Dành kinh phí xứng đáng để phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân

Những bức xúc về nhà ở, bảo hiểm tai nạn lao động... đã được người lao động gửi đến lãnh đạo Quốc hội. 
Tại Diễn đàn, người lao động đã nêu nhiều bức xúc về nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. ẢNH: QUANG PHÚC
Tại Diễn đàn, người lao động đã nêu nhiều bức xúc về nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. ẢNH: QUANG PHÚC

Chiều 28-7, Diễn đàn người lao động năm 2023 đã diễn ra tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Mở đầu phần trao đổi của người lao động với lãnh đạo Quốc hội và các bộ ngành, chị Đào Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ tỉnh Bình Dương xúc động cho biết, chị được nhiều bạn bè, đồng nghiệp nhắn gửi là phải nói được các vấn đề mà rất nhiều công nhân đang quan tâm, bức xúc, trong đó có vấn đề nhà ở.

Người lao động lo các doanh nghiệp “chưa mặn mà” với nhà ở xã hội

Công nhân từ miền Bắc, miền Trung và cả miền Tây lên Bình Dương và các tỉnh, thành phố làm việc, hầu hết phải thuê nhà trọ. Nhà thuê thường diện tích chật hẹp, ẩm thấp, tạm bợ, khó khăn trong sinh hoạt.

Chị Đào Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ tỉnh Bình Dương

Chị Đào Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ tỉnh Bình Dương

Chị Loan cho biết, qua báo chí, chị đã rất mừng khi được biết Chính phủ có đề án xây 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân và người người có thu nhập thấp. Nhất là gần đây trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, đã cho phép Tổng Liên đoàn được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

“Đây là một tin vui đối với công nhân chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng lo lắng khi báo chí nói các doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội. Kính mong Quốc hội sớm sửa luật để các doanh nghiệp và Tổng Liên đoàn có điều kiện thuận lợi, triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, đồng thời Chính phủ và chính quyền các địa phương dành kinh phí xứng đáng cho nhiệm vụ xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp”, nữ công nhân kiến nghị.

Cũng về vấn đề nhà ở xã hội, anh Nguyễn Việt Anh, đoàn viên Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel tâm tư, cách đây mấy chục năm, nơi nào có nhà máy, xí nghiệp đông công nhân thì nơi đó đều có khu tập thể, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Đến bây giờ, rất nhiều khu công nghiệp có vài ba trăm ngàn công nhân lại vắng bóng các khu chung cư cho công nhân. Công nhân đành phải thuê nhà dân, do tiền ít nên thuê nhà xập xệ, nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng, mất an ninh, an toàn.

“Chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình công nhân 4-5 người ở trong căn phòng khoảng 10m², các con nằm giường, bố mẹ trải chiếu nằm sàn, nhìn vào không ai gọi đó là nhà, mà thực chất chỉ là chỗ ngả lưng”, anh Việt Anh phát biểu.

“Rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm đặc biệt vấn đề này để công nhân có nhà thuê đảm bảo giá ưu đãi, chất lượng, chắc chắn anh chị em không phụ lòng sự quan tâm đó, sẽ làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt hơn để đóng góp vào sự phát triển đất nước”, đại biểu Việt Anh bày tỏ.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trả lời cho người lao động. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trả lời cho người lao động. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một trong những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở đang trình Quốc hội đó là những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để phát triển nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân.

Dự thảo luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội; có chính sách ưu đãi (miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất để chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để nhiều chủ đầu tư quan tâm… Người lao động cũng được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận được nhà ở xã hội. “Đối với nhà lưu trú cho công nhân, đây được coi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp”, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Theo đó, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng sẽ đầu tư nhà lưu trú công nhân, sau đó cho công nhân thuê với mức giá ưu đãi để giải quyết chỗ ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp. Các chủ đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân cũng được hưởng chính sách tương tự như xây dựng nhà ở xã hội. Hiện Ủy ban Pháp luật Quốc hội đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến đại biểu quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp… để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sau đó sẽ trình Quốc hội hội thông qua luật này ở kỳ họp thứ 6.

Phản ánh về khó khăn trong thu xếp chỗ ở cho đoàn viên công đoàn, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam cho biết, rất trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỷ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội do Chính phủ vừa ban hành trong đề án 1 triệu căn hộ.

“Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp ở đô thị; thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay. Thực tế gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Đề nghị Quốc hội giám sát và yêu cầu Chính phủ có giải pháp về vấn đề này để giúp người lao động tiếp cận được nguồn vốn”, ông Sơn nói.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp kết dư rất lớn

Đại biểu Nguyễn Đức Đại, công nhân Công ty Than Mạo Khê

Đại biểu Nguyễn Đức Đại, công nhân Công ty Than Mạo Khê

Đại biểu Nguyễn Đức Đại, công nhân Công ty Than Mạo Khê phản ánh, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện đang kết dư rất lớn, khoảng 65.000 tỷ đồng, tuy nhiên các nội dung chi Quỹ này được quy định tại điều 56 Luật An toàn vệ sinh lao động còn hẹp. Trong khi người lao động rất cần được chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và suy giảm sức khỏe; chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ; chi đầu tư các thiết chế phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động; huấn luyện và nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động. Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật An toàn, vệ sinh lao động để bổ sung các nội dung nêu trên vào luật.

Phản hồi, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 đã quy định cụ thể tại điều 56 việc định kỳ hàng năm Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đồng thời cũng quy định chung về các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các nội dung này và phải bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hiện nay, mức đóng vào Quỹ này chỉ bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, một số doanh nghiệp chỉ còn phải đóng mức 0,3% quỹ tiền lương, như vậy nguồn thu, nguồn hình thành Quỹ ở mức rất thấp - bà Nguyễn Thúy Anh nói. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm nội dung chi như kiến nghị của đại biểu Đại thì cần phải được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để bảo đảm được vấn đề cân đối Quỹ…

Tin cùng chuyên mục