HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng. 

Ngay khi nhận được thông tin về số người nhiễm HIV ở xã Kim Thượng cao bất thường, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, chính quyền địa phương đã khẩn trương vào cuộc để sớm ổn định đời sống của người dân và ngăn chặn nguy cơ lan rộng. Cùng với việc động viên chia sẻ, hỗ trợ tâm lý người bệnh, thực hiện xét nghiệm miễn phí cho những người có nhu cầu…, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân lây nhiễm. Tuy nhiên, việc làm rõ nguồn lây nhiễm không hề đơn giản, khó có thể thực hiện một sớm một chiều mà đòi hỏi cần có thời gian hồi cứu, khảo sát, phân tích từng trường hợp mắc cụ thể mới có thể kết luận rõ ràng nguyên nhân nhiễm virus. 

Sự việc này cũng cho thấy một “sự cố” liên quan tới nhiều vấn đề trong lĩnh vực y tế, từ quản lý hoạt động khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân của y tế cơ sở cho tới việc tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, quản lý, hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm HIV tại địa phương. Đó là việc một y sĩ làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn hành nghề khám chữa bệnh, tiêm truyền tại nhà không phép mà chính quyền địa phương, cơ quan quản lý không hề có biện pháp ngăn chặn và xử lý. Hay như việc nhiều người dân địa phương nhiễm virus HIV, thậm chí tử vong vì AIDS nhưng chính quyền xã Kim Thượng và y tế cơ sở cũng không hề nắm được cụ thể có bao nhiêu người mắc để có các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc, ngăn chặn lây lan... Đó là minh chứng cho sự lơ là, tắc trách trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

Hơn lúc nào hết, Bộ Y tế, chính quyền tỉnh Phú Thọ và các cơ quan chức năng cần sớm lập hội đồng chuyên môn nhằm đánh giá, làm rõ nguyên nhân vụ việc và trách nhiệm của các bên liên quan để có biện pháp xử lý kịp thời, sớm ổn định tâm lý và cuộc sống của người dân. Cùng với đó là đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc người bệnh, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về HIV để giảm bớt sự lo lắng, hoang mang, sợ hãi của người bệnh và cộng đồng nhằm ngăn chặn sự kỳ thị, cũng như giảm nguy cơ lây lan. 

Tin cùng chuyên mục