
Trong năm 2009, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sẽ bàn giao hàng loạt tàu trong tổng số 32 con tàu thuộc đơn hàng Chính phủ đặt cho Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Đồng thời, nhiều đơn hàng khác cho các nước cũng đã bắt đầu giao. Đáng mừng hơn, một loạt các con tàu chứa dầu, tàu chở dầu, tàu du lịch trọng tải lớn cũng chuẩn bị giao hàng.
Có một ngành công nghiệp non trẻ
Ngày 14-1, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (Nasicco) sẽ hoàn thành và đưa xuống nước kho nổi chứa dầu đầu tiên có trọng tải 150.000 tấn (FSO-5). Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm của Chính phủ nhận xét với sự tự hào: Đây là một nỗ lực rất lớn của Vinashin trong việc hoàn thành kế hoạch đóng tàu dầu, kho dầu phục vụ ngành dầu khí. Nó đã ghi dấu ấn cho sự phát triển của ngành công nghiệp non trẻ tại Việt Nam, ngành công nghiệp đóng tàu thủy và cũng chính là bước phát triển nhanh của ngành cơ khí Việt Nam.

Đóng tàu 6.500 tấn tại Công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TÂM
Thực ra so với kế hoạch ban đầu, con tàu này phải bàn giao vào tháng 5-2008, nhưng do một số khó khăn nên Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ, sự phối hợp giữa các bên chủ đầu tư và đơn vị thi công, nơi cung cấp vốn… Theo đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, chậm nhất đến tháng 4-2009 phải giao tàu. Và Vinashin đã nỗ lực để có thể giao ngay giữa tháng 1-2009 này.
Tàu chứa dầu FSO-5 được coi là cột mốc đánh giá sự phát triển lên một tầm cao mới của ngành đóng tàu Việt Nam. Đây là sự minh chứng trình độ kỹ thuật cao, năng lực tổ chức thực hiện hài hòa để ngành đóng tàu có thể nhận tiếp các đơn hàng mới với những con tàu đặc chủng, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc đóng tàu.
Ông Nguyễn Văn Thụ cho biết, để đóng con tàu như một kho chứa dầu lớn tương đương như một tòa nhà cao chục tầng, Vinashin đảm nhận vai trò đầu mối chỉ huy, nhận diện năng lực của các đơn vị thành viên để giao việc đóng từng công đoạn, tạo sự liên kết phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành và ráp nối đúng hạn. FSO-5 có hơn 342 tổng công đoạn (block); trong đó, Công ty Đóng tàu Bạch Đằng đóng 88 block, Hạ Long đóng 50 block, Phà Rừng 56 block và Nam Triệu 148 block. Nam Triệu cũng là đơn vị chịu trách nhiệm đấu đà và hạ thủy, hoàn thiện nội thất, bàn giao cho chủ đầu tư.
24.000 tấn sắt thép đã làm nên con tàu dài gần 230m, rộng 50m và có chiều cao 24m. Con tàu có khả năng trữ và xuất dầu thương phẩm lưu lượng 3.500 - 5.000m3/giờ, tiếp nhận dầu đã khử khí độc từ các giàn khoan xử lý trung tâm và giàn cố định ngoài khơi, sơ chế dầu thô còn ướt thành dầu thô thỏa mãn yêu cầu xuất khẩu, thu gom và sử dụng lại các khí đã được tách riêng và xử lý nước vỉa (nước lẫn dầu) để hạn chế ô nhiễm môi trường. Con tàu được thiết kế bởi các công ty danh tiếng của Anh, Bỉ, Ba Lan và Công ty ABS (Hoa Kỳ) đăng kiểm.
Nội lực từ công nghiệp phụ trợ
Trong cuộc làm việc với Bộ Công thương gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao ngành cơ khí trọng điểm vì những bước tiến khá vững vàng trong thời gian qua, đặc biệt là của ngành công nghiệp đóng tàu thủy. Thủ tướng cho rằng, đơn hàng của Chính phủ đặt Vinashin đóng 32 con tàu cho Vinalines đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên ngành công nghiệp mới mẻ này.
Vì vậy, ngành đóng tàu cần nhanh chóng hoàn thành các con tàu chở dầu, kho dầu phục vụ giàn khoan, ngành dầu khí, khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất… Chỉ một con tàu như FSO-5, nếu nhập khẩu đã phải chi 170 triệu USD, trong khi đóng trong nước không chỉ rẻ hơn mà còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm, giúp Vinashin có thêm nhiều kinh nghiệm triển khai hàng loạt dự án phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu.
Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin đã báo cáo với Thủ tướng việc Vinashin đã có chiến lược đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, để ít nhất trong 1 - 2 năm nữa có thể chủ động tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 50% - 70% các thiết bị, chi tiết phụ tùng, trang trí nội thất… Một dự án thép cán nóng đặc chủng chịu lực có thể sẽ đưa vào hoạt động trong quý 3-2009, có khả năng tạo cán phôi 3,2m dành để đóng tàu đến 100.000 tấn.
Một dự án sản xuất phôi cho dự án thép cán nóng này ở Yên Bái sản xuất từ quặng ra phôi. Hiện nay, Vinashin đã có nhà máy thép có khả năng cán phôi 1,8m để đóng tàu 10.000 tấn. Các dự án sản xuất thép góc, nồi hơi, máy móc đóng tàu như tôn phẳng, trục chân vịt, máy lái, động cơ 3.000 - 3.200 mã lực và hiện đang sản xuất đến 7.000 mã lực, dây cáp điện, sơn, que hàn… cũng đã khởi động.
Theo ông Bình, các loại phụ tùng thiết bị chủ yếu đã được Vinashin đầu tư tương đối tốt, chủ động được nguyên liệu cho khâu đóng tàu; công tác tổ chức phối hợp thực hiện cũng hoàn hảo, thế nhưng khó khăn hiện nay lại chính là làm sao để có được tổ chức có uy tín quốc tế cấp chứng chỉ thì mới tạo được uy tín đối với khách hàng quốc tế. Hiện nay, Vinashin đã có một số tổ chức quốc tế có uy tín đăng kiểm giám sát và cấp chứng chỉ, nhưng công tác này cần được đẩy mạnh đối với từng khâu sản xuất thiết bị phụ trợ. Với ưu thế này, giá xuất khẩu các phụ tùng thiết bị sẽ cao hơn, giúp Vinashin có thể xuất khẩu trên 700 triệu USD như kế hoạch đã đề ra.
Vinashin đang thúc đẩy hoàn thành các đơn hàng đóng tàu chở xe hơi có công suất 6.900 xe, tàu chở dầu 104.000 - 105.000 tấn cho ngành dầu khí, giao 22 tàu công suất 12.500 tấn cho Vinalines, giữ thị trường gia công đóng tàu cho châu Âu và nhiều nước khác. Điều mà ông Bình lo ngại là tình trạng mạnh ai nấy làm trong công tác đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, trong khi các ngành cơ khí khác có thể cùng liên kết phối hợp khai thác triệt để các dự án đã đầu tư. Quá trình này sẽ giúp ngành cơ khí Việt Nam hoàn thiện quy hoạch phát triển, chủ động được từ khâu nghiên cứu, thiết kế và chuyển giao sản xuất; khâu tạo phôi và kiểm định.
Văn Thiên Lộc