Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh là một trong các đảng bộ ra đời sớm nhất trên đất nước ta. Một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng đã hình thành tại thành phố này.
Hải cảng Sài Gòn đã từng giữ vị trí hàng đầu trong việc du nhập và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam qua con đường hải đạo. Một chiến sĩ yêu nước Việt Nam lỗi lạc được tiếng sấm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thức tỉnh, đã dũng cảm kéo lá cờ đỏ và hát vang bài Quốc tế ca trên Hạm đội Pháp ở biển Đen năm 1918 để biểu thị tình cảm đối với Lênin và ủng hộ Cách mạng Tháng Mười, cũng là một công nhân của thành phố Sài Gòn - đó chính là Bác Tôn Đức Thắng kính yêu. Căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta trong những năm tiền khởi nghĩa đã được thiết lập tại vùng “Vành đai đỏ” ở Sài Gòn.
Ba đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt ngay trên mảnh đất thân thương của thành phố này. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nguyên Ủy viên Quốc tế Cộng sản và đồng chí Lê Duẩn, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam bộ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã từng vào sinh ra tử và nằm sương gối đất với đồng chí và đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong những tháng năm cách mạng gặp phải bước thăng trầm.
Phong trào cách mạng ở thành phố chúng ta, kể từ ngày được chính đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đến khi kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã trải qua chặng đường 45 năm lịch sử. Trong 45 năm ấy, nhân dân thành phố đã lập biết bao chiến công hiển hách và góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của đất nước trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ. Có thể nói, trong gần nửa thế kỷ đấu tranh đó, đã kết tinh và phát triển tất cả những gì là tinh hoa nhất, vĩ đại nhất và đáng tự hào nhất của nhân dân thành phố này.
Là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước sôi nổi của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong những năm của thế kỷ 20 đầy biến động, Đảng bộ thành phố chúng ta ngày càng phát triển cùng với cuộc sống chiến đấu oanh liệt, hào hùng của giai cấp công nhân và dân tộc ta, được thể hiện cụ thể trong mỗi chặng đường cách mạng.
Bộ sách Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975 sẽ cung cấp cho độc giả những trang sử sống động để cảm nhận được trong quá trình lãnh đạo cách mạng, kể cả những bước ngoặt phức tạp, Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam bộ, đã luôn luôn nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường và bất khuất, hy sinh anh dũng, tận tụy và trung thành vô hạn với lợi ích của giai cấp và dân tộc. Đồng thời, bằng tư duy năng động và bản lĩnh sáng tạo của mình, Đảng bộ thành phố đã phát hiện ra những bước bứt phá ngoạn mục trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể của cách mạng như: việc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền với hoàn cảnh đặc thù ở thành phố Sài Gòn trong Cách mạng Tháng Tám 1945; việc xây dựng Đảng, các lực lượng vũ trang nhân dân và mặt trận đại đoàn kết dân tộc trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, việc tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ ngay trong sào huyệt địch ở một thành phố lớn nhất của đất nước; việc xây dựng các loại hình căn cứ địa kháng chiến rất độc đáo, việc vận dụng có hiệu quả phương châm “hai chân, ba mũi” trong nội thị và ở vùng ven đô... Đó là những cống hiến quan trọng trong việc góp phần vào kho tàng lý luận chung của Đảng ta về nghệ thuật đấu tranh vũ trang, về tổ chức khởi nghĩa để giành chính quyền, về việc tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lúc sinh thời, đồng chí Lê Duẩn, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam bộ, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từng nêu lên nhận định rất sắc sảo. Đồng chí viết: “Cách mạng miền Nam không tiến hành bằng cách trường kỳ đấu tranh vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị, tiến lên dùng lực lượng quân đội giải phóng toàn bộ đất nước như Trung Quốc đã làm, mà đi con đường của Việt Nam, nghĩa là có khởi nghĩa bộ phận, lập căn cứ địa, có chiến tranh du kích, rồi tiến lên tổng khởi nghĩa, chủ yếu dùng lực lượng chính trị có phối hợp với lực lượng vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân”. Nhiều chương mục trong quyển sách này đã minh họa sinh động cho sự nhận xét chính xác đó của đồng chí Lê Duẩn.
Thực tế cho thấy rõ, sở dĩ cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong tháng 8-1945 tiến hành kịp thời nhanh chóng và giành được thắng lợi triệt để tại thành phố Sài Gòn là do chúng ta đã đồng thời xây dựng được thực lực cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, chúng ta không làm theo cách lấy “nông thôn bao vây thành thị”. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng đã được kết thúc tại Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn như vậy.
Hơn 900 trang của bộ sách này là những gam màu tuyệt đẹp đã khắc họa và tái hiện bức tranh toàn cảnh 45 năm vùng dậy oanh liệt của Đảng bộ và nhân dân thành phố chúng ta trong quá trình tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Nó đã ghi lại những dấu ấn bất diệt của đức tính xả thân hy sinh, của tinh thần tiến công cách mạng triệt để và khí phách đấu tranh dũng mãnh tuyệt vời của quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 15 năm tiền khởi nghĩa, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và nhiều thời kỳ khác nhau của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - từ chống “chiến tranh đặc biệt” qua “chống chiến tranh cục bộ”; “chiến tranh Việt Nam hóa và phi Mỹ hóa” đến cuộc tiến công và nổi dậy đại thắng mùa xuân năm 1975.
Đối với chúng ta, nó rất có ý nghĩa trong việc góp phần bồi dưỡng nhân sinh quan cách mạng và truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của Đảng cho các tầng lớp nhân dân, cho thế hệ trẻ, cho đời sau. Nó còn giúp cho người đọc thấy được những gì đã dẫn đến thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc đương đầu lịch sử với hai cường quốc đế quốc hùng mạnh nhất là Pháp, Mỹ và giải đáp câu hỏi lớn của loài người tiến bộ trong thế kỷ 20 “Vì sao Việt Nam thắng Pháp và thắng Mỹ?”.
Bộ sách đã tái hiện lại một cách chân xác những cột mốc quan trọng của lịch sử Đảng bộ thành phố; qua cống hiến lớn lao, hy sinh oanh liệt của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; qua các phong trào đấu tranh của nhân dân với nhiều hình thức phong phú, những sáng kiến, kinh nghiệm, thắng lợi cũng như những khiếm khuyết và tổn thất. Công trình Lịch sử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975 là ấn phẩm không chỉ có giá trị chính trị, tư tưởng và học thuật, mà còn thể hiện lòng tri ân sâu nặng với biết bao thế hệ chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự thống nhất toàn vẹn của đất nước.
Chắc chắn bộ sách này sẽ góp phần đắc lực vào việc giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước; nâng cao niềm tự hào về Đảng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
TRẦN HỮU PHƯỚC