
Là một thành phố có nhiều sông, kênh, rạch nhưng vận tải đường sông của TPHCM nhỏ bé và hoạt động phân tán. Mọi hoạt động vận tải ở TPHCM gần như dồn hết lên “vai” vận tải đường bộ. Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá đây là một sự lãng phí.
Khởi động dự án cảng sông lớn nhất từ trước đến nay
Sự cảnh báo của nhiều chuyên gia giao thông dường như đã có tác dụng. Năm 1996 TP Hồ Chí Minh đã quyết định đầu tư xây dựng một cảng sông hiện đại mang tên Phú Định rộng 64 ha, nằm ngay tại Ngã ba sông Rạch Cát - sông Chợ Đệm-kênh Đôi - kênh Tẻ của quận 8. Và sau gần 9 năm nghiên cứu, lập dự án… tháng 12-2005 vừa qua, dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt (giai đoạn 1)… Ông Phan Trọng Đoàn, Tổng Giám đốc Cảng sông TPHCM-chủ đầu tư công trình, không giấu được niềm vui cho biết: dự án đang được khẩn trương triển khai xây dựng.

Đến sông Chợ Đệm những ngày đầu tháng 9-2006 này, có thể ghi nhận toàn bộ khu vực đã được giải tỏa đến 96%, cả một bến sông ầm ì tiếng máy thi công… Theo những công nhân trực tiếp thi công ở đây, hạng mục quan trọng nhất là nạo vét sâu xuống -4,9m ở vùng nước trước cảng để tàu vào neo đậu đã hoàn thành từ giữa tháng 6-2006 và hiện đã tiếp nhận những con tàu đầu tiên. Những gói thầu tiếp theo: xây bến kè, bờ bao, phao tiêu báo hiệu; san lấp mặt bằng cảng đang được ráo riết tổ chức đấu thầu trong tháng 9-2006 với mục tiêu “làm nhanh, hiệu quả” để có thể triển khai thi công vào tháng 10-2006 và hoàn thành vào tháng 9-2007. Gói thầu đường dẫn vào cảng, theo dự kiến sẽ được đấu thầu trễ hơn, khoảng tháng 10, 11-2006 nhưng mục tiêu hoàn thành lại sớm hơn 2 gói thầu trên: trong tháng 3-2007.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí ô tô Sài Gòn-công ty “mẹ” của Cảng sông thành phố, ông Nguyễn Tiến Dũng, cũng rất vui trước tiến độ thi công của cảng sông Phú Định. Theo ông Dũng, phấn đấu đến hết năm 2007 cảng Phú Định sẽ hoàn thành được 12 cầu cảng, mỗi cầu dài 31m và rộng 8m; một kè bến dài hơn 1.100m và một hệ thống kho bãi khép kín rộng 5.000m2 để sẵn sàng đón tiếp những con tàu đầy ắp hàng hóa.
Phú Định sẽ là đầu tàu?
Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính chuyên trách vận tải thủy, ông Trần Minh Dũng, cho biết, theo báo cáo Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng-bến khu vực TPHCM đến năm 2020 do Trung tâm nghiên cứu phát triển giao thông vận tải thực hiện, TPHCM đang tồn tại một mạng lưới cảng và bến bãi nhiều về số lượng nhưng nhỏ về quy mô, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghèo nàn, kém an toàn giao thông và vệ sinh môi trường. Do vậy, một sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, hiện đại hơn để đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố là tất yếu và trong việc này cảng Phú Định đã được chọn để làm bước đột phá.
Không phải ngẫu nhiên mà Phú Định được chọn để trao vinh dự này. Theo ông Trần Minh Dũng, cảng Phú Định có vị trí thuận lợi về mặt không gian vận tải. Phú Định nằm ở cửa ngõ đi ra ngoại thành và về phía miền Tây Nam bộ của các trục kênh lớn trong nội thành như kênh Tàu Hủ-kênh Đôi-sông Chợ Đệm… Ở vị trí này, Phú Định có thể thực hiện các dịch vụ vận tải với khu công nghiệp Tân Tạo, Bình Chánh, khu thương mại Bình Điền, khu đô thị Nam Sài Gòn; tiếp nhận hàng hóa từ các cảng biển ở Hiệp Phước, Cát Lái (TPHCM), Cái Mép, Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) chuyển tải đến hoặc “đón” hàng hóa từ 2 trục vận tải đường bộ lớn: đại lộ Đông-Tây (dự kiến hoàn thành trong năm 2008) và vành đai số 2 (đang xây dựng) để đưa đi miền Tây Nam bộ. Thế nhưng, cảng sông Phú Định không phải không có khó khăn… Theo những khảo sát ban đầu của Sở Giao thông Công chính, hướng vận tải từ Phú Định ngược theo Rạch Nước Lên, qua Tham Lương-Bến Cát, Vàm Thuật để đi Củ Chi, Tây Ninh và một số tỉnh miền Đông Nam bộ khác hiện còn vướng một số cầu có tĩnh không thấp, tàu lớn không thể qua được; hay như để đi về phía Chợ Đệm (Long An) nhiều con tàu cũng phải nhờ đến thủy triều để qua cầu An Lạc có tĩnh không chỉ khoảng 2,5m… Tuy nhiên, như ông Minh Dũng nói thì sau khi hoàn thành việc xây dựng cảng Phú Định, TPHCM sẽ tiến hành cải tạo, nâng cao những cây cầu có tĩnh không thấp trên toàn tuyến để tàu bè lớn có thể đến Phú Định. Và một khi các luồng lạch đi về Phú Định đã thông thoáng, TPHCM dự định sẽ đưa toàn bộ các bến cảng sông trong khu vực, đặc biệt là các bến trên đường Hàm Tử, Bến Chương Dương… vào hoạt động tập trung trong cảng này bởi các bến ấy sẽ bị giải tỏa hoàn toàn để xây dựng đại lộ Đông-Tây. Tại Phú Định sẽ không chỉ có cảng mà còn có xưởng sửa chữa tàu, nhà kho sơ chế nông sản… phục vụ nhu cầu vận chuyển, bảo dưỡng tàu và hàng hóa của các chủ tàu. “Sẽ có một dịch vụ khép kín cho vận tải đường sông ở đây”, ông Phan Trọng Đoàn khẳng định.
Tất nhiên, tại TPHCM không phải chỉ có một cảng sông Phú Định. Cũng theo quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng-bến khu vực TPHCM đến năm 2020, tại TPHCM còn có cảng Long Bình (cảng Thủ Đức cũ) để chuyển tải hàng hóa từ các cảng biển đi miền Đông Nam bộ; cảng Nhơn Đức dự kiến nằm gần ngã ba rạch Bà Lào với Rạch Dơi-Đồng Điền-sông Kinh của huyện Nhà Bè để làm nhiệm vụ liên kết cảng sông và cảng biển ở khu vực Hiệp Phước huyện Nhà Bè; cảng Tân Phú Trung ở ngã ba Rạch Tra với kênh Thầy Cai (huyện Củ Chi) để tiếp nhận hàng hóa từ TPHCM đi Tây Ninh và ngược lại; bến - chợ cá thuộc Trung tâm Thủy sản TPHCM phục vụ cho hoạt động kinh doanh thủy sản của thành phố… Đặc biệt, khu tàu khách ở bến Bạch Đằng cũng sẽ được sắp xếp, cải tạo.
Nói tóm lại, sẽ có một mạng lưới giao thông đường thủy được đầu tư bài bản hơn, hiện đại hơn để chia tải cho vận tải đường bộ đang bị quá tải và gây ra ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ở thành phố. Tiềm năng vận tải đường sông TPHCM đang được đánh thức.
NGUYỄN KHOA