Xây dựng bãi đậu xe ngầm cho TPHCM

Đang tìm kiếm nhà đầu tư

Sử dụng 2,92ha đất ngầm công viên Lê Văn Tám xây bãi đậu xe

Động thái mới nhất liên quan đến chương trình phát triển các bãi đậu xe ngầm trên địa bàn TPHCM là cuối tuần qua, Sở Giao thông công chính đã đứng ra tổ chức một cuộc họp báo khá trang trọng để thông tin về một số vấn đề liên quan.

Một cách chính xác thì nội dung cuộc họp báo chủ yếu xoay quanh việc kêu gọi đầu tư vào bãi đậu xe ngầm trên đường Nguyễn Huệ-quận 1. Theo đó bãi đậu xe ngầm này được quy hoạch xây dựng dọc đường Nguyễn Huệ, bắt đầu từ giao lộ với đại lộ Lê Lợi và kết thúc tại đầu đường Tôn Đức Thắng, chiều dài tối đa 400m trong khi chiều ngang 50m, tức diện tích tối đa của bãi đậu xe ngầm cũng chỉ dao động ở mức 20.000m2.

Sức chứa của bãi vào khoảng 1.400 ô tô (không có xe hai bánh) hoặc 1.000 ô tô cùng 2.000 xe hai bánh. Để phục vụ ý đồ này, dự kiến thành phố sẽ phải “hy sinh” khoảng 10% diện tích cây xanh hiện hữu trên tuyến đường Nguyễn Huệ.

Nếu như đối tượng đầu tư được thành phố mở rộng cho mọi thành phần kinh tế, thì trái lại chỉ có duy nhất một hình thức đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm đường Nguyễn Huệ: BOT (xây dựng-khai thác-chuyển giao), nghĩa là hoặc nhà đầu tư theo phương thức BOT hoặc là… thôi.

Một trong những lý do, theo giải thích của Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Hiệp đó là vì vị trí của bãi đậu xe ngầm này quá nhạy cảm, vốn dĩ ảnh hưởng rất lớn đến các dịch vụ nằm dọc trên đường Nguyễn Huệ, do vậy về chung cuộc, bãi đậu xe ngầm phải thuộc sự quản lý, điều hành của TPHCM.

Kinh phí đầu tư cũng là một vấn đề. Bởi vì ước tính mức đầu tư bình quân vừa phải cho bãi đậu xe ngầm đường Nguyễn Huệ chừng… 50-60 triệu USD, một khoản tiền không phải doanh nghiệp-nhà đầu tư nào cũng sẵn có. Nhưng đó vẫn chỉ là con số tương đối, bởi thực chất ngưỡng đầu tư cao đến đâu còn tùy thuộc vào mức độ hiện đại mà nhà đầu tư muốn triển khai.

Vấn đề còn ở chỗ chính quyền thành phố không muốn chi phí đầu tư quá cao, quá tốn kém vì như thế nhà đầu tư cũng cần có thời gian khai thác lâu hơn để hoàn vốn. Có lẽ chính từ điều này mà có ý kiến cho rằng thành phố muốn khống chế mức trần kinh phí đầu tư !

Một khía cạnh có thể gây… “xung đột” khác, đó là giá phí nhà đầu tư được quyền thu từ khách hàng. Theo công bố của sở, giá giữ xe sẽ do chính nhà đầu tư đề xuất nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định của Nhà nước.

Trong thực tế chữ “nhưng” này có thể làm nản lòng nhà đầu tư, bởi rõ ràng họ không thể độc lập hoạch định được mức giá phí, một trong những cơ sở để tính toán, trù liệu nguồn thu của doanh nghiệp.

Bấy nhiêu khó khăn chưa phải đã hết, như xác nhận của ông Nguyễn Minh Hiệp, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Sở GTCC, việc đến giờ thành phố còn thiếu một bản đồ không gian ngầm dưới đất (các công trình cơ sở hạ tầng đi ngầm) cũng sẽ gây nhiều phiền phức cho nhà đầu tư trong công đoạn khảo sát thiết kế.

Hậu quả có thể có là phương án đưa ra không đạt chuẩn (phải làm đi làm lại) và từ đó dây dưa kéo dài thời gian triển khai xây dựng bãi.

Có vẻ Sở GTCC cũng đã cân nhắc kỹ bài toán tổ chức giao thông cho cụm khu vực này một khi có bãi đậu xe ngầm để giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra  ùn tắc giao thông.

Theo lập luận của sở, cơ sở để đi đến tiên đoán “khả năng xảy ra ùn tắc rất thấp” là có khá nhiều công trình hạ tầng giao thông hiện đại đang hoặc sắp được thực hiện trên địa bàn, tiêu biểu là công trình đại lộ Đông Tây TPHCM, tuyến đường trên cao Nhiêu Lộc-Thị Nghè, các tuyến metro, tàu điện sức chở lớn… Chính những công trình này sẽ san sẻ lưu lượng phương tiện, không để đổ quá nhiều vào khu vực bãi đậu xe ngầm, từ đó giúp tránh ùn ứ giao thông.

Một yêu cầu nữa là dù thế nào công trình bãi đậu xe ngầm này cũng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức Hội hoa xuân truyền thống hàng năm mỗi độ xuân về Tết đến.

Sử dụng 2,92ha đất ngầm công viên Lê Văn Tám xây bãi đậu xe

UBND TPHCM vừa có tờ trình đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại công viên Lê Văn Tám. Theo đó, một phần không gian ngầm bên dưới công viên Lê Văn Tám để xây dựng bãi đậu xe, phát triển giao thông tĩnh khu vực trung tâm thành phố với tổng diện tích sử dụng đất ngầm khoảng 2,92ha trong tổng số 5,91ha mặt bằng công viên. Diện tích sử dụng trên mặt đất là 8.280m2 (bao gồm 4.080m2 đất mặt bằng công viên và 4.200m2 đất vỉa hè). Diện tích mặt đường giao thông công cộng sẽ được xây dựng bổ sung trên phần vỉa hè, lề đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ hiện hữu 4.200m2 và 900m2 mặt đường hiện có trên lề đường Hai Bà Trưng tiếp giáp với công viên.

Được biết, chủ đầu tư chỉ mới trình một phương án thiết kế cảnh quan và TPHCM cũng đang tổ chức thi tuyển phương án thiết kế tượng đài “Chiến sĩ biệt động thành” tại khu công viên nên thành phố chấp thuận để chủ đầu tư bổ sung thêm các phương án thiết kế cảnh quan sau khi có phương án tượng đài để có cơ sở so sánh lựa chọn phương án phù hợp.

UYÊN NHÃ

TRUNG KHANH

Tin cùng chuyên mục