Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trong nước còn hạn hẹp, ngoại tệ khan hiếm, cán cân thanh toán đang có sự thâm hụt, việc các doanh nghiệp (DN) trong nước, mà chủ yếu là các tập đoàn nhà nước đăng ký đầu tư ra nước ngoài hàng tỷ USD không hoàn toàn là tín hiệu đáng mừng. Đó là quan điểm của Bộ KH-ĐT thể hiện trong báo cáo trình Chính phủ.
Bản báo cáo nói trên cho biết, bắt đầu từ năm 2006, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ĐTRNN) mới thực sự khởi sắc. Sau 5 năm, đến nay Việt Nam đã có 410 dự án ĐTRNN với tổng số vốn đăng ký hơn 7 tỷ USD (tăng 3,1 lần về số dự án và 5,3 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 1999-2005). Quy mô vốn đầu tư bình quân đạt trên 17 triệu USD mỗi dự án, cao hơn nhiều so với các thời kỳ trước.
Riêng tại Lào, quốc gia mà các DN Việt Nam có số dự án và vốn đầu tư nhiều nhất, đã có 178 dự án với tổng vốn đăng ký trên 3,2 tỷ USD. Tại Campuchia, đã có 81 dự án do các DN Việt Nam đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD… DN Việt Nam đăng ký đầu tư sang cả các quốc gia lớn như Nhật, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, châu Mỹ Latinh…
Đứng đầu danh sách các DN đầu tư ra nước ngoài về số vốn đăng ký là Petro Vietnam. Tính đến tháng 10-2010, Petro Vietnam đã đầu tư, góp vốn vào 25 dự án dầu khí ở 17 nước. Riêng 18 dự án đang trong giai đoạn triển khai thực hiện đã có tổng vốn đăng ký đạt 2,2 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt xấp xỉ 900 triệu USD.
Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT lưu ý, việc thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn tại nước ngoài đồng nghĩa với việc phải chuyển một lượng vốn tương đối lớn trong nước ra nước ngoài, có ảnh hưởng nhất định đến nguồn vốn đầu tư trong nước; đồng thời tạo thêm gánh nặng cho cán cân thanh toán của Việt Nam – vốn đang có sự thâm hụt lớn.
Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận và hiệu quả đầu tư của các dự án này (trong đó, tỷ trọng vốn của các tập đoàn nhà nước là rất lớn) không cao. Mặc dù tốc độ chuyển vốn ra nước ngoài năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ suất lợi nhuận (so sánh lợi nhuận chuyển về nước với vốn chuyển ra nước ngoài) đạt tỷ lệ rất thấp, bình quân chỉ đạt tỷ lệ 0,46% cho giai đoạn 1989-2010. Thống kê 300 dự án ĐTRNN cho thấy, lợi nhuận lũy kế chuyển về nước đến nay mới chỉ đạt 39 triệu USD. Trong khi tính đến tháng 9-2010, các dự án đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam đã giải ngân được số vốn gần 1,8 tỷ USD.
Phân tích số liệu của 5 tập đoàn nhà nước có lượng vốn đầu tư ra nước ngoài lớn (Petro Vietnam, TKV, Viettel, Sông Đà và Công nghiệp Cao su) cho thấy, số vốn đã chuyển ra nước ngoài đạt trên 1,24 tỷ USD, chiếm 69% tổng vốn đã chuyển ra của các thành phần kinh tế, nhưng hầu hết các dự án chưa có lợi nhuận. Phần lớn các dự án có quy mô lớn đều mang tính dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực có thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả đầu tư chưa được lượng hóa rõ (khai khoáng, dầu khí, trồng cao su, điện).
Đặc biệt, lĩnh vực dầu khí, mặc dù đã chuyển ra nước ngoài khoảng 900 triệu USD (chiếm 49% tổng số vốn đã chuyển ra nước ngoài) nhưng thực tế đây lại là các dự án dàn trải về địa bàn đầu tư, tiềm ẩn rủi ro về tình hình chính trị, kinh tế tại nước tiếp nhận đầu tư. Petro Vietnam hiện đã phải dừng 6 trong tổng số 25 dự án do không thu được lợi nhuận từ các dự án này, trong khi số tiền đã chi cho 6 dự án lên tới 10,6 triệu USD. Với 5 dự án của TKV tại Lào và Campuchia, hiện đã dừng 1 dự án với số tiền đã chuyển để thực hiện dự án là 1,56 triệu USD. 4 dự án còn lại chỉ có 1 dự án có khả năng phát triển mỏ để khai thác, 3 dự án còn lại trữ lượng không đủ lớn để đầu tư khai thác và chế biến quy mô lớn.
Theo Bộ KH-ĐT, hành lang pháp lý để quản lý dòng vốn này hiện chưa được đầy đủ, chặt chẽ; việc kiểm tra, kiểm soát lại không dễ dàng, vì dự án thực hiện ở nước ngoài. Tháng 6-2010, bộ đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư của 516 dự án ĐTRNN báo cáo tình hình thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay 149 dự án không thấy phản hồi và 69 dự án không còn ở địa chỉ cũ! Phần lớn các chủ đầu tư không kịp thời báo cáo về tình hình sử dụng lợi nhuận sau thuế, hoặc không chuyển lợi nhuận về nước theo đúng quy định.
Anh Thư