(SGGP-ĐTTC).- Trước khi hướng dẫn khách lên thuyền du ngoạn lòng hồ thủy điện Na Hang, Pác Tạ - người chủ thuyền - vui vẻ nói: “Rồi các anh sẽ bị phong cảnh ở đây làm xiêu lòng thôi”.
Ngược dòng sông Gâm
Là huyện miền núi cao nhất của tỉnh, cách thị xã Tuyên Quang hơn 100km, Na Hang - vùng núi đá vôi trải dọc sông Gâm và sông Năng, tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Thủy điện Tuyên Quang được xây dựng từ năm 2002 với đập tràn chặn ngay dưới điểm hợp lưu sông Gâm và sông Năng, tạo nên lòng hồ rộng 80.000ha. Từ khi có công trình thủy điện, tiềm năng du lịch của nơi này đã được đánh thức.
Hồ nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung có diện tích 37.000ha. Đây là nơi còn lưu giữ được nhiều loài động thực vật quý hiếm của đất nước. Đi thuyền trên hồ, du khách được tận hưởng bầu không khí trong lành, một không gian yên tĩnh hiếm có và một quang cảnh núi non - mây nước bao la, trập trùng ngoạn mục. Hai bên lòng hồ là những ghềnh đá dựng đứng. Đây đó có những thác nước không ngừng chảy qua ngàn đời, giống như những mái tóc mây buông xuống tô điểm thêm vẻ đẹp cho đại ngàn.
Ngược dòng sông Gâm khoảng 25km lên mạn Bắc đến xã Thượng Lâm. Từ đỉnh đèo Ái Âu nhìn xuống, nhà sàn của đồng bào các dân tộc Tày, Dao thấp thoáng trong sương núi dưới thung lũng. Dân nơi đây chân chất và mến khách. Đồng bào dân tộc ở Thượng Lâm vẫn giữ được truyền thống dệt thổ cẩm. Những cô gái đến tuổi lấy chồng tự tay trồng bông, tuốt sợi dệt cho mình hàng chục tấm chăn thổ cẩm đầy màu sắc làm của hồi môn. Họ sẵn sàng bỏ dở công việc để nhiệt tình tiếp đón và giúp đỡ khách.
Ở đây khách có thể vừa thưởng thức chén rượu ngô Na Hang nổi tiếng nấu bằng men lá, vừa nghe những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về miền đất nhiều huyền thoại này. Đó là các sự tích như hoa phạc phiền, chuyện Nàng tiên chú khách, chuyện đèo Nàng, sự tích 99 ngọn núi… Dưới chân đèo Ái Âu có nhiều hang động huyền ảo và chùa cổ Phúc Lâm thờ Phật bà Quan Âm, có từ thế kỷ XIV với những bia đá cổ, tượng Phật làm bằng gỗ mít còn nguyên vẹn, được Nhà nước công nhận di tích cấp quốc gia.
Cần một thương hiệu
Du khách phương xa đến với Na Hang được người dân nơi đây tiếp đãi bằng những món ăn đặc sản hấp dẫn. Đến với thượng nguồn sông Gâm, sông Năng, du khách được thưởng thức món cá lăng, cá chiên, cá rầm xanh anh vũ với hương vị đặc trưng của núi rừng. Cuối bữa ăn, khách còn được nhâm nhi chén trà Shan Tuyết nóng hổi với vị ngọt đậm đà nơi đầu lưỡi, một đặc sản của vùng núi cao Na Hang.
Đồng bào dân tộc Dao ở Na Hang còn có bài thuốc bí truyền gồm những loại lá hái trong rừng sâu đun lên lấy nước xông và tắm. Thứ nước đặc biệt này rất tốt cho các khớp xương khiến người ta cảm thấy thư giãn, thoải mái và dường như trút hết được mệt mỏi của chuyến đi đường trường.
Giàu tiềm năng, nhưng cơ sở hạ tầng dịch vụ ở đây còn quá thiếu và chưa được tổ chức khai thác theo hướng chuyên nghiệp. Hơn nữa, cho đến nay du lịch Na Hang vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, thiếu sản phẩm tiêu biểu để du khách khắp nơi biết tiếng.
Hiện nay, ở Na Hang mới có gần 200 phòng nghỉ phục vụ khách du lịch. Trong khi đó, năm 2009 Na Hang đã thu hút 33.000 lượt du khách chủ yếu là người trong nước đến tham quan. Tuy lượng khách đến tăng trưởng nhanh (49,5% so với năm 2008), nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng của vùng đất này vì không “níu” được chân khách để tăng doanh thu dịch vụ, năm vừa qua tổng số khách lưu trú tại huyện mới chỉ đạt gần 9.000 lượt người.
Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang, cho biết tỉnh Tuyên Quang đang tiến hành quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái Na Hang theo hướng biến thắng cảnh này thành khu du lịch đầy sức hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch - dịch vụ trong tương lai.
Lý Lan