Quyền lợi của người lao động đang có xu hướng giảm?

Theo đại biểu Đinh Sỹ Phúc, qua những lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, dường như quyền lợi của người lao động đang có xu hướng suy giảm (ví dụ như nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động để được hưởng mức tối đa 75%; mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định, người lao động bị giảm 2% lương hưu, trước đây chỉ giảm 1%).

Chiều 28-7, Diễn đàn người lao động năm 2023 đã diễn ra tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phát biểu tại diễn đàn, đại biểu Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai) cho biết, khi một số công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở lấy ý kiến công nhân lao động về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), có nhiều ý kiến băn khoăn.

Đại biểu Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo đại biểu, qua những lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội gần đây, dường như quyền lợi của người lao động đang có xu hướng suy giảm (ví dụ như: nâng số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động để được hưởng mức tối đa 75% lên 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ; mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định, người lao động bị giảm 2%, trước đây chỉ giảm 1%).

Đại biểu đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không làm suy giảm quyền lợi của người lao động; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung phản hồi cho người lao động. ẢNH: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung phản hồi cho người lao động. ẢNH: QUANG PHÚC

Phản hồi ý kiến này, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách về bảo hiểm xã hội như: Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 01/6/2012, Nghị quyết 28 NQ/TW ngày 28/5/2018 và đều khẳng định việc thực hiện chính sách xã hội phải “kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác” và “bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Việc điều chỉnh qua những lần sửa đổi trước đây và cả những sửa đổi (như đại biểu Đinh Sỹ Phúc nêu trong lần sửa đổi năm 2014) nhằm mục đích khuyến khích người lao động còn sức khỏe, có công việc, có thu nhập thì nên tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, đây chính là bảo đảm quyền lợi của người lao động khi về già.

Đồng thời, việc điều chỉnh này cũng góp phần điều chỉnh chính sách an sinh hài hòa cân bằng, phù hợp với xu thế của các nước trong khu vực và thế giới. Khi tuổi thọ của người dân Việt Nam được tăng lên đáng kể và Việt Nam dần bước sang giai đoạn dân số già thì việc điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động là cần thiết, bảo đảm cân đối quỹ hưu trí, tử tuất trong dài hạn.

Vẫn theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) với một số thay đổi mở rộng quyền lợi của người lao động so với Luật năm 2014. Bộ trưởng ghi nhận ý kiến của đại biểu và hứa sẽ nghiên cứu kỹ để những chính sách của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khi được ban hành sẽ đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngoãn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 12, TPHCM

Đại biểu Nguyễn Thị Ngoãn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 12, TPHCM

Đại biểu Nguyễn Thị Ngoãn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 12, TPHCM phản ánh, nhiều trường hợp Công đoàn cấp trên phát hiện thấy chủ doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật với người lao động, nhưng Công đoàn không tự mình giám sát được. Nếu đợi phối hợp với cơ quan chức năng thì có thể đã dẫn tới tranh chấp lao động, đình công. Nữ đại biểu đề nghị trong sửa đổi Luật Công đoàn lần này, Quốc hội cần quy định cho phép Công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động giám sát theo chủ trương và các quy định của Đảng.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Ngọ Duy Hiểu, điều 10 của Hiến pháp đã khẳng định rõ Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024). Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Ngoãn được ghi nhận, trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục