
Bộ Giao thông Vận tải - Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa phê duyệt 9 đề án thành lập Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới của 9 tổ chức và doanh nghiệp ngoài quốc doanh, mở đầu cho quá trình xã hội hóa của ngành đăng kiểm. Hiện cả 9 tổ chức và doanh nghiệp ngoài quốc doanh này đang ráo riết triển khai công tác đầu tư xây trạm đăng kiểm… Dự báo hoạt động đăng kiểm xe cơ giới trong thời gian tới sẽ sôi động hơn bao giờ hết.

Kiểm định khí xả và nhận dạng xe tại Trung tâm Kiểm định xe cơ giới 50-05V (Gò Vấp). Với 4 dây chuyền kiểm định xe, trung tâm có khả năng đăng kiểm từ 180 xe đến 200 xe/ngày.
9 tổ chức và doanh nghiệp ngoài quốc doanh “lọt” vào “mắt xanh” của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong lần xét duyệt đầu tiên này là Công ty cổ phần Thái Bình (Hà Nội); doanh nghiệp tư nhân Thành Hiệp Phát, Công ty TNHH An Bình và Công ty TNHH Ô tô chuyên dùng Trường Long (TPHCM); Công ty TNHH cơ khí giao thông vận tải Phú Lợi và Công ty TNHH Thanh Lễ (Bình Dương); Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai và Công ty TNHH Quốc Tuấn (Đồng Nai); Công ty cổ phần du lịch đầu tư Nam Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Khách quan mà nói, mới bắt đầu mà đã có 9 tổ chức được chấp thuận cho mở trạm đăng kiểm là tín hiệu khởi đầu khá tốt. Thế nhưng, nếu so với số lượng các trạm đăng kiểm của Nhà nước hiện có trên cả nước: 84 trung tâm với 107 dây chuyền kiểm định thì con số này là nhỏ bé. Đó là chưa kể đến một thực tế, 84 trạm đăng kiểm của nhà nước chắc chắn phải có một bề dày kinh nghiệm đăng kiểm đáng nể. Cạnh tranh như thế nào trong bối cảnh như vậy? Hầu hết những doanh nghiệp (trong số 9 đơn vị này) được hỏi đều tỏ ra tự tin về kế hoạch kinh doanh của mình.
Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thành Hiệp Phát cho biết: “Chúng tôi sẽ mở rộng thời gian phục vụ, làm thêm ngày thứ bảy và thậm chí một ngày làm việc 10 tiếng để phục vụ khách hàng. Trừ trường hợp phụ tùng hư hỏng, chủ xe phải mua để thay thế, còn lại chúng tôi sẽ sửa chữa xe miễn phí cho khách hàng, để xe đảm bảo an toàn kỹ thuật khi đưa vào đăng kiểm”.
Còn ở Công ty TNHH Ô tô chuyên dùng Trường Long, bà Nguyễn Thị Kiều Diễm, Giám đốc nói ngắn gọn: “chúng tôi sẽ cung cấp đủ và đúng các dịch vụ mà khách hàng cần… trước mắt chưa quan tâm nhiều đến lợi nhuận”. Công ty TNHH công nghệ An Bình cũng đã chuẩn bị khá nhiều “nhân vật lực” cho hoạt động đăng kiểm mới mẻ của mình.
Theo ông Hà Mạnh Đức, Giám đốc, công ty sẽ tập trung tuyển những kỹ sư chuyên về ô tô hoặc máy xây dựng mới ra trường. Họ sẽ được hướng dẫn làm việc với tinh thần phục vụ khách hàng cao nhất. Ông Đức nói: “tôi đã từng đưa xe đi đăng kiểm và hiểu những vất vả trong công tác này. Do vậy, tôi nhất định không để cho khách hàng của tôi phải chịu những gì tôi đã trải qua”.
Một câu hỏi ngược lại, đăng kiểm Nhà nước sẽ như thế nào trước sự xuất hiện của đăng kiểm tư nhân? Ông Trịnh Đức Chinh, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, nói: “tất nhiên là sẽ phải nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng của các trạm đăng kiểm nhà nước.
Theo ông Chinh, hiện nay các trạm đăng kiểm nhà nước cũng sẵn sàng làm thêm giờ, thêm ngày thứ bảy nếu doanh nghiệp vận tải có yêu cầu. Bắt đầu từ 1-1-2007 tại các trạm đăng kiểm của nhà nước chỉ có giám đốc và kế toán trưởng được biên chế, các nhân viên còn lại sẽ hoạt động theo hình thức hợp đồng. Như vậy, buộc các nhân viên phải nỗ lực làm việc và làm việc cho tốt nếu muốn được làm việc lâu dài trong cơ quan đăng kiểm nhà nước.
Ít nhất cũng phải 6 tháng nữa, các trạm đăng kiểm tư nhân đầu tiên mới đi vào hoạt động (do họ còn phải xây dựng trạm, lắp đặt máy móc). Tuy nhiên, những động thái chuẩn bị của các bên vẫn cho thấy… hoạt động đăng kiểm trong thời gian tới hứa hẹn nhiều sôi động.
Về phía người dân, đây là tín hiệu tốt nhưng cũng còn một chút băn khoăn: liệu có quá chú tâm đến cạnh tranh, thu hút khách hàng mà các trạm đăng kiểm sẽ du di, cho qua những xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật - là nguyên nhân gây nguy hiểm đột ngột cho người đi đường?
An Nhiên