Dành cho tháng sáu là bộ phim Việt Nam hiếm hoi trong số phim đang chiếu các rạp. Đêm ra mắt phim ở rạp BHD, khán giả bất ngờ trước toàn bộ ê-kíp thực hiện thuộc thế hệ 8X, 9X. Và bất ngờ hơn, khi từ một câu chuyện đơn giản nhưng được các nhà điện ảnh trẻ chuyển tải lên phim rất tinh tế.
1. Họ là nhóm bạn thân trong đội bóng rổ của Trường Trung học phổ thông Duy Tân: Kiên, đội trưởng; Hoàng, cầu thủ; Minh, cô quản lý tình nguyện của đội. Lúc này, toàn đội đang ráo riết luyện tập, chuẩn bị tranh chức vô địch với Trường Lý Thường Kiệt. Sắp bước vào ngày thi đấu, bỗng nhiên Kiên bày tỏ tình cảm với Minh nhưng bị cô gái khước từ. Không dằn được cảm xúc thất vọng, Kiên bỏ về miền quê Thái Nguyên để tìm quên. Minh và Hoàng quyết định đi tìm Kiên để thuyết phục chàng đội trưởng trở lại đội bóng…
Nội dung phim nhẹ nhàng, mô tả tình bạn, tình yêu trong sáng, đầy cảm xúc phức tạp nhưng khá chân thành của giới trẻ. Họ mộng mơ, ước vọng, nhiệt huyết nhưng cũng nhiều vấp váp, vụng về và cũng rất… ích kỷ! Có thể nói, sự thành công của phim đã được thể hiện khá thuyết phục qua cách diễn xuất dung dị của 3 diễn viên trẻ Trần Thiên Tú (Minh), Huỳnh Anh (Kiên), Nguyễn Quốc Trung (Hoàng). Chăm chút việc mô tả nội tâm, cảm xúc nhân vật, nhịp điệu ở phần đầu phim được thể hiện tương đối chậm. Đôi lúc những ca khúc mang âm hưởng nhạc dân gian đương đại chen vào nhạc nền, minh họa thêm tâm trạng nhân vật, tạo cảm giác dịu nhẹ, trẻ trung. Thế nhưng khi chuyển sang phần thi đấu của hai đội bóng rổ, diễn ra khoảng 15 phút, đầy kịch tính, nhịp phim trở nên nhanh, sôi động. Nhiều góc máy tạo hình táo bạo làm khán giả có cảm giác như đang xem trận đấu thật, cực kỳ lôi cuốn!
2. Từng là sinh viên trường kiến trúc, rẽ sang làm điện ảnh, đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn được bạn bè xếp loại là “người của xóm liều”, khi dốc hết tiền bạc và tâm sức cho công việc làm phim độc lập. Anh tâm sự: “Làm phim là việc có nhiều rủi ro nhưng tôi quá đam mê. Từ năm 2006, tôi đã có ý tưởng làm phim về tâm lý tuổi học trò mới lớn. Mãi đến năm 2010, chúng tôi mới có điều kiện thực hiện và bây giờ phim đã ra rạp. Rất gian nan! Khi chọn đề tài về bộ môn bóng rổ, có người cho rằng nó khô khan nhưng chúng tôi hy vọng phim Dành cho tháng sáu sẽ mang đến cảm giác gần gũi hơn cho công chúng đối với bộ môn thể thao này”.
Nữ diễn viên trẻ Trần Thiên Tú cũng có mặt trong đêm ra mắt phim tại TPHCM. Hiện tại, cô đang là sinh viên năm 2 khoa Ngôn ngữ và Văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Kinh nghiệm đóng phim Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử đã giúp cô tự tin hơn khi tham gia phim Dành cho tháng sáu. Nhưng cảm xúc bây giờ đã khác xưa, Thiên Tú bộc bạch: “Đạo diễn Lưu Huỳnh đã giúp tôi đến với thế giới điện ảnh, làm quen công việc nhập vai theo sự chỉ dạy diễn xuất của các cô chú. Ở nhóm làm phim trẻ này, tôi và các bạn Huỳnh Anh, Quốc Trung… gần như là một “đội bóng”, có thể trao đổi diễn xuất cùng đạo diễn một cách hào hứng”. Nhận xét vai Minh trong phim, Thiên Tú cho rằng cô đã chiêm nghiệm qua nhiều câu chuyện hoặc đã nghe được hoặc bắt gặp trong thời học sinh của mình nên có thể lột tả được tính cách phức tạp của nhân vật.
Với ưu điểm có nội dung mang tính giáo dục, lành mạnh; nghệ thuật diễn xuất chân thực, giàu cảm xúc, nhiều góc máy quay đẹp về khung cảnh Hà Nội, Thái Nguyên, Dành cho tháng sáu là bộ phim đáng được cổ động và phổ biến rộng rãi.
(*) Kịch bản và đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn; quay phim Trang Công Minh, Nguyễn Việt Hoàng; âm nhạc Guillaume Vétu; đơn vị sản xuất June Entertainment.
Kim Ửng