Một lần nữa vấn đề chống ngập nước, thích ứng với biến đổi khí hậu lại được đặt ra trong Hội nghị sơ kết 1 năm công tác chống ngập ở TPHCM vừa được UBND TPHCM tổ chức tuần qua. Theo nhiều nhà khoa học, bài học lớn nhất mà TPHCM có thể rút ra sau trận ngập úng lịch sử ở Bangkok, là các giải pháp công trình dù hoành tráng, kiên cố tới bao nhiêu, song vẫn có thể gặp rủi ro trước những trận đại hồng thủy. Thích ứng với thiên nhiên là giải pháp hiệu quả và tối ưu.
Bài học của TPHCM và của Bangkok
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Phó ban điều hành Chương trình chống ngập TPHCM, là một trong những nhà khoa học tiêu biểu cho xu hướng này. Theo ông, TPHCM đã có bài học khi quá chú trọng vào các giải pháp công trình. Rất nhiều cống thoát nước của dự án Cải thiện môi trường, chống ngập nước lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè… chưa lắp đặt xong đã bị lạc hậu so với những diễn biến phức tạp của thời tiết. Trong khi các cơn mưa ngày càng lớn, càng dữ dội và càng nhiều hơn thì tiết diện các cống thoát nước vẫn được thiết kế theo các thông số kỹ thuật, các thống kê về số cơn mưa, lượng mưa từ nhiều năm trước.
Cũng không thể trách những người làm dự án, bởi dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã được triển khai từ nhiều năm trước. Thông số kỹ thuật trong thời điểm làm dự án là các thông số của thời điểm ấy, không thể khác hơn được. Thực trạng này chỉ có thể chứng minh thêm cho quan điểm: trước những diễn biến bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra, nếu quá tập trung và chỉ kỳ vọng vào các giải pháp xây dựng công trình ngăn mưa, lũ thì khả năng trở nên lạc hậu và rủi ro rất cao.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Bangkok ngập nặng nề như thời gian qua là do Bangkok quá tự tin vào hệ thống đê bao bảo vệ của mình.
Quan tâm ngay đến các giải pháp mềm
Thực ra, ngay trong quy hoạch thoát nước mưa ở thành phố được lập từ năm 2002, lãnh đạo thành phố đã tính đến giải pháp xây hồ điều tiết, dành không gian cho nước như là một trong những giải pháp mềm, phi công trình nhằm chống ngập. Tiếc rằng, theo một chuyên gia ở Sở Giao thông Vận tải-cơ quan quản lý nhà nước về công tác chống ngập: điều này hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu.
Thế nhưng, may mắn là TPHCM chưa bị đô thị hóa hết. Thành phố vẫn còn không ít khu vực đất trống, để nước chảy vào và ngấm tự nhiên xuống lòng đất. Tuy nhiên, diện tích này không lớn và nếu không giữ những khu đất ấy và dành thêm không gian cho nước thì trong tương lai không xa, TPHCM có thể gặp cơn ngập khủng khiếp như Bangkok, ông Hồ Long Phi cảnh báo.
Ông Hồ Long Phi đề xuất, TPHCM có thể dành không gian dọc kênh Rạch Tra, kênh Láng The từ huyện Củ Chi kéo dài tới huyện Bình Chánh cho nước. Khu vực này chưa bị đô thị hóa nhiều và nếu nước được trữ ở đây thì khi cần có thể đưa nước thoát ra sông Vàm Cỏ hay sông Sài Gòn. Muốn có được khu vực này, ngay bây giờ TPHCM phải có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ công tác đô thị hóa và xây dựng.
Trước mắt, để có cơ sở kiểm soát công tác phát triển đô thị, thành phố nên xem xét điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, theo hướng toàn bộ khu vực nêu trên cần hạn chế xây dựng. Thậm chí ở nhiều khu vực cho hạ thấp cao trình để nước ra, vào dễ dàng.
Tất nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa quên các giải pháp công trình. Ở những khu vực đã đô thị hóa cao, đặc biệt khu vực nội thành TPHCM nên được bảo vệ hết mức bằng các giải pháp công trình.
Theo nhiều nhà khoa học, giải pháp tối ưu trong chống ngập ở TPHCM là kết hợp một cách hợp lý các giải pháp chống ngập bằng công trình đê bao hay cống thoát nước… với các giải pháp chống ngập mềm như dành không gian cho nước. Việc dành hai khu vực cho nước mà ông Hồ Long Phi đề xuất nêu trên là một trong những hướng đi ấy.
Nguyễn Khoa