Kỷ niệm Ngày Truyền thống Văn hóa cách mạng Việt Nam (28-8-1945 – 28-8-2006)

Đẳng cấp Quảng Ninh

Đẳng cấp Quảng Ninh

Năm 2005, trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại thành phố Hạ Long, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nhấn mạnh: Quảng Ninh cần đẩy nhanh xây dựng văn hóa hiện đại.

Là vùng đất công nghiệp mỏ lớn nhất Việt Nam, lại có di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Quảng Ninh - với hơn 1 triệu cư dân - có nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa hiện đại rất phong phú. Ngoài ra, mỗi năm bình quân một người Quảng Ninh đón từ 1 đến 2 lượt khách du lịch quốc tế và từ 2 đến 4 khách du lịch trong nước. Lượng khách du lịch đông đảo đó đòi hỏi phải có ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa hiện đại, tạo những tiền đề mới để phát triển văn hóa truyền thống của công nhân mỏ và văn hóa biển Đông - Bắc là tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt của Quảng Ninh trong quá trình hội nhập.

  • Giảm gánh nặng ngân sách nhà nước
Đẳng cấp Quảng Ninh ảnh 1
Lễ hội Tiên Công tại vùng Hà Nam (Yên Hưng, Quảng Ninh).

Mục đích trước hết của việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, tạo ra những sản phẩm tinh thần (trao đổi để hưởng thụ ngay tại Quảng Ninh) là giảm gánh nặng ngân sách của Nhà nước bao cấp qua mấy chục năm.

Từ năm 1998 đến năm 2005, các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư cho công trình thiết chế văn hóa và các công trình dịch vụ văn hóa là 754 tỷ đồng. Năm 2006, Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia tiếp tục đầu tư thêm 8 triệu USD để phát triển khu văn hóa vui chơi giải trí tại Bãi Cháy...

Hiện nay, thêm những doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tới Quảng Ninh xúc tiến đầu tư, nhằm khai thác tài nguyên văn hóa, tạo lợi nhuận từ văn hóa. Năm 2005,

Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành nghị quyết về đẩy mạnh và phát triển các ngành dịch vụ với lộ trình tới năm 2015.Theo lộ trình đó, với tiềm lực tài chính từ văn hóa, trước mắt từ điều kiện của địa phương, Quảng Ninh có thêm điều kiện để nâng cao chất lượng, quy mô thiết chế văn hóa. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật, các dịch vụ văn hóa mang tính chuyên nghiệp cao, đạt tới đẳng cấp khu vực.

Ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đội ngũ diễn viên, đạo diễn xây dựng các chương trình biểu diễn tầm cỡ. Các chương trình quy mô nhỏ thì tạo kinh phí thường kỳ, ổn định cho nghề nghiệp và tích lũy xây dựng chương trình quy mô lớn để biểu diễn tại các trung tâm văn hóa lớn trong nước và có thể biểu diễn tại các nước trong khu vực. Đó là các chương trình nghệ thuật đỉnh cao.

Trước năm 2010, Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành nhà hát Hạ Long có chất lượng công nghệ tiên tiến và quy mô quốc tế. Nhà hát đặt trong quần thể văn hóa lớn cùng trung tâm văn hóa, quảng trường, Bảo tàng sinh thái Hạ Long, Bảo tàng ngoài trời Hòn Hai - Cô Tiên... Đây là điểm đến của các tour du lịch quốc tế với Việt Nam.

Giai đoạn đầu phát triển công nghiệp văn hóa, Quảng Ninh đã tạo ra tiềm lực mới, khả năng mới thúc đẩy văn hóa truyền thống. Trong năm 2005, 2006, các nghệ sĩ của Quảng Ninh đã mang văn hóa truyền thống, tiêu biểu của vùng than đi biểu diễn tại Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia...

  • Những bước đi thích hợp

Do điều kiện kinh tế và lộ trình đã được hoạch định, trong quá trình xây dựng các công trình văn hóa lớn, Quảng Ninh chú ý, quan tâm xây dựng các công trình văn hóa ở cơ sở. Các công trình văn hóa ở cấp xã, phường phối hợp với công trình vui chơi (của trẻ em), công trình thể thao, bưu điện văn hóa xã.

Thực hiện quyết định của Chính phủ về chế độ ưu đãi văn hóa với đồng bào biên giới, Quảng Ninh ưu tiên ngân sách xây dựng các công trình văn hóa tại các huyện Bình Liêu, Hải Hà... Đồng bào các dân tộc được hưởng thụ văn hóa, đồng thời còn sáng tạo nên những nét mới của dân tộc mình.

Những sự kiện văn hóa của Quảng Ninh được cả nước và thế giới biết đến là do tính chuyên nghiệp đỉnh cao kết hợp với sự huy động quần chúng tham gia. Trong một dịp tổ chức lễ hội văn hóa tại Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 300 tàu thủy tham diễn với niềm say mê và tự nguyện của hàng ngàn thủy thủ và chủ tàu.

Với những bước đi thích hợp, hiệu quả kinh tế đó đang đầu tư trở lại Quảng Ninh, đưa văn hóa phát triển và đời sống những người làm văn hóa được cải thiện.

LÊ TOÁN
(Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh)

Tin cùng chuyên mục