Khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Đang nên hình nên dáng

Tháng 8-2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng số 5 bao gồm hệ thống cảng TPHCM - Đồng Nai – Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó xác định khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ đóng vai trò cảng cửa ngõ cho toàn vùng.Nhộn nhịp... Thị Vải - Cái Mép
Đang nên hình nên dáng

Tháng 8-2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng số 5 bao gồm hệ thống cảng TPHCM - Đồng Nai – Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó xác định khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ đóng vai trò cảng cửa ngõ cho toàn vùng.

Nhộn nhịp... Thị Vải - Cái Mép

Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Dự án của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Port coast) - đơn vị tư vấn hàng đầu trong nước thực hiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5 và quy hoạch dời cảng trên sông Sài Gòn trực tiếp cùng đoàn tư vấn JICA (Nhật) thực hiện nghiên cứu phát triển cảng miền Nam, nói về sự đổi thay ở Cái Mép - Thị Vải: “Lúc chúng tôi đi nghiên cứu để làm quy hoạch, vùng này hoang vu lắm, chỉ có cây điều, đước và nhiều loại cỏ dại khác. Nay thì đước, điều, cỏ dại… đã nhường chỗ cho những con đường trải nhựa thẳng tắp nối các cảng nằm sát bờ Cái Mép - Thị Vải ra tới Quốc lộ 51 và những nhà máy xí nghiệp còn tươi nguyên màu sơn”.

Đang nên hình nên dáng ảnh 1

Công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển khoan thăm dò địa chất xây dựng cảng Posco trên sông Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Thành Tâm

Gõ cửa một khu cảng còn mới tinh - cảng Inter Flour của Công ty TNHH Inter Flour, 100% vốn của Australia - chúng tôi được Giám đốc điều hành Lương Quang Minh đón tiếp nồng nhiệt. Ông Minh cho biết, ngay từ những năm 1995, khi biết Chính phủ có chủ trương nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải, Inter Flour đã có ý định đầu tư vào đây.

Và đến năm 2003, một nhà máy sản xuất bột mì và một cầu cảng dài 150m của Inter Flour đã hình thành ở Cái Mép - Thị Vải. Ông Minh cũng không tiếc lời nói về sự thuận lợi khi xây dựng cảng ở đây: “Sông Cái Mép - Thị Vải rất sâu… với độ sâu 15m - 20m và bề rộng tới 600m - một chiều rộng lý tưởng cho các loại tàu quay trở đầu.

Đoạn đường từ biển Vũng Tàu vào tới cảng cũng rất gần, chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ thay vì mất đến 4 giờ rưỡi nếu vào cảng khu vực TPHCM. Đường bộ, đường hàng không ở đây cũng khá thuận tiện, nhất là khi Bộ Giao thông Vận tải xây dựng xong đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và sân bay quốc tế Long Thành”. “Chính vì vậy, Inter Flour đã quyết định sẽ xây thêm 60m cầu cảng, mở rộng nhà máy và xây mới nhiều kho bãi ở đây vào năm tới”, ông Minh nói.

Tạm biệt Inter Flour, đi dọc sông Cái Mép - Thị Vải, đâu đâu chúng tôi cũng thấy không khí khẩn trương xây dựng cảng. Phía bên trái của Inter Flour về phía biển là công trường xây dựng cảng của Công ty Tân Cảng Sài Gòn, còn bên phải là công trường xây dựng của Cảng Sài Gòn… Suốt dòng sông là những nhóm công nhân của Port Coast trầm mình trong sóng nước, khoan dò địa chất… “bắt mạch” dòng sông để phục vụ cho việc xây dựng cảng ở đây.

Nơi hội tụ anh tài

Theo quy hoạch chi tiết cụm cảng số 5, trên sông Cái Mép - Thị Vải sẽ có 4 khu cảng: khu cảng Gò Dầu C có chiều dài bến khoảng 2km dành để tiếp nhận tàu từ 15.000 DWT đến 50.000 DWT; khu cảng Thị Vải (Phú Mỹ) có chiều dài bến khoảng 5,2km, tiếp nhận tàu từ 50.000 DWT đến 75.000 DWT; khu cảng Cái Mép có chiều dài bến khoảng 6,6 km tiếp nhận tàu từ 50.000 DWT đến 80.000 DWT...

Thật đáng mừng là cả 4 khu vực này đều đã có rất nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề đầu tư vào đây, trong đó không ít dự án có tính khả thi cao đã được hình thành. Đó là, dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản; dự án cảng quốc tế Thị Vải của liên doanh Cảng Sài Gòn với PSA (Singapore); dự án cảng quốc tế Cái Mép của liên doanh Cảng Sài Gòn với APMT (Tập đoàn đa quốc gia Maersk); dự án cảng container Cái Mép hạ của Công ty cổ phần đại lý liên hiệp vận chuyển Gemadept… với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD.

Điều đó chứng tỏ, dù có nhiều yêu cầu khác nhau nhưng toàn bộ khu cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải vẫn rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Và đây chắc chắn sẽ là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển thành công cảng nước sâu ở khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Không chỉ nhộn nhịp nhà đầu tư mà hình thức đầu tư ở đây cũng đặc biệt đa dạng. Doanh nghiệp đầu tư và Nhà nước cũng đầu tư. Những cảng được doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, có thể kể tên là cảng Phú Mỹ của Công ty liên doanh Baria Serece, cảng Inter Flour của Công ty TNHH Inter Flour…Và những cảng mà Nhà nước sẽ đầu tư là cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải sử dụng vốn ODA vay của Nhật Bản…

Theo ông Phạm Anh Tuấn, cái hay là những cảng do Nhà nước đầu tư sẽ chủ yếu hoạt động dưới hình thức cho doanh nghiệp thuê lại. Nhà nước chỉ cần có một bộ máy quản lý rất gọn nhẹ để điều hành cảng, còn việc kinh doanh sẽ do doanh nghiệp thuê cảng chủ động điều hành.

“Với tốc độ đầu tư như hiện nay, chỉ khoảng 4 - 5 năm nữa, hàng loạt cảng hiện đại sẽ mọc lên ở đây” –dưới góc độ một nhà tư vấn quy hoạch cho khu vực, ông Phạm Anh Tuấn phấn khởi nói. Trước những gì “mắt thấy tai nghe” chúng tôi hoàn toàn tán đồng nhận xét của ông Tuấn. Chỉ có một băn khoăn: đầu sông Cái Mép - Thị Vải, phía tiếp giáp với biển hơi nông so với chiều sâu của toàn khu vực… Song ông Tuấn đã giải tỏa ngay băn khoăn này cho chúng tôi: “Nhà nước sẽ dùng vốn ODA để nạo vét những chỗ nông ấy”. Như vậy, khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải phát triển mạnh mẽ sẽ không còn điều gì để nghi ngờ nữa. 

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục